Người chép sử làng

25/05/2014 16:41

(Baonghean) - Bến đò Vạn Rú một chiều đầu hạ, ánh nắng dát vàng trên mặt nước lung linh, dòng sông Lam lững lờ giữa hai bờ lúa ngô xanh mướt. Một khung cảnh làng quê bình yên đến lạ. Bến sông này chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương, đất nước. Bất cứ ai đến với bến đò này, muốn tìm hiểu lịch sử của vùng đất này đều được chính quyền và nhân dân xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn dẫn đến nhà ông Tống Xuân Hùng - người miệt mài chép sử làng...

Ông Tống Xuân Hùng giới thiệu cuốn sử được ghi chép cẩn thận.
Ông Tống Xuân Hùng giới thiệu cuốn sử được ghi chép cẩn thận.

Ký ức hào hùng

Chúng tôi đến nhà ông Tống Xuân Hùng ở xóm 5, xã Khánh Sơn. Ông Hùng đang sống cùng con cháu trong căn nhà nhỏ dưới chân rú Trét. Bước qua tuổi 85, ông còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Vốn là dân vạn chài, từ nhỏ Tống Xuân Hùng hiểu rõ từng bến nước lạch sông. Thân sinh ông từng là tổ trưởng tổ thuyền đưa nhân dân tổng Nam Kim đi cướp chính quyền. Truyền thống cách mạng của gia đình ăn sâu vào tiềm thức, lên 10 tuổi, Tống Xuân Hùng hăng hái tham gia phục vụ cách mạng. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, lại thông thạo chữ hán, chữ nho nên Tống Xuân Hùng được cách mạng giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, làm việc trực tiếp với một số chiến sỹ cộng sản như Lương Tám, Tống Hai, Bùi Định…

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia công tác cơ sở với nhiều vị trí khác nhau. Quốc lộ 15A đoạn qua xã Khánh Sơn bị địch đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện của quân ta. Ông Hùng nhớ lại: “Khu vực này máy bay Mỹ đánh bom, tuyến đường ngày nào cũng bị chia cắt. Chúng tôi huy động tất cả xã viên làm bất kể ngày đêm, vừa làm xong thì tốp máy bay khác lại kéo đến trút bom xuống. Đường chiến lược 28, một nhánh của 15A, từ Km 7 đến Km 13 cũng bị đánh bom liên tục, với đủ loại bom bi, bom tấn, bom từ trường; ban đêm chúng thả pháo sáng và bắn rốc - két nhằm xóa sổ tuyến đường chiến lược huyết mạch. Do địch đánh phá quá ác liệt, bộ đội ta hạn chế hành quân qua đoạn này nên phải đi tắt theo đê 42 (đê Tả Lam), rồi qua đò Vạn Rú. Lúc đó, tôi là Bí thư Đảng ủy xã kiêm Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm HTX vận tải Đại Thành, trưởng ban quản lý đò ngang… Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho bộ đội, vũ khí vượt sông Lam vào chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó, phải bảo vệ bộ đội và công nhân đang thi công đường điện và đường ống xăng dầu huyền thoại”.

Thời kỳ chiến tranh, cả làng Vạn Rú và HTX Đại Thành, chỉ có 2 chiếc thuyền tải trọng từ 6 - 8 tấn, còn lại là đò nhỏ dưới 2 tấn cùng với 36 thuyền chuyên chở bộ đội từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Người chèo đò thiếu nên phải vận động cả trẻ nhỏ và người già trong xã ra chèo. Có hôm, bộ đội vượt sông quá nhiều nên phải huy động thêm đò ngang của một số HTX lân cận để vận chuyển, cao điểm lên đến 60 chiếc, chở được trên 4.000 bộ đội vượt sông/đêm. Cuối năm 1966 đầu năm 1967, ông sáng lập Đội Thép, tập hợp những người gan dạ, dũng cảm, chia thành các tiểu đội để san lấp đường, đội chèo thuyền đưa bộ đội qua sông, đội rà phá bom mìn, tổ trạm barie… Bom đạn giặc Mỹ cày xới từng tấc đất, cũng không làm nhụt chí anh em trong Đội Thép.

Thời kỳ cao điểm, đội huy động gần 450 thành viên, bằng 1/3 lao động chính của HTX. Người đội trưởng Tống Xuân Hùng phải thường xuyên khích lệ, động viên tinh thần cho anh em, luôn xung phong trong mọi việc khó khăn. Ông nhớ lại, có lần cán bộ xã họp, cử người đi phá bom ở rú Trét, ai cũng ngại, vậy là ông xung phong. Ông cùng 2 người nữa đi, đến nơi thì 2 người ở ngoài, chỉ mình ông vào trong. Sau khi nghe tiếng bom nổ, đất đá bắn tung tóe, không thấy ông quay ra, 2 người đó trở về thông báo cho gia đình để lo hậu sự. Người mẹ già đang nức nở khóc thì thấy ông lúi húi vào nhà, bùn đất bê bết. Bà không tin nổi vào mắt mình, cứ hỏi đi hỏi lại “có phải Hùng đó không”? Đến bây giờ nhắc lại, ông vẫn cười rất nhẹ nhõm. Ông bảo: “Sống hay chết điều đó không quan trọng, bởi mình sống cũng cho cách mạng, chết cũng cho cách mạng thì chẳng có gì tiếc nuối cả”.

Kho tư liệu

Trong bom rơi đạn nổ, bận rộn với việc chèo thuyền, đào hầm, gỡ bom mìn nhưng ông Hùng vẫn không quên thói quen ghi chép. Vốn là một cán bộ thống kê của xã nên ông nắm rõ tất cả các sự kiện, số liệu diễn ra hằng ngày. Đi đâu, ông cũng mang theo bút giấy, tranh thủ lúc rảnh rỗi là ông lại ghi. Những thông tin được ông tổng hợp chính xác, cụ thể về thời gian, địa điểm. Từ những sự kiện Mỹ đánh bom ở đâu, thiệt hại thế nào, những ai bị bắt, bị thương hay đến những sự việc như nhà ai bị cháy, bị mất lợn, mất bò… được ông ghi chép rất cẩn thận. Ông bảo: “Mình phải ghi lại làm tư liệu cho con cháu biết và hiểu truyền thống, lịch sử của quê hương”. Chiến tranh loạn lạc, ông xếp tài liệu vào chum, vại bịt kín rồi chôn xuống đất. Không có điều kiện in thành sách, cũng chẳng có tủ, kệ, những tập tài liệu của ông được gói ghém trong túi ni lông, đựng trong rương, hòm, gác trên xà nhà. Nhìn những dòng chữ ngay ngắn, sắp xếp theo thứ tự rất khoa học, chúng tôi thực sự cảm nhận được niềm tâm huyết của ông. Nét mực ít nhiều đã nhòa đi, những trang giấy cũng ngả màu theo thời gian nhưng ông vẫn giữ bên mình như báu vật.

Ông miệt mài ghi chép như một nhu cầu tự thân. Ông chẳng có đòi hỏi gì cho riêng mình mà chỉ băn khoăn cho đồng đội, những anh em trong Đội Thép đã đồng cam cộng khổ, giờ kẻ còn người mất, vẫn chưa có ai được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Ông vẫn ngày đêm lần lại lịch sử để làm chính sách cho những đồng đội, giúp những thân nhân tìm lại mộ liệt sỹ. Ông bảo: “Bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong hy sinh ở đây nhiều lắm. Tôi nghĩ, thành tích của Đội Thép cảm tử hay 10 cô gái Sông Lam cũng không thua gì các cô gái ở Đồng Lộc, ở Truông Bồn. Nhưng đến nay, những người còn sống, chúng tôi vẫn chưa làm được gì cho họ...”.

Bên cạnh những trăn trở với người đã khuất, ông còn lo cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển văn hóa quê hương. Nhiều công trình văn hóa - lịch sử như đình Hoành Sơn, miếu Thống Chinh, đình Trung Cần… do ông dày công sưu tầm tư liệu, mày mò dịch các văn bản chữ Hán cổ, tìm lại nguồn gốc lịch sử đến nay đã có những công trình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Nguyễn Lê

Mới nhất
x
Người chép sử làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO