Kết nối những mảnh đời

Trong một lần về thăm làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), tình cờ chúng tôi gặp một người đàn ông không cao lớn nhưng vóc dáng rắn rỏi, đi đến đâu cũng được người xung quanh chào hỏi. Người bạn mới quen mách nhỏ: “Ông ấy là Cao Bá Văn, người được bà con Phượng Lịch gọi là “Tiên ông” vì thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó, nhất là những hoàn cảnh neo đơn, giúp họ thỏa nguyện ước mong có một mái nhà vững chãi, rồi vận động đóng góp xây cổng làng, trồng cây ven đường…”.

Và chúng tôi đã quyết đến nhà ông Văn để tìm hiểu xem lý do gì ông làm việc ấy. Hỏi về chuyện giúp người nghèo làm nhà, ông chia sẻ: “Có gì đáng kể đâu, vì mình may mắn hơn họ ở chỗ đã có nhà cửa, các con ổn định công việc, hàng tháng có lương hưu để chi tiêu nên cần giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn, nhất là những hộ gia đình phải sống trong nhà dột nát, tạm bợ”.

Năm nay ông Cao Bá Văn tròn tuổi 60, từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, về hưu năm 2005 với quân hàm Trung tá. Gần 30 năm quân ngũ, đôi bàn chân chạm đến khắp các nẻo đường, người lính ấy đã nếm trải và chứng kiến bao hy sinh và gian khổ của đồng đội, của người dân ở khắp mọi miền.

Để rồi, khi trở về với làng Phượng Lịch, nơi cất tiếng khóc chào đời, bên cạnh niềm vui trước sự đổi thay, khởi sắc của quê hương vẫn không tránh khỏi day dứt khi vẫn còn đó những cảnh nghèo. Chứng kiến những cảnh đời nghèo khó, thân phận éo le trong những ngôi nhà xập xệ, lòng ông lại thêm một lần nhói đau, có điều gì đó như thôi thúc, như dục giã.

Thời quân ngũ, thân quen với nhiều bạn bè, người thân là cán bộ, doanh nhân sinh sống khắp mọi miền đất nước, ông Văn liên hệ, đề xuất ý nguyện mong họ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội cho những cựu chiến binh gặp hoàn cảnh khó khăn và nhà tình thương cho những gia đình khốn khó. Có người đồng ý giúp đỡ, có người chối từ, nhưng ông Văn không bao giờ nản lòng.

Cách làm của ông Cao Bá Văn là phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban MTTQ xã tiến hành khảo sát những trường hợp gặp khó khăn về nhà ở, chụp ảnh gửi đến các công ty, doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Khi nhận được kinh phí hỗ trợ, tùy vào từng đối tượng, ông chuyển cho các đoàn thể này quản lý và giám sát quá trình thi công.

Đến lúc nhà hoàn thành, mời những người đã giúp đỡ về tham dự lễ khánh thành và bàn giao tận tay cho người nghèo. Trong quãng thời gian 12 năm qua,  ông Văn đã góp phần mang lại niềm vui cho 49 gia đình khi giúp đỡ họ xây nhà mới.

Riêng xã Diễn Hoa quê ông có 30 hộ, số hộ còn lại rải rác khắp các xã trên địa bàn huyện Diễn Châu với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, có 106 người gặp hoàn cảnh khó khăn được ông Văn vận động giúp đỡ mua Bảo hiểm y tế, bớt được gánh nặng lúc đau ốm, bệnh tật.

“Trở về với gia đình, trước tiên tôi dành thời gian dạo khắp làng trên xóm dưới, hỏi thăm hoàn cảnh mỗi nhà. Và rồi, thật sự ái ngại khi nhìn ngôi nhà xiêu vẹo, muốn sập xuống của chị Nguyễn Thị Lành và chị Vũ Thị Xuân. Điều ấy làm tôi day dứt, trăn trở, nhiều đêm mất ngủ để suy nghĩ tìm cách giúp đỡ” – ông Văn nhớ lại.

Chị Lành chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, cái ăn chẳng đủ chứ chưa nói đến tích cóp làm nhà. Còn chị Xuân sống đơn thân, không chồng con, bị chứng bệnh tâm thần, nhà chẳng ra nhà, chỉ hơn cái lều một ít. Đúng vào mùa mưa bão, làng Phượng Lịch chỉ cách biển chừng 5 cây số, những trận gió lớn liên tục đổ về đe dọa ngôi nhà của hai người phụ nữ bất hạnh.

Ông Văn quyết định bằng cách gọi điện cho một người thân là chủ doanh nghiệp gửi tiền về giúp các chị làm nhà mới. Mấy tháng sau, chị Lành, chị Xuân đã có một căn nhà vững vàng, không còn lo giông bão.

Ông Văn dẫn chúng tôi tới nhà chị Cao Thị Nga (SN 1977), là phụ nữ đơn thân, có con trai lên 10 tuổi, vừa được ông kêu gọi hỗ trợ được 70 triệu đồng để làm nhà mới, thay cho căn nhà ọp ẹp. Với số tiền được hỗ trợ, chị Nga vay mượn thêm để xây căn nhà 50 m2, tường xây, mái ngói, nền lát gạch có tổng trị giá 150 triệu đồng.

“Không có sự kêu gọi giúp đỡ của chú Văn, không biết bao giờ mẹ con tôi mới có được ngôi nhà như thế này. Đây là niềm mong ước, khao khát từ bao năm nay, vì hàng ngày chỉ biết làm ruộng, làm thuê nên không thể đủ tiền lo liệu” – chị Nga tâm sự.

Bà Vũ Thị Hồng (SN 1954) cũng vừa được bàn giao ngôi nhà tình thương, tấm phông ghi dòng chữ trao tặng nhà vẫn còn treo trên bức tường phía trước. Chồng của bà Hồng là cựu chiến binh, sức khỏe yếu, đau ốm triền miên và mất hơn một năm trước.

Vợ chồng bà có 3 người con nhưng 2 người bị khuyết tật trí tuệ, gánh nặng bây giờ hoàn toàn do tấm thân già nua của bà gánh vác, cuộc sống vô cùng gian nan. Ngôi nhà cũ tuổi thọ đã xấp xỉ 30 năm, ẩm thấp và chật chội, vô ý chạm phải mái nhà, ngói rơi vãi từng mảng.

Không đành lòng nhìn hàng xóm sống trong nỗi cơ cực, ông Cao Bá Văn đã “kết nối” với các nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng cho mẹ con bà Hồng làm nhà mới. Không giấu được niềm vui, bà Hồng bộc bạch: “Có được căn nhà này, phần lớn nhờ lòng tốt và nhiệt tình của chú Văn!”.

Hết lòng giúp đỡ người nghèo khó, ông Cao Bá Văn còn nhiệt tình góp sức xây dựng quê hương. Năm trước, xã triển khai xây dựng cổng làng, ông đã huy động ủng hộ được hơn 300 triệu đồng và mua 130 cây sao đen trồng dọc hai bên đường vào làng, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

Gia đình ông góp hàng chục triệu đồng xây dựng công trình phúc lợi, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ và ủng hộ phong trào thôn xóm. Người cựu chiến binh ấy chia sẻ: “Với tôi, niềm vui lớn nhất là khi làng xóm, quê hương không còn những ngôi nhà tạm bợ, nơi thôn quê hết cảnh đói nghèo. Và tôi muốn được góp sức mình để điều ấy thành hiện thực, mỗi gia đình được hỗ trợ làm nhà mới tôi lại có thêm một niềm vui”.

Ông Nguyễn Xuân Giáp – Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa cho hay: “Ông Cao Bá Văn là cán bộ Hội Cựu chiến binh và Hội Chữ thập đỏ của xã, hoạt động nhiệt tình, tận tụy và giàu lòng nhân ái, được các cấp ghi nhận. Đóng góp lớn nhất của ông là vận động kinh phí giúp đỡ người nghèo làm nhà, mang đến niềm vui cho thôn xóm, với nhiều người ông là một ân nhân”.