Người cựu binh suốt đời vì công tác thiện nguyện
(Baonghean.vn) - Người cựu binh ấy từng vào sinh ra tử ở mặt trận khốc liệt Vị Xuyên, từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trong quân ngũ, khi về hưu đã tự xây cho mình phương châm còn sống còn giúp người, còn làm thiện nguyện.
Hồi ức Vị Xuyên
Vào quân ngũ năm 1977, đến năm 1979, người lính Cao Bá Văn (SN 1958), ở xóm Phượng Lịch 1, xã Diễn Hoa (Diễn Châu) cùng đồng đội thuộc Sư 390 hành quân lên Vị Xuyên biên giới phía Bắc để bảo vệ biên cương Tổ quốc trước sự xâm lược của quân Trung Quốc. Vị Xuyên phần lớn là núi đá, cao từ biên giới, thấp dần vào nội địa Việt Nam. Địa hình phía Trung Quốc là vùng núi cao nguyên rộng, thuận lợi cho việc triển khai đội hình lớn để tấn công Việt Nam. Địa hình phía Việt Nam rất khó cho triển khai đội hình lớn để phòng thủ và phân công cũng như việc vận chuyển, chi viện các mặt từ phía sau lên.
Ông Văn kể: Tại mặt trận Vị Xuyên, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Cứ 4 giờ chiều hành quân thì đến sáng hôm sau lại nghe tin đồng đội phần lớn đã nằm lại trên những vách núi. Có người ra đi còn tươi cười hứa hẹn và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, thì đêm hôm đấy đã phải ra đi mãi mãi nơi những vách đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm. Có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Cuộc chiến này ác liệt đến mức mà anh em gọi Vị Xuyên là “lò vôi thế kỷ”. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt, ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Thắng lợi rất oanh liệt, nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Có những sư đoàn hy sinh tới 400 - 600 chiến sĩ…
“Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…”, ông Văn hồi tưởng. Dù chỉ tham gia tại trận địa này có 7 tháng nhưng máu và nước mắt của đồng đội đã khiến ông thấm thía rằng, để có được hòa bình và giữ được hòa bình, hàng nghìn chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh anh dũng...
Thắm nghĩa tri ân
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của người lính, ông Cao Bá Văn được giữ nhiều trọng trách trong quân đội, trong đó có cương vị Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 1. Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sống chiến đấu hết mình, xứng đáng với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Bởi thế, khi được phục viên trở về địa phương, ông luôn tâm niệm phải thực hiện lời hứa với đồng đội, không để gia đình những người có công sống nghèo khổ, nhà cửa dột nát.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Diễn Hoa, ông cùng chính quyền địa phương đã rà soát những hộ gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ còn khó khăn để có kế hoạch kêu gọi giúp đỡ. “Một số gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ 20 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, nhưng với số tiền này không đủ để vá víu những ngôi nhà nhỏ vốn đã xiêu vẹo, dột nát của nhiều gia đình. Thế nên, tôi đã lên nhiều phương án, nhiều kế hoạch kết nối kêu gọi để thu hút được nhiều nguồn hỗ trợ lớn hơn”, ông Văn chia sẻ.
Từ kết nối với nhiều doanh nghiệp lớn có chủ doanh nghiệp là con em xã Diễn Hoa, ông Văn đã thu hút được lượng kinh phí hơn 240 triệu đồng xây 4 căn nhà trong năm 2016, liền sau đó, mỗi năm ông kết nối kêu gọi được từ 3-4 căn nhà cho các đối tượng chính sách, mỗi căn được hỗ trợ từ 50-80 triệu đồng. Với số tiền lớn đã được hỗ trợ thì việc huy động sự ủng hộ của bà con, tình làng, nghĩa xóm chỉ cần phần nhỏ nữa... Tính ra từ năm 2016 đến nay, ông Văn đã kêu gọi ủng hộ được 20 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công và những người già cả neo đơn, khó khăn khác.
Ngoài việc kêu gọi kinh phí để sửa chữa nhà ở cho người có công, người nghèo, cựu chiến binh Cao Bá Văn còn huy động nguồn kinh phí của các mạnh thường quân là con em xa quê để nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ công nhân bị tai nạn lao động, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đối với ông, làm thiện nguyện cần nhất là vai trò kết nối tấm lòng hướng về những gia cảnh khó khăn; khi sử dụng nguồn quỹ thu hút được, luôn minh bạch, công tâm, tránh hiểu nhầm, nghi kỵ, làm sao để người nhận ấm lòng mà người cho cũng cảm thấy hạnh phúc. “Để thu hút được nguồn kinh phí làm thiện nguyện, mình phải làm sao cho người ta tin, tin vì con người của mình qua những việc làm trước đó, tin vì nếu nguồn kinh phí thông qua mình đảm bảo người khó khăn sẽ nhận được một cách minh bạch, công khai, đúng đối tượng”, cựu chiến binh Cao Bá Văn chia sẻ.
Vì làm tốt công tác thiện nguyện, tiếng lành đồn xa, năm 2022, cựu chiến binh Cao Bá Văn được điều động làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Trên cương vị này, ông càng phát huy được phẩm chất của mình trong công tác thiện nguyện. “Đối với người làm Hội Chữ thập đỏ phải luôn tâm niệm làm sao để lan tỏa được tinh thần mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, có như thế chúng ta mới đưa đến cho người khó khăn sự hỗ trợ kịp thời, cần thiết”.
Hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều ngôi nhà dột nát cần cộng đồng chung tay. Ông Cao Bá Văn tâm niệm: Còn có người khó, mình còn phải đi, phải kết nối và phải xả thân nhiều hơn nữa.
Cựu chiến binh Cao Bá Văn nhiều lần được suy tôn là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với ông, học theo Bác không khó, nhưng ta phải trau dồi, rèn giũa thường xuyên để tấm gương không chỉ rạng lên mỗi ngày mà còn phải để lớp lớp thế hệ soi rọi và noi theo.