Có phải 'trọng tài nội mới hiểu bóng đá Việt Nam'?

Bùi Hoa 09/08/2023 20:16

(Baonghean.vn) - Với V-League, chuyện mời trọng tài ngoại đến cầm còi các trận đấu nhạy cảm là điều không mới và đây được coi là giải pháp an toàn nhất cho ban tổ chức giải.

Cả 2 nhóm A và B của V-League 1-2023 đang tiến về đích khi trước mặt chỉ còn 1-2 vòng đấu cuối cùng. Xét tính chất quan trọng của các trận đấu ở mỗi nhóm, người ta dự định sẽ tiếp tục mời trọng tài ngoại điều khiển 2 trận đấu được cho là “nhạy cảm” gồm Đông Á Thanh Hóa-Hà Nội FC (12/8) ở nhóm A và Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương (11/8) ở nhóm B. Trước đó ở vòng 5 nhóm A, trọng tài người Thái cũng được mời điều khiển trận đấu Công an Hà Nội-Hà Nội FC như nhiều người đã biết thực tế câu chuyện và những ồn ào sau đó, nhất là từ chính đội thua cuộc Hà Nội FC.

le-vu-linh-8166.jpeg

Thực ra, với V-League, chuyện mời trọng tài ngoại đến cầm còi các trận đấu nhạy cảm là điều không mới và đây được coi là giải pháp an toàn nhất cho ban tổ chức giải. Xuất phát từ việc nhiều trận đấu quan trọng do trọng tài nội điều khiển đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ, dẫn đến mất niềm tin từ các đội bóng và người hâm mộ, khiến ban tổ chức phải xử lý kỷ luật treo còi hoặc cho nghỉ một số trận sau đó.

Vị trọng tài biên trong trận Công an Hà Nội - Sông Lam Nghệ An ở giai đoạn 1 bắt việt vị sai lầm khiến đội khách mất một bàn thắng phản công là ví dụ nhiều người nhớ. Ông Vũ Tiến Thành ở đội Thành phố Hồ Chí Minh là người to tiếng nhất, liên tục nhất về sai lầm của các trọng tài nội. Và còn vô vàn ví dụ tiêu biểu về sai lầm nghiêm trọng, cố tình hoặc vô tình của các vị vua áo đen khiến cho án kỷ luật được ban ra liên tục sau các vòng đấu. Để rồi, mùa nào cũng lặp lại câu chuyện mời trọng tài ngoại liên tục nhiều mùa giải gần đây.

Chúng ta còn nhớ, 4 vòng đấu cuối V-League 2022 có 6 trận đấu được điều khiển bởi các trọng tài ngoại gồm 7 trọng tài và 14 trợ lý trọng tài. Ngay từ giữa giai đoạn 1 V-League 2023, trọng tài ngoại lại được mời đến trong các trận Thành phố Hồ Chí Minh-SHB Đà Nẵng (như một cử chỉ “nhượng bộ” sau những phát ngôn gay gắt của ông Vũ Tiến Thành), SHB Đà Nẵng- Bình Dương và Đông Á Thanh Hóa-Công an Hà Nội. Được biết vị trọng tài ngoại đầu tiên ra mắt tại V-League là ông Ryuji Sato người Nhật Bản trong trận đấu giữa Bình Dương và Thanh Hóa ngày 12/06/2014. Sau ông Sato, nhiều trọng tài người Hàn, người Mã, người Thái… đã đến Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng khác nhau, nhiều đánh giá khác nhau rất đáng quan tâm.

Nghiêm khắc, khách quan và chính xác là điểm nổi bật của các trọng tài ngoại khi điều khiển các trận đấu vừa qua. Họ không để trận đấu bị nát vụn bởi các tình huống va chạm không/chưa đến mức cắt còi, nhưng lại thổi còi chính xác, thẻ phạt xác đáng với những hành vi ăn vạ thô thiển. Họ đủ thể lực để đeo bám các tình huống trên sân, lựa chọn góc nhìn thuận lợi nhất để đưa ra quyết định hợp lý nhất, phối hợp tốt nhất với các trợ lý để xử lý nhanh gọn các trường hợp phức tạp… Tất nhiên, trọng tài ngoại cũng là “người trần, mắt thịt” (trong bối cảnh chưa/không có VAR) nên thời gian qua vẫn có trường hợp mắc sai lầm nghiêm trọng, liên quan đến những quả phạt đền gây tranh cãi, những thẻ đỏ, thẻ vàng nặng nhẹ… Nhưng cái chính là với sai lầm của trọng tài ngoại, không có chỗ để… kỷ luật người ta và nhất là không thể quy tội thiên vị hay bất cứ điều gì cho họ, bởi đó dứt khoát là “một phần của bóng đá” mà bất cứ ai cũng phải chấp nhận, làm theo.

Mới nhất là câu chuyện của trọng tài Thái Lan Songkran Bunmeekiart điều khiển trận đấu quan trọng giữa Công an Hà Nội và Hà Nội FC ở vòng 5 giai đoạn 2, nhóm A mới đây. Một người trong cuộc là Văn Quyết của Hà Nội FC cho rằng “V-League đã có VAR, tôi nghĩ nên để trọng tài nội bắt thời điểm này vì trận quan trọng đòi hỏi bản lĩnh của trọng tài. Tôi thích trọng tài nội bắt bởi họ hiểu bóng đá Việt Nam cần gì?”. Sau trận đấu này, huấn luyện viên trưởng đội bóng thua cuộc Hà Nội FC, ông B. Bandovic cũng đổ lỗi cho trọng tài ngoại nói trên, cho rằng ông này đã sai lầm khi bỏ qua các lỗi nặng có thể thổi phạt đền…

Người viết có theo dõi trận đấu và cho rằng, trọng tài người Thái hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuyệt đối không bị cuốn vào những ồn ào trên sân cỏ cũng như ở các khu kỹ thuật của 2 đội bóng (tất nhiên, quan trọng là đánh giá của giám sát và đông đảo người hâm mộ). Đó chính là điều các trọng tài nội đang thiếu, đang yếu, cần phải phấn đấu, phải vươn lên. Nên học hỏi và làm theo những gì các trọng tài ngoại đang làm, đang vượt qua trong các trận đấu khó khăn, nhạy cảm. Cũng nên biết tự ái, tự trọng khi ban tổ chức giải còn tiếp tục phải mời các trọng tài ngoại đến làm việc bằng kết quả cụ thể trên sân cỏ, bằng sự phấn đấu của mỗi người, từng ngày, từng giờ, từng trận đấu.

Kết quả từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có 11 trọng tài nam nằm trong danh sách trọng tài FIFA (hiện tại chỉ có 4 người đang cầm còi) rõ ràng không khiến chúng ta yên tâm về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cầm cân, nảy mực của một nền bóng đá đang phát triển, so với mặt bằng chung khu vực. Vì thế, khả năng giải pháp tình thế mời trọng tài ngoại vẫn xảy ra là điều khó tránh, bởi ít nhất điều này luôn buộc các đội bóng phải thực sự chiến đấu bằng năng lực của mình để giành được kết quả tốt nhất có thể, không thể trông chờ bất cứ điều gì khác từ bên ngoài. Và hơn nữa, không thể nói “chỉ trọng tài nội mới hiểu bóng đá Việt Nam cần gì”, còn trọng tài ngoại thì không?

Mới nhất

x
Có phải 'trọng tài nội mới hiểu bóng đá Việt Nam'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO