Người dân bức xúc vì trang trại gây ô nhiễm ở huyện Yên Thành
Trước tình trạng trang trại chăn nuôi gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, người dân xóm Tân Yên A đã đồng loạt kiến nghị chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm.
Gây ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây, người dân xóm Tân Yên A, xã Tiến Thành (Yên Thành) liên tục phản ánh trang trại chăn nuôi của ông Lê Văn Hưng (trú cùng xóm), thường xuyên phát tán mùi hôi thối, nước thải chưa được xử lý chảy ra ruộng, mương, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Kiều, có bố mẹ già sống bên cạnh trang trại chăn nuôi này cho biết: Trang trại của gia đình ông Hưng được xây dựng cách đây khoảng 10 năm, trước đây chủ yếu là nuôi gà, nhưng thời gian gần đây thì nuôi lợn với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước, khiến nước thải ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước những kiến nghị của người dân địa phương, chiều 15/10/2024, đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng TN&MT huyện Yên Thành đã đi kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Hưng.
Qua kiểm tra cụ thể hiện trường hộ ông Lê Văn Hưng đã xây dựng 4 chuồng trại chăn nuôi gà từ năm 2014 (diện tích mỗi chuồng trại 160m2). Kết cấu mái tôn xốp, tường xây táp-lô; chuồng gà xây lửng, lưới B40, nền xi măng. Vào tháng 7/2024, hộ gia đình ông Hưng chuyển đổi nuôi gia công 1 chuồng lợn. Chất thải rắn là phân lợn được thu gom tách riêng đóng bao bán cho các cá nhân chăn nuôi giun quế. Nước tiểu lợn và nước vệ sinh được thu gom xử lý qua hố lắng, bể biogas rồi thải ra môi trường.
Thời điểm kiểm tra, trang trại này có 47 con lợn thịt, 2.000 con gà nuôi thịt, 1.000 con gà mới nhập đàn. Theo trình bày của chủ trang trại thì đầu tháng 10/2024, trang trại xảy ra sự cố để nước thải chăn nuôi chảy sang vườn nhà bà Trần Thị Liên gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi đi kiểm tra, đoàn liên ngành đã yêu cầu gia đình ông Lê Văn Hưng di dời đàn lợn chăn nuôi ra khỏi khu vực chăn nuôi của hộ gia đình, khu dân cư, chậm nhất trước 25/10/2024.
Ngay sau lần kiểm tra này, vào ngày 21/10/2024, UBND xã Tiến Thành có Văn bản số 91/TB-UBND trả lời nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân về vụ việc. UBND xã Tiến Thành cũng thông tin, trước đó địa phương này đã kiểm tra môi trường chăn nuôi đối với hộ ông Lê Văn Hưng và đã lập biên bản kiểm tra môi trường chăn nuôi, biên bản xử lý vi phạm hành chính vào các ngày 3/5/2024 và ngày 4/10/2024. Sau đó, UBND xã đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm môi trường chăn nuôi 750.000 đồng vào ngày 14/5/2024 và 1.000.000 đồng vào ngày 8/10/2024.
UBND xã Tiến Thành cũng đã yêu cầu ông Lê Văn Hưng thực hiện đầy đủ quy định về pháp luật chăn nuôi, thú y; di dời đàn lợn chăn nuôi ra khỏi khu vực chăn nuôi của hộ gia đình, khu dân cư chậm nhất trước ngày 25/10/2024 như trong cam kết với đoàn kiểm tra liên ngành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, không để phát sinh việc xả thải gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng khu vực dân cư.
Đề nghị xử lý dứt điểm
Tuy UBND xã Tiến Thành đã có văn bản trả lời những kiến nghị của người dân, thế nhưng, theo ông Kiều, văn bản trả lời này chưa đầy đủ, không thể hiện rõ bản chất của sự việc. Nhất là vấn đề liên quan đến nước thải, khi trong Văn bản số 91 chỉ mang tính liệt kê quy trình xử lý nước thải của hộ gia đình ông Hưng, mà không đưa ra kết luận nước thải sau khi xử lý đã đủ tiêu chuẩn để xả trực tiếp ra môi trường hay chưa. Đoàn kiểm tra cũng không xét nghiệm nước thải để có kết quả cụ thể mà chỉ đánh giá bằng mắt thường, trong khi việc xử lý nước thải có quy chuẩn quy định cụ thể.
"Chưa kể, trong Văn bản số 91 có giải thích lý do nước thải chảy sang vườn bà Trần Thị Liên là do sự cố diễn ra vào đầu tháng 10 là không đúng thực tế, khi khu vực đó hiện nay đã bị nhiễm màu đen kịt, hôi thối chứng tỏ sự việc này đã diễn ra một thời gian rất dài", ông Kiều nhấn mạnh.
Sau khi nhận được đơn phản hồi về những kết quả kiểm tra trong Văn bản số 91, ngày 30/10/2024, UBND xã Tiến Thành đã tiến hành kiểm tra, xác minh lại nội dung phản ánh của người dân. Thời điểm kiểm tra, trong trang trại chăn nuôi của ông Hưng vẫn còn 15 con lợn nái sinh sản đang mang bầu; 3 ổ lợn nái đang nuôi 24 con 7 ngày tuổi; 23 con lợn đã cai sữa 20 ngày tuổi.
UBND xã Tiến Thành cũng đã yêu cầu phía gia đình ông Hưng nghiêm túc thực hiện những cam kết trước đó với đoàn liên ngành của huyện và xã; thực hiện đầy đủ quy định về pháp luật chăn nuôi và thú y....
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, thửa đất mà hộ gia đình ông Lê Văn Hưng đang sử dụng và xây dựng trang trại chăn nuôi là thửa đất số 159, tờ bản đồ số 21 xã Tiến Thành, có diện tích 1.694m2, bao gồm cả đất ở và đất trồng cây lâu năm. Bằng thiết bị flycam, có thể dễ dàng nhìn thấy một hệ thống chăn nuôi khá đồ sộ được xây dựng bao trùm lên cả khu đất.
Kiểm tra tại khe Rộc Gáo, chúng tôi nhận thấy không còn phát hiện nước thải chảy ra như thời điểm người dân ghi lại được trong khoảng 1 tháng trước, do đã bị mưa lũ rửa trôi. Tuy nhiên, trên thực tế, nước giếng của một số hộ dân xung quanh vẫn còn mùi hôi. Nhiều hộ dân xung quanh trang trại vẫn chưa dám dùng nước giếng mà phải dùng nước mưa.
Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Theo hồ sơ đất của gia đình ông Hưng thể hiện là đất ở và đất vườn, tuy nhiên, do đang băn khoăn về chênh lệch giữa diện tích thực tế hộ gia đình sử dụng so với diện tích trong hồ sơ, nên xã đang giao bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát.
Ông Vũ cũng khẳng định, trang trại chăn nuôi cũng không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Sau khi kiểm tra, ông Hưng cũng đã cam kết sẽ di chuyển toàn bộ đàn lợn ra khỏi đây. Tuy nhiên, do đang có một số lợn nái sinh sản đang mang bầu nên phía gia đình xin gia hạn thời gian di chuyển.
Ông Đường Xuân Phúc - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thành cho biết: Việc chăn nuôi của gia đình ông Hưng tại xóm Tân Yên A, xã Tiến Thành huyện cũng đã nắm và đã thành lập đoàn đi kiểm tra. Để tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi nên một số lợn sinh sản mang bầu đang được cho phép giữ lại.
"Phía huyện cũng đã yêu cầu UBND xã Tiến Thành thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành thực hiện di dời đàn lợn theo đúng cam kết. Đồng thời, thực hiện xử lý theo đúng thẩm quyền quy định và báo cáo kịp thời lên UBND huyện các vấn đề phát sinh liên quan", ông Phúc cho biết thêm.