Người dân đang "đói" thông tin?

12/08/2013 17:54

(Baonghean) - Trong thời đại thông tin “bùng nổ” mà bảo “dân ta đang đói thông tin thì thật vô lý? Nhưng, đó là một thực tế; là chuyện có thật. Nó không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi mà còn ở vùng đồng bằng, thậm chí ngay cả một số nơi thuộc vùng đô thị.

(Baonghean) - Trong thời đại thông tin “bùng nổ” mà bảo “dân ta đang đói thông tin thì thật vô lý? Nhưng, đó là một thực tế; là chuyện có thật. Nó không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi mà còn ở vùng đồng bằng, thậm chí ngay cả một số nơi thuộc vùng đô thị.

Nếu làm một cuộc khảo sát xã hội về sự tiếp nhận thông tin phổ thông ở cơ sở thì dám chắc tỷ lệ người “không biết” “không hiểu” sẽ chiếm không nhỏ. Bằng chứng gần đây nhất là “phong trào” nuôi chồn nhung đen xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khuynh gia bại sản. Trong đó, ở tỉnh ta có các chủ “chuồng” chồn nhung đen ở Hưng Phúc, Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) bị ăn quả lừa cay đắng. Lại còn phải kể đến chuyện trái khoáy trong chọn giống cây, con; chọn vật tư, phân bón phục vụ nông nghiệp từng xảy ra nhiều nơi ở tỉnh ta. Đó là chưa kể nhiều bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa thậm chí cả bà con ở đô thị còn bị kẻ xấu lừa đảo trong hoạt động tín dụng đen, xuất khẩu lao động.

Nếu như người dân được các cơ quan chức năng thông tin đầy đủ, có định hướng thì chắc tình trạng trên sẽ giảm là điều không phải bàn cãi! Và, hiển nhiên là, nhiều gia đình tránh được cảnh khốn cùng; nếu họ được tiếp nhận những lời khuyến cáo mạnh mẽ của các nhà chuyên môn qua các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở. Đáng tiếc, những thông tin đó ít được truyền tải đến tận người dân.

Theo một thống kê đăng trên một tờ báo thì tại các tỉnh phía Bắc, có tới 90% người dân nông thôn không đọc báo viết và nghe đài phát thanh chỉ chiếm khoảng 30% hoặc thấp hơn; với truyền hình tỷ lệ này khá cao, tuy nhiên phần đa chỉ xem các chương trình văn nghệ, giải trí, phim truyện. Lý do rất đơn giản là do công việc đồng áng vất vả nên nhiều bà con không có thời gian để xem truyền hình, hoặc nếu xem cũng để thư giãn. Còn tiếp nhận thông tin của mạng internet thì rất hiếm. Phần nhiều nhà văn hóa thôn xóm, hay điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động thông tin còn mang tính hình thức. Còn hệ thống loa truyền thanh cơ sở cũng đáng buồn không kém khi ngay tại tỉnh ta cũng đang còn 42/478 xã, phường chưa có hệ thống đài truyền thanh, 37,7% xã có nhưng đã tê liệt vì hư hỏng. Còn các loại báo in thì chủ yếu mới đến được các bí thư chi bộ, có nơi thêm bí thư chi đoàn, xóm trưởng.

Điều đó không chỉ gây tổn hại lợi ích cho từng người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh xã hội! Vì sao 14 trung tâm “tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm” xuất hiện theo kiểu dây chuyền xảy ra ở ngay các địa phương phụ cận trung tâm đô thị tỉnh ta hồi năm 2011 cứ hoạt động lừa đảo cả năm trời và chỉ chấm dứt khi các cơ quan truyền thông kiên trì vào cuộc tuyên truyền, cảnh báo cho đến tận khi không còn ai tin nữa? Vì sao những tin đồn như “Châu Phà” (Vua Trời) xuất hiện ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm người dân hoang mang? Vì sao những luận điệu tuyên truyền của bọn cơ hội, của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm chống Đảng, chống chế độ, nói xấu lãnh tụ, bôi đen các vị lãnh đạo đất nước cứ len lỏi trong dư luận xã hội?

Đó là gì, nếu không phải là người dân, nhất là bà con nông thôn, bà con vùng sâu, vùng xa đang đói thông tin chính thống!

Cũng chính vì thiếu thông tin, “mù” thông tin mà chỉ vì những thắc mắc trong tranh chấp đất đai, trong giải phóng mặt bằng nên nhiều người dân dễ bị bọn xấu kích động gây nên những vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp. Cũng vì thiếu thông tin mà nhiều người dân vô tình vi phạm pháp luật, hoặc vô tình tiếp tay cho mưu đồ kẻ xấu.

Rõ ràng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có một thực tế đang diễn ra là trận địa thông tin chính thống gần như đang bị bỏ ngỏ. Và, một khi như thế thì những thông tin “rác”, tin đồn thất thiệt ập vào lấp chỗ trống tai hại đó là điều hiển nhiên.


Việt Long

Mới nhất
x
Người dân đang "đói" thông tin?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO