Người dân Nghệ An không nên tích trữ hàng hóa vì nguồn cung dồi dào

Nhóm PV 29/03/2020 09:49

(Baonghean.vn) - Hai ngày nay (28, 29/3), người dân ở một số địa phương trên địa bàn Nghệ An đổ xô mua hàng hóa tích trữ sau khi nghe lời đồn thổi về chủ trương cấm chợ.

HIỆN TƯỢNG ĐỔ XÔ ĐI MUA HÀNG HÓA CHỈ DIỄN RA CỤC BỘ

Hai ngày nay (28,29/3) tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh: Diễn Châu, Cửa Lò, TP.Vinh... Ảnh: Thanh Phúc
Hai ngày nay (28, 29/3) tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như: Diễn Châu, Cửa Lò, TP.Vinh... Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù không xảy ra tình trạng “tranh mua, tranh bán” song thực tế, trong hai ngày 28, 29/3 tại thành phố Vinh số người đi chợ mua các mặt hàng thiết yếu đông hơn bình thường và lượng hàng mua cũng nhiều hơn những ngày trước đó. Song, theo lý giải của nhiều bà nội trợ, một mặt do là ngày cuối tuần nên tranh thủ đi chợ cho những ngày khác trong tuần; mặt khác, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người nên thay vì đi chợ từng ngày như trước thì nay mua thực phẩm cho 3-4 ngày, thậm chí cả tuần.

Trong khi đó, tại một số địa phương khác lại xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, ngày 28/3,tại chợ đầu mối Phủ Diễn (Diễn Châu) người dân chen chúc nhau mua thực phẩm bất chấp chất lượng, giá cả. Hai mặt hàng thiết yếu là cá và thịt cung không đủ cầu. Mới 9h sáng nhưng nhiều quầy đã hết sạch hàng, sức mua tăng gấp hàng chục lần ngày thường. Chị Thái, một tư thương bán thịt tại chợ Phủ Diễn cho biết: “Dân mua thực phẩm dự trữ đông nên mới 9h đã bán hết vèo mấy yến thịt lợn”.

Không chỉ riêng Diễn Châu, ở Cửa Lò cũng diễn ra tình trạng tương tự. Rất nhiều người dân ngay từ sáng sớm đã đến chợ và mua các thực phẩm thiết yếu với số lượng gấp 5-7 lần so với bình thường. Chị Nguyễn Vân ở phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) cho biết: “Nhà gần chợ nên chủ quan hơn 8h mới đi mua đồ song chợ đã vãn, rau, cá, thịt hết sớm hơn mọi ngày”.

Mới 9h sáng nhưng chợ Phủ Diễn (Diễn Châu) nhiều mặt hàng đã hết sạch do sức mua tăng gấp chục lần so với trước. Ảnh: Mai Giang
Ngày 28/3, mới 9h sáng nhưng chợ Phủ Diễn (Diễn Châu) nhiều mặt hàng đã hết sạch do sức mua tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Ảnh: Mai Giang

Theo thông tin từ các đại lý, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Nghệ An thì những ngày gần đây, mặt hàng bán chạy nhất là mỳ tôm, miến, phở gói, có nhiều người mua liền 2-3 thùng/lần. Nguyên nhân là do hạn chế ăn sáng ở hàng quán ngoài nên các loại thực phẩm ăn liền là lựa chọn tối ưu. Và tại các chợ, hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện "đóng cửa chợ".

Do đó, có thể nói, việc người dân đổ xô mua hàng hóa tích trữ chỉ xảy ra cục bộ ở một vài địa phương do người dân tiếp cận thông tin sai lệch, phần nữa do tâm lý hạn chế nơi đông người theo khuyến cáo chứ không phải do khan hàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

HÀNG HÓA DỒI DÀO, CUNG ỨNG ĐỦ NHU CẦU

Hiện hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng đang rất dồi dào, cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng đang rất dồi dào, cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Phúc

Theo khảo sát một số chợ trên địa bàn thành phố như: Quang Trung, Quán Lau, Hưng Dũng, chợ Cọi, chợ Bến Thủy… hoặc các chợ trung tâm ở Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương thì những ngày qua hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường.

Chị Phạm Thị Liên, một tiểu thương kinh doanh cá ở chợ Quang Trung (TP.Vinh) cho biết: “Bình thường ngày cuối tuần bao giờ cũng bán chạy hơn bình thường nên luôn chuẩn bị nguồn hàng nhiều hơn để phục vụ khách. Hiện giá các loại cá, tôm vẫn ổn định, không có chuyện tăng giá”.

Ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, đại lý thì hàng hóa từ thực phẩm tươi sống đến các loại thực phẩm khô, các mặt hàng thiết yếu vẫn rất dồi dào, phong phú; giá cả ổn định. Đại diện một siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Lượng hàng hóa ở siêu thị rất dồi dào, chúng tôi chủ yếu bán hàng qua kênh online, giao hàng tận nhà với giá cả bình ổn. Khách hàng có thể lựa chọn số lượng theo nhu cầu. Do đó, người tiêu dùng không cần lo chuyện tích trữ bởi không có chuyện găm hàng, nâng giá”.

Thời điểm dịch bệnh, nông dân trong tỉnh vẫn bám đồng, bám biển sản xuất nên nguồn nông sản rất dồi dào. Mặt khác, một số nông sản do
Thời điểm dịch bệnh, nông dân trong tỉnh vẫn bám đồng, bám biển sản xuất, khai thác nên nguồn nông sản rất dồi dào. Ảnh: Thanh Phúc

Nghệ An là địa phương sản xuất nông nghiệp, luôn dồi dào nguồn cung về thực phẩm nên người dân không nên lo lắng về chuyện khan hiếm thực phẩm thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Không lo chuyện thiếu lương thực, thực phẩm bởi nông dân đang bám đồng, bám ruộng, bám biển để sản xuất, khai thác. Hiện nguồn thực phẩm như: tôm, cá, rau màu, một số hoa quả… đủ cung ứng cho bà con trong tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, nhiều loại nông sản đang bị ngưng trệ xuất khẩu nên nguồn cung dồi dào, thậm chí dôi dư. Còn thịt lợn cũng không thiếu, ngoài nguồn lợn hơi các trang trại, công ty chăn nuôi thì Chính phủ đã nhập về hàng ngàn tấn thịt nhập ngoại, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả. Thậm chí gia cầm hiện đang giảm giá mạnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan đã có những giải pháp, chỉ đạo liên quan đến việc cung ứng hàng hóa, cam kết đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân".

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: “Việc người dân mua đồ tích trữ chỉ là hiện tượng cục bộ khi tâm lý một số người dân hoang mang trước việc tiếp cận thông tin sai lệch. Sở Công Thương đã chủ động xây dựng phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của người dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống…

Đồng thời, Sở Công Thương có công văn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp nhà phân phối có kế hoạch ứng phó với diễn biến thị trường, khi người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng mua hàng tích trữ; phối hợp với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và các nhà phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các kho hàng trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4. Trong đó, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các sở, ngành, các huyện, thành, thị về việc tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hóa để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, hoàn toàn không có chuyện "cấm chợ" như lời đồn thổi.

Mới nhất

x
Người dân Nghệ An không nên tích trữ hàng hóa vì nguồn cung dồi dào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO