Kinh tế

Người dân Nghệ An xoay xở ứng phó với giá cả ‘leo thang’

Thanh Phúc 16/07/2024 16:13

Giá cả hàng hóa đã tăng thêm từ 10-30% từ nhiều tháng nay. Bên cạnh các giải pháp kiểm soát giá cả của Chính phủ, người dân cũng đang xoay xở tìm cách ứng phó…

Giá cả hàng hoá tiêu dùng đã tăng thêm 10-30% từ nhiều tháng nay. Ảnh: Thanh Phúc
Giá cả hàng hóa tiêu dùng đã tăng thêm 10-30% từ nhiều tháng nay. Ảnh: Thanh Phúc

Từ ngày 1/7, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang được tăng 30% lương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa được nhận lương mới mà theo hướng dẫn thì phải đến tháng 8 mới chính thức nhận và được truy lĩnh tháng 7.

Vậy nhưng, giá cả các mặt hàng đã tăng dần từng ngày khiến sinh hoạt phí tăng cao. “Riêng tháng 6 vừa qua, chi phí sinh hoạt của gia đình đã tăng thêm 25% so với trước đó. Trong đó, tiền thức ăn đội thêm 30% khi thịt, cá, rau xanh đều tăng giá”, chị Nguyễn Thị Hiền Anh - một công chức phường Đội Cung (TP.Vinh) chia sẻ.

Riêng thịt lợn, từ đầu tháng 5 đến nay liên tục tăng giá. Theo đó, mỗi kg thịt lợn tăng thêm 10-30.000 đồng.Ảnh: Thanh Phúc
Riêng thịt lợn, từ đầu tháng 5 đến nay liên tục tăng giá. Theo đó, mỗi kg thịt lợn tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Theo khảo sát, trong những tháng gần đây, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay, giá cả hàng hóa, đặc biệt là nhóm thực phẩm tăng mạnh. Cụ thể, ở các chợ dân sinh, giá thịt các loại tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg; rau xanh tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg, trứng gà tăng từ 30.000 đồng/chục lên 35.000 đồng/chục; trứng vịt tăng từ 35.000 đồng/chục lên 38.000 đồng/chục; trái cây các loại cũng nhích giá thêm 3.000-5.000 đồng/kg.

Do nguyên liệu đầu vào tăng nên một số dịch vụ như: hàng ăn uống, giải khát cũng đã rục rịch điều chỉnh tăng giá thêm. Mỗi bát phở, bún tăng từ 3.000 - 5.000 đồng; nước giải khát tăng 2.000 - 3.000 đồng/cốc…

Rau xanh cũng tăng giá khá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc
Rau xanh cũng tăng giá khá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Có thể thấy giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng vì nhiều nguyên nhân, nhưng việc tăng này gây rất nhiều khó khăn cho người lao động. Việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân, do đó, việc giá cả leo thang do tăng lương tác động tiêu cực đến người dân, khiến họ phải xoay xở tìm cách ứng phó.

Là người cầm “tay hòm chìa khóa” chi tiêu cho cả gia đình, chị Lê Minh Hạnh ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh) bật chế độ theo dõi các fanpage của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và tham gia các hội, nhóm săn hàng khuyến mãi, giảm giá để tiết kiệm chi tiêu.

“Ở các siêu thị lớn thường tổ chức đa dạng các chương trình kích cầu tại điểm bán, tổ chức các phiên chợ đồng giá. Rau, củ, quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm... được bán đồng giá chỉ từ 7.000 đồng trở lên theo khung giờ; mua combo giá hời, săn hàng giá sốc vào giờ vàng… Do đó, cũng tiết kiệm được kha khá trong các khoản chi tiêu”, chị Minh Hạnh cho biết.

Săn hàng khuyến mãi vào khung giờ vàng ở các siêu thị được nhiều người nội trợ lựa chọn. Ảnh: Thanh Phúc
Săn hàng khuyến mãi vào khung giờ vàng ở các siêu thị được nhiều người nội trợ lựa chọn. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều nhà bán lẻ, các nhãn hàng, các doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả leo thang đã có những chương trình bán hàng ưu đãi, khuyến mãi… để tiếp cận khách hàng, chiếm lĩnh thị phần.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên - Giám đốc một công ty chuyên sản xuất nước giặt, nước rửa chén ở huyện Nam Đàn cho biết: “Sản phẩm ra mắt từ đầu năm nay và đang trên đà tiếp cận thị trường. Do đó, trong khi các nhãn hàng có tiếng tăng giá thì chúng tôi chủ trương bán hàng không lợi nhuận để tạo lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các chợ, các khu công nghiệp, hướng đến những người có mức thu nhập trung bình”.

Do đó, rất nhiều người dân tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng của các nhãn hàng, thương hiệu mới để vừa dùng thử, vừa tiết kiệm chi tiêu.

Nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp mới đã áp dụng giá tốt, giá ưu đãi trong bối cảnh giá cả leo thang để tăng năng lực cạnh tranh. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp mới đã áp dụng giá tốt, giá ưu đãi trong bối cảnh giá cả leo thang để tăng năng lực cạnh tranh. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài ra, việc mua các loại rau xanh, trái cây đúng mùa cũng giúp các bà nội trợ tiết kiệm được chi tiêu. “Thường thì rau, củ, quả trái mùa sẽ đắt đỏ, khan hiếm, do đó, thời điểm này, đi chợ, tôi lựa chọn nhóm rau xanh, trái cây đang rộ mùa thu hoạch. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn, dễ lựa chọn hơn”, bà Trịnh Thị Hiếu - một người nội trợ cho biết.

Đặc biệt, hiện nay, Chính phủ cùng các cấp, ngành đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa: Tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do “vung” chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường; Tăng cường kiểm soát giá theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ công…;

Nhiều người dân lựa chọn các mặt hàng có giá ưu đãi để tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều người dân lựa chọn các mặt hàng có giá ưu đãi để tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: Thanh Phúc

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát. Với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Do đó, theo nhận định, sẽ không xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, "té nước theo mưa", tăng giá bất hợp lý.

Mới nhất

x
Người dân Nghệ An xoay xở ứng phó với giá cả ‘leo thang’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO