Người dân ngoại thành 'khát' nước sạch

12/07/2017 07:58

(Baonghean) - Mặc dù đã sáp nhập về TP. Vinh, trở thành công dân của đô thị loại I gần chục năm nhưng cư dân nhiều xã ngoại thành vẫn chưa được sử dụng nước máy mà vẫn sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Đây cũng là vấn đề được cử tri các địa phương hết sức quan tâm và nhiều lần kiến nghị lên trên các diễn đàn, đặc biệt là qua các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp.

Nỗi lo nước sinh hoạt

Cùng với chiếc máy cũ kỹ và hàng thùng nhựa chứa nước, ông Nguyễn Ngọc Châu - Xóm trưởng xóm Kim Chi, xã Nghi Ân vẫn phải thường xuyên sang xã Nghi Phú kế bên để xin nước sinh hoạt vì nước giếng khoan không đảm bảo. Nước xin được cũng hạn chế nên ưu tiên dùng cho nấu ăn còn các sinh hoạt khác của gia đình thì đành chấp nhận dùng nước giếng. Ông Châu cho biết: Xóm Kim Chi có 240 hộ với 800 nhân khẩu, mặc dù trở thành công dân TP. Vinh đã lâu nhưng chưa có nước máy để dùng. 30% người dân trong xóm phải thường xuyên sang xã Nghi Phú xin nước để nấu ăn như gia đình ông; còn lại đa số người dân phải mua thêm máy lọc để lọc nước giếng khoan phục vụ nhu cầu gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Huệ, xóm Kim Chi (xã Nghi Ân, TP. Vinh) phải lọc nước giếng hàng ngày để dùng cho nấu ăn.
Ông Nguyễn Hữu Huệ, xóm Kim Chi (xã Nghi Ân, TP. Vinh) phải lọc nước giếng hàng ngày để dùng cho nấu ăn. Ảnh: Thành Duy

Chưa có nước máy để sử dụng, người dân xóm Kim Chi hết sức lo lắng vì nguồn nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhưng hiện nay, nỗi lo lớn nhất của người dân xóm là hệ thống thoát nước từ Nghi Phú đang đổ thẳng ra đồng ruộng. Dẫn chúng tôi ra trực tiếp hiện trường, nhìn dòng nước đen ngòm, ông Châu cho biết: “Nước thải từ sản xuất của cụm công nghiệp Nghi Phú xả trực tiếp sang ruộng của xóm Kim Chi, mà không có hệ thống kênh thu gom. Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào kết luận nhưng theo người dân địa phương, đây là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống nước ngầm trên địa bàn bị ô nhiễm”. Ông Nguyễn Hữu Huệ, ở xóm Kim Chi đang mắc trọng bệnh lo lắng cho biết: “Hàng ngày, gia đình phải sử dụng nước qua máy lọc để nấu ăn nhưng vẫn không yên tâm”.

Vấn đề nước sinh hoạt của xóm Kim Chi nói riêng và xã Nghi Ân nói chung được người dân địa phương nhiều lần phản ánh trên các diễn đàn, đặc biệt là tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Ân cho biết: “Xã có 2.246 hộ với 8.577 khẩu nhưng đều chưa được sử dụng nước máy. Người dân rất mong muốn ngành chức năng đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt vì theo chúng tôi được biết, thành phố đã có đề án song chưa được triển khai”.

Những địa phương ngoại thành sáp nhập vào TP. Vinh sau này cũng trong tình trạng chưa được cung cấp nước máy sinh hoạt đầy đủ hoặc chỉ một phần như xã Nghi Đức, xã Nghi Ân... Tại xã Nghi Liên đã có mạng đường ống cấp I, cấp II, cấp III đầu tư từ nguồn vốn ODA Phần Lan; tuy nhiên, mạng đường ống cấp III chưa bao phủ đến toàn xã. Hiện tại, xã có 70% hộ dân dùng nước máy. Các hộ còn lại đang dùng nước mưa, nước giếng đào để dùng cho ăn uống sinh hoạt. Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên Hoàng Văn Tuấn cho biết, người dân trên địa bàn bức xúc và nhiều lần kiến nghị vì chưa có nước máy sử dụng; như tại xóm 18A, có nhà phải đi mua nước. Đầu tháng 5/2017, xã đã có tờ trình gửi UBND thành phố xin chủ trương khảo sát, lập quy hoạch chi tiết để xây dựng hoàn thiện hạ tầng cung cấp nước máy trên địa bàn.

Chờ đến bao giờ?

Trước thực trạng trên, theo Quyết định số 5056/QĐ.UBND-CNTM ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh, trên địa bàn xã Nghi Ân sẽ xây dựng 7,645km đường ống cấp I với 7 điểm cung cấp chính và 5,18km đường ống cấp II. Còn trên địa bàn xã Nghi Đức, địa phương có 1.519 hộ chưa được sử dụng nước máy, sẽ đầu tư xây dựng 7,17km đường ống cấp I với 3 điểm cung cấp chính và 6,99km đường ống cấp II.

Bên cạnh đó, TP. Vinh đã ban hành Đề án xây dựng hệ thống cấp nước máy cho các xã sáp nhập vào cuối năm 2016 để thực hiện xây dựng hệ thống đường ống cấp III đến hộ dân với phương án ngân sách thành phố đầu tư 70% tổng giá trị công trình; ngân sách phường, xã đầu tư 30% tổng giá trị công trình; các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình tự giải phóng mặt bằng, tự đầu tư lắp đặt từ đồng hồ vào nhà, đơn vị mình, kể cả đồng hồ. Theo đó, đối với mạng đường ống cấp III, xã Nghi Liên cần tổ chức lắp đặt 5 km; xã Nghi Đức cần tổ chức lắp đặt 34 km; 4 xóm mới sát nhập vào phường Vinh Tân là khối 1, khối 2, khối Châu Hưng và khối Yên Cư cần tổ chức lắp đặt 10 km…

Kênh thoát nước từ xã Nghi Phú chảy vào ruộng của người dân xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy
Kênh thoát nước từ xã Nghi Phú chảy vào ruộng của người dân xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy

Ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Vinh cho biết: Đề án xây dựng hệ thống cấp nước máy cho các xã sáp nhập đặt mục tiêu đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt cho người dân là 120 lít/người/ngày, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% các hộ dân của các xã mới sáp nhập được dùng nước máy theo nhu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng cũng như số lượng cho nhu cầu dân sinh đô thị và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mạng đường ống cấp I, cấp II tại các xã Nghi Ân và Nghi Đức vẫn chưa được triển khai. Qua tìm hiểu tại phòng Quản lý đô thị TP. Vinh được biết, theo Quyết định số 5056/QĐ.UBND-CNTM ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An làm chủ đầu tư xây dựng mạng lưới này. Tuy nhiên, hiện nay, do công ty này đã tiến hành cổ phần hóa thành lập Công ty CP cấp nước Nghệ An nên TP. Vinh đang trình UBND tỉnh chuyển sang cho thành phố làm chủ đầu tư thực hiện mạng đường ống cấp I, cấp II.

Việc xây dựng mạng lưới cấp nước máy cho người dân các xã ngoại thành như Nghi Ân, Nghi Đức, một phần của Nghi Liên… là điều rất bức thiết để đảm đảo đời sống, sức khoẻ, sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của môi trường đô thị. Do đó, với những địa phương đã có hệ thống cấp nước cấp I, cấp II, cần sớm triển khai hệ thống đường ống cấp III để cấp nước cho người dân; còn những địa phương chưa có hệ thống cấp nước cấp I, II cần sớm được xây dựng. Như vậy, mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân các xã mới sáp nhập về thành phố được dùng nước máy mới không lỡ hẹn… trong sự mong ngóng của người dân./.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Người dân ngoại thành 'khát' nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO