Xã hội

Người dân ở Nghệ An vào mùa săn ong mật giống

Huy Thư 10/12/2024 20:50

Trời hửng nắng sau đợt gió mùa, người dân nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An lại đổ xô vào rừng đi săn ong mật giống về nuôi hoặc bán kiếm thêm thu nhập.

bna_1(5).jpg
Trào lưu nuôi ong lấy mật phát triển rộng khắp các huyện trong tỉnh, nên tới mùa săn ong mật giống, người đi săn ong ngày càng đông, đủ cả người già, người trẻ. Ảnh: Huy Thư
bna_2..jpg
Nhiều cụ ông 75 -80 tuổi vẫn một mình một xe máy hăng hái vào rừng đi săn ong. Một số cụ không đi được xe máy thì nhờ con cháu chở đến điểm săn ong. Ông Nguyễn Khắc Dinh (73 tuổi) - người có thâm niên trong nghề săn ong mật giống ở xã Thanh Khê (Thanh Chương) cho biết: Gia đình ông nuôi ong lấy mật đã mấy chục năm. Mùa săn ong giống cả 2 bố con đều vào rừng đi săn ong. Ảnh: Huy Thư
bna_3(3).jpg
Thời điểm này, những vị trí săn ong ở các xã biên giới giáp Lào tại huyện Thanh Chương như Đá Dựng, Khe Mừ, Cây Đa, bãi Cây Sung đều nhộn nhịp người đi săn ong đến từ các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh)... Ảnh: Huy Thư
bna_4(3).jpg
Trong quá trình săn ong giống, việc bắt được con ong thăm bỏ vào ống mồi để thăm ống là rất quan trọng. Một số người dựng cả thanh tre áp vào cột điện để bắt ong thăm ở trên cao. Tuy nhiên, những năm qua, việc người dân bắt ong thăm trên mái nhà, trên cột điện đã xảy ra một số vụ tai nạn. Ảnh: Huy Thư
bna_5(3).jpg
Người dân đi săn ong cả ngày thường ăn trưa qua loa bằng mấy cái bánh mì, tấm lương khô hay gói mì tôm để lấy sức ngồi chờ ong thăm ống. Ảnh: Huy Thư
bna_6(1).jpg
Nhiều người mê ong cứ mùa ong mật giống lại rủ nhau lên rừng đi săn. Săn ong tập trung hàng chục người, thậm chí cả trăm người, đông vui nhưng xác suất được ong ít, chỉ có những ống mồi tốt mới hy vọng có được ong. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Quá trình ong thăm ống kéo dài từ vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ. Sau khi lựa chọn được ống mồi ưng ý, đàn ong sẽ kéo về. Từ trên trời, ong “đổ bộ” vào đúng ống mồi đã chọn, trong sự háo hức của nhiều người. Giữa hàng chục hàng trăm ống mồi, mỗi lần ong thăm, chỉ có 1 ống mồi duy nhất được ong, còn lại đều "thất bại". Cái vui, hấp dẫn của thú săn ong mật là vậy. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Kinh nghiệm cho thấy những ngày động trời sắp mưa, hay những ngày hửng nắng sau thời gian mưa rét kéo dài, người dân thường săn được nhiều ong. Ông Hoàng Văn Khai (55 tuổi) trú ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương) chia sẻ: Tôi mới chơi ong từ 2 năm nay, nhưng có ống mồi “đỏ” nên thường săn được ong. Năm ngoái tôi được 17 đàn. Mùa ong năm nay, chắc được nhiều hơn. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Anh Nguyễn Nhật Lập - Một thanh niên mê săn ong ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho biết: Đi săn ong ngoài ống mồi, việc được ong còn hên xui. Mỗi mùa ong, có người được hàng chục đàn, nhưng có người không được đàn nào. Ảnh: Huy Thư
bna_7a.jpg
Những người đi săn ong chủ yếu để về nuôi. Khi được ong nhập ống, họ nắp ống mồi cẩn thận, mang ống xuống núi, ... rồi cột ống trên xe máy chở về nhà trong niềm phấn khởi. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Nhiều người nuôi ong mật chọn cách tăng đàn bằng việc mua ong giống của những người đi săn ong. Thậm chí một số người đi săn không được ong cũng mua ong "tại trận". Sau khi ngã giá, khoảng 300 – 500 nghìn đồng/đàn, tùy vào đàn ong có quân nhiều hay ít, họ căn thời điểm ong đổ bộ được 1 – 2 phút thì cất ống ong đã chọn, thế vào ống mồi của người mua. Người có ống mồi tốt có ngày bán được vài đàn ong, kiếm được tiền triệu. Ảnh: Huy Thư
Săn ong mật giống . Video: Huy Thư
Mới nhất
x
Người dân ở Nghệ An vào mùa săn ong mật giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO