Người đàn ông tật nguyền nuôi mẹ già yếu, em trai mất trí
(Baonghean.vn)- Bị bố đẻ ruồng bỏ khi mới lọt lòng, bản thân bị tật nguyền nhưng 38 năm qua, người đàn ông Thái ấy vẫn kiên cường sống, lao động để nuôi mẹ già yếu và em trai bị mất trí.
Bản Khe Hán (Châu Hạnh, Quỳ Châu) còn nghèo lắm, bà con phải sống dựa vào diện tích lúa rẫy ít ỏi và những chuyến đi rừng. Cuộc sống mưu sinh của một người bình thường vốn dĩ đã vô vàn khó khăn, thế nên chuyện anh Lương Văn Lương, một người tật nguyền chăm chỉ lao động kiếm sống để nuôi mẹ già đau yếu và người em trai tâm thần đã khiến cho bà con nơi đây muôn phần nể phục.
Anh Lương Văn Lương không thể di chuyển như người bình thường. Ảnh: Nga Nga. |
Anh Lương sinh năm 1979, thời điểm anh có mặt ở cõi đời cũng là lúc bố ruột anh ruồng bỏ hai mẹ con. Một mình bà mẹ phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh để có bát cơm, bát cháo qua ngày. Nhưng rồi như một trò đùa của số phận khi đôi chân Lương có hình hài lành lặn nhưng không thể đi lại như những đứa trẻ bình thường khác.
Tuổi thơ của cậu bé Lương trôi qua trong những tháng ngày bò bằng đôi tay quanh nhà, hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Những cơn co rút cơ chân mỗi khi trái gió trở trời lại càng khiến cho anh thêm đau đớn.
Cho đến năm 12 tuổi, cuộc sống của anh mới bắt đầu bước sang một ngã rẽ mới đầy hạnh phúc và được yêu thương đúng nghĩa. Đó là khi mẹ anh đi bước nữa với một người đàn ông tốt bụng trong vùng. Cảm thương cho số phận của anh, bố dượng dường như muốn bù đắp cho những thiếu thốn về tình cảm mà anh đã phải trải qua.
Hằng ngày ông đều động viên và dìu anh tập từng bước đi đầu tiên. Sau 2 năm nỗ lực không ngừng, điều kỳ diệu đã đến khi anh có thể tự đi trên đôi chân của mình. Mặc dù không thể đứng thẳng người hay đi lại một cách chắc chắn như người khác nhưng nó cũng giúp anh có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài và có thể làm được những công việc nhỏ trong gia đình để giúp mẹ, giúp cha. Cùng với người em trai của mẹ và bố dượng, anh đã có một gia đình nhỏ êm ấm,hạnh phúc.
"Căn nhà" nơi 3 mẹ con anh Lương Văn Lương sinh sống. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Tuy nhiên, năm anh tròn 15 tuổi, bố dượng của anh mất vì bệnh hiểm nghèo. Mất đi chỗ dựa tinh thần, cuộc sống của gia đình anh lại thiếu thốn trăm bề và tiếp tục quẩn quanh trong nghèo đói. Nhiều năm liền thuộc diện diện khó khăn nhất bản.
Nhưng bất hạnh vẫn chưa ngừng ập xuống gia đình bé nhỏ ấy khi em trai anh, trong một tai nạn nghiêm trọng vào năm 2015 đã bị chấn thương nặng vùng sọ não. Giờ đây, người em gần như người mất trí, lúc tỉnh lúc mê và sức khỏe suy giảm. Mẹ Lương vì gánh nặng cuộc sống nên ngày một già yếu.
Thương mẹ và em, Lương nỗ lực làm thêm một số công việc nhà, lết ra đồng để cắt cỏ cho trâu...
Năm 2015, anh được huyện tặng một chiếc xe lăn để anh có thể đi lại được tốt hơn. Cũng từ đó, anh nói với mẹ mình sẽ đi bằng xe lăn xuống chợ bán mớ rau, mớ ốc mà bà kiếm được trên rừng hay nơi khe suối.
Quãng đường từ nhà tới chợ dài hơn 5km với anh quả thật xa xôi và khó nhọc. Để kịp chuyến chợ, anh phải dậy từ khi 5h sáng rồi lùi lũi quay từng bánh xe lăn, còn mớ hàng anh để vào một chiếc gùi, buộc vào phần chân phía trước.
Những hôm nhanh thì anh mất 3 tiếng đồng hồ để tới chợ, hôm nào đuối sức hay gặp trời mưa thì có khi mất gần 4 tiếng. Có những đoạn đường đất khó khăn, gập ghềnh, anh phải gửi xe ở đường quốc lộ và nhờ người chở vào.
Anh Lương chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Đó có thể là những nải chuối, bó rau rừng mà anh kiếm được. Ảnh: Nga Nga. |
Biết được hoàn cảnh của anh, nhiều người dân cũng xúm vào mua giúp. Vậy nên mỗi chuyến chợ anh bán được 30, 40 nghìn đồng. Số tiền đó có thể ít ỏi với nhiều người nhưng đó là cả một tài sản lớn với gia đình anh. Không chỉ là bát cơm ăn hằng ngày, đó còn là số tiền anh chắt góp, dành dụm để phòng khi trái gió trở trời khi cả 3 con người trong nhà không biết trông cậy vào đâu.
Nói về bản thân mình, anh Lương vẫn cảm thấy may mắn khi còn có thể sống và lao động. Điều anh lo sợ là khi mình không thể tiếp tục làm việc, ai sẽ thay anh nuôi mẹ già và em trai đau yếu?
T.Quỳnh - N. Nga
TIN LIÊN QUAN