Người dân vẫn thờ ơ, bàng quan tại ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất tỉnh
(Baonghean.vn) - Hiện, ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn là ổ dịch lớn nhất tỉnh, với 98 ca mắc. Ổ dịch này đã kéo dài gần 50 ngày, có nguy cơ bùng phát mạnh hơn. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong công tác vệ sinh môi trường và phòng chống sốt xuất huyết chưa cao.
Nguy cơ bùng phát dịch
Chiều 15/9, theo chân các cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, phóng viên Báo Nghệ An đã có mặt tại thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn và chứng kiến hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại đây. Trong sáng 15/9, ở thôn Đỉnh Thắng đã phát hiện 3 ca mắc sốt xuất huyết, cả 3 là người trong một gia đình, nâng tổng số ca mắc ở thôn lên 6 ca. Sau khi phát hiện ca mắc mới, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã Đỉnh Sơn và cán bộ Trạm Y tế xã đã về thôn, thực hiện công tác phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành, giặt màn bằng hoá chất và tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, diệt các ổ bọ gậy.
Xã Đỉnh Sơn có 9 thôn, với hơn 2.000 hộ dân và gần 9.000 nhân khẩu. Tính đến thời điểm này đã có 6/9 thôn có ca mắc sốt xuất huyết, với 98 ca mắc. Dịch sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện ở xã Đỉnh Sơn vào ngày 3/10/2020. Từ đó đến nay, sốt xuất huyết đã trở thành bệnh lưu hành tại địa phương này, năm nào cũng có ca mắc. Tuy nhiên, năm 2023 là năm Đỉnh Sơn bùng phát sốt xuất huyết mạnh nhất.
Ông Phan Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Năm nay, 4 ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên được phát hiện vào ngày 30/7 tại 2 thôn Hà Nam và thôn Bãi Phủ. Điều tra dịch tễ thì cả 4 ca này đều có hộ khẩu thường trú tại xã Đỉnh Sơn, không có yếu tố dịch tễ và trong vòng 14 ngày bệnh nhân chỉ ở địa phương, không đi đâu xa, không tiếp xúc với ai đi về từ vùng dịch sốt xuất huyết. Ban Chỉ đạo xã và các cơ quan y tế nhận định đây là những ca bệnh xuất hiện từ ổ dịch cũ trước đây.
Sau khi phát hiện các ca mắc sốt xuất huyết, xã Đỉnh Sơn đã kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; thành lập và tổ chức cho các tổ công tác phòng chống dịch về chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các thôn; mua sắm hoá chất phun phòng diệt muỗi trưởng thành, khoanh vùng dập dịch tại ổ dịch là thôn Hà Nam và Bãi Phủ; tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy…
Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục lan rộng ở địa phương. Ở thời điểm này, thôn Bãi Phủ đã có 69 ca mắc, thôn Hà Nam có 5 ca, thôn Đỉnh Hợp có 3 ca, thôn Đỉnh Cường có 2 ca, thôn Đỉnh Thắng có 6 ca và thôn Cây Chanh có 13 ca; trong 98 ca mắc thì đã có 76 ca đã khỏi bệnh và 22 ca đang còn điều trị… Điều đáng lo là ổ dịch sốt xuất huyết tại đây chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong tuần qua đã có thêm 16 ca mắc mới, trong đó có 13 ca mới ở thôn Cây Chanh, là xóm chợ có mật độ dân cư rất đông đúc.
Để đối phó với tình hình dịch sốt xuất huyết đang “leo thang”, xã Đỉnh Sơn đã phát động thêm chiến dịch mới - chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy trong toàn xã vào các ngày 8/9, 11/9 và 6/9. Đây là lần thứ 3 kể từ ngày 30/7, xã Đỉnh Sơn phát động chiến dịch này… Ông Phan Văn Hợi chia sẻ: Các tổ công tác đã đến tận từng hộ dân để hướng dẫn người dân phòng chống dịch. Ý thức phòng chống dịch của người dân cũng rất tốt. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát và kéo dài.
Ý thức cần được chuyển hoá thành hành động
Để tìm hiểu ý thức phòng chống dịch của người dân xã Đỉnh Sơn đến đâu, phóng viên Báo Nghệ An và các cán bộ Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn đã trực tiếp khảo sát tại các hộ gia đình ở tổ 14, thôn Đỉnh Thắng. Kết quả khảo sát rất đáng ngạc nhiên, nhiều gia đình có rất nhiều xô, chậu đựng nước đọng. Trong các xô, chậu này có rất nhiều loăng quăng, bọ gậy đã, đang và sắp nở thành muỗi… Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn đã trực tiếp gọi người trong các hộ gia đình ra để chỉ rõ từng ổ loăng quăng, bọ gậy này và yêu cầu lật úp các xô, chậu, có biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy.
Kết quả khảo sát đã cho thấy: Ý thức của người dân trong công tác vệ sinh môi trường nói chung và phòng chống sốt xuất huyết là chưa cao; chưa có sự chuyển hoá từ ý thức sang hành động cụ thể. Các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống dịch sốt xuất huyết của xã Đỉnh Sơn chưa đạt yêu cầu… Nguy cơ dịch sốt xuất huyết ở Đỉnh Sơn bùng phát, lây lan rộng thêm là rất lớn.
Khi tìm hiểu về công tác chống dịch ở xã Đỉnh Sơn, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn còn phát hiện có tình trạng thờ ơ, bàng quan của nhiều người dân khi xem việc phun hoá chất, dọn vệ sinh, diệt loăng quăng bọ gậy là việc của cán bộ xã, cán bộ thôn và các ban, ngành, đoàn thể….“Mình đến nhà giúp họ vệ sinh môi trường mà họ cứ khoanh tay đứng nhìn.” – một cán bộ xã Đỉnh Sơn buồn bã cho hay.
Chị Phan Thị Ánh Tuyết – Trưởng Trạm Y tế xã Đỉnh Sơn chia sẻ mối lo ngại: Dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát sớm và lây lan rộng (thông thường thì dịch sẽ xuất hiện từ tháng 10 hàng năm). Thời gian tới, thời tiết mưa ẩm, đây chính là điều kiện lý tưởng để muỗi phát triển. Dịch ở Đỉnh Sơn có nguy cơ kéo dài và nhiều ca mắc hơn nữa khi mà địa bàn đông dân cư, lưu lượng người qua lại lớn, công tác vệ sinh môi trường kém. Từ trước đến nay, trạm y tế xã nói riêng và xã Đỉnh Sơn nói chung đã triển khai nhiều biện pháp, song rõ ràng cần phải quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng dập dịch và phòng chống dịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An sau chuyến khảo sát về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết nơi “tâm dịch”, bác sĩ Nguyễn Viết Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cho hay: Rõ ràng kết quả dập dịch, phòng chống dịch ở Đỉnh Sơn là chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là người dân còn chủ quan, thờ ơ với hoạt động phòng, chống dịch và chưa có hành động phù hợp.
Cũng là phòng chống dịch sốt xuất huyết, khi phát hiện có 2 ca mắc mới tại địa bàn, người dân thị trấn Anh Sơn ngay lập tức đã chủ động triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, trước khi chính quyền địa phương phát động chiến dịch. Với sự chủ động đó, ổ dịch tại thị trấn đã được bao vây, dập dịch một cách nhanh chóng. Bài học chống dịch ở thị trấn Anh Sơn cho thấy ý thức của người dân chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công của công tác phòng chống dịch.
Thực tế đòi hỏi ngành Y tế Anh Sơn và xã Đỉnh Sơn cần có giải pháp mạnh hơn, phải xem công tác phòng chống sốt xuất huyết hiện nay giống như công tác phòng chống dịch Covid-19 trước đây. Khi đến từng hộ gia đình thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thì cũng cần phải yêu cầu các hộ gia đình đích thân, tự tay thực hiện việc vệ sinh môi trường. Cần nêu đích danh những hộ gia đình chưa quan tâm thực hiện vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy.
Trong nội dung tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cần nêu rõ thông điệp trọng tâm: “Không có bọ gậy, loăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Việc phun hoá chất, tẩm màn hoá chất diệt muỗi là điều kiện cần và điều kiện đủ để làm tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Bác sĩ Nguyễn Viết Dũng cũng cho biết thêm: Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn sẽ báo cáo cụ thể với UBND huyện Anh Sơn và tiếp tục có những tham mưu phù hợp để UBND huyện chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đạt hiệu quả./.