Người dân vùng cao Nghệ An chủ động ứng phó ngập lụt, sạt lở
Bước vào mùa mưa lũ, vùng cao Nghệ An lại phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, ngập lụt cục bộ. Vì vậy, hiện nay cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, người dân ngày càng có ý thức chủ động ứng phó.
Người dân tự giác sửa đường, khắc phục sạt lở
Bảo Thắng là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn, thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập lụt, chia cắt đường sá mỗi khi có mưa to, gió lớn. Đặc biệt, một số địa điểm luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở núi làm nứt nền đường, nền nhà, sập đường sá, cầu cống.
Đợt mưa lớn sau bão số 3 đã gây ra một số điểm sạt lở trên địa bàn xã này, đặc biệt là sạt lở chân cầu tại bản Cha Ca 2. Lãnh đạo UBND xã Bảo Thắng cho biết, trải qua nhiều đợt phòng chống thiên tai, chính quyền cũng như người dân đã xây dựng được ý thức tự chủ động phương án bảo vệ trước các ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết.
Với phương châm “4 tại chỗ”, khi chân cầu tại bản Cha Ca 2 có dấu hiệu bị xói mòn nghiêm trọng, cán bộ xã, bản và người dân đã không kể mưa gió cùng thực hiện "vá" chân cầu, san lấp các địa điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở. Sau gần 1 ngày tập kết đất đá, sử dụng một số bì tải cát, vết sạt lở dưới trụ cầu, mố cầu bản Cha Ca 2 đã được khắc phục.
Cũng ảnh hưởng đợt mưa sau bão số 3, nhiều bản ở xã Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn cũng xảy ra sạt trượt, lở núi, vùi lấp một số tuyến đường trên địa bàn qua các bản Huồi Viêng, Noọng Hán. Trong đó, theo cán bộ UBND xã Đoọc Mạy thì tuyến đường vào bản Noọng Hán bị sạt nghiêm trọng nhất, người và xe không thể qua lại.
Nắm được thông tin, lực lượng “4 tại chỗ” gồm các đoàn thể, Đồn Biên phòng Keng Đu và người dân đã huy động nhân lực, vật lực đào xới, san gạt đất đá để thông đường. Đồng thời, khảo sát một số điểm đe dọa sạt lở khác, cảnh báo người dân cẩn thận di chuyển, đặc biệt khi trời mưa.
Bám địa bàn, bám dự báo thời tiết để chủ động ứng phó
Theo các cảnh báo thiên tai, thời tiết của các đài khí tượng thủy văn khu vực cũng như quốc gia, Nghệ An là địa phương nằm trong vùng nguy cơ sạt lở ở miền núi, ngập lụt ở đồng bằng, đô thị, ven biển khi xảy ra mưa to. Vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống lụt bão chi tiết cho địa phương mình.
Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực bám cơ sở để cập nhật tình hình, chỉ đạo ứng phó kịp thời. Ví như tại huyện Tương Dương, trong các ngày từ 15-17/9, lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát tình hình tại các xã, bản trọng yếu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt để động viên, nhắc nhở chính quyền, người dân chủ động ứng phó.
Tương tự, tại huyện Kỳ Sơn, sau đợt mưa dài ngày do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, địa bàn huyện đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở. Các lực lượng “4 tại chỗ” chủ động thông tuyến các điểm sạt lở gây ách tắc, chia cắt. Lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã đi khảo sát, chỉ đạo các phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở tại các xã Mường Ải, Mường Típ, Na Ngoi… Đến nay, các tuyến đường có điểm sạt ở Kỳ Sơn đã được khắc phục, không bị chia cắt.
Ngoài bám địa bàn, việc nắm thông tin dự báo thời tiết cũng là khâu hết sức quan trọng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4, từ ngày 19/9 đến ngày 22/9, ở khu vực tỉnh Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến: Vùng núi 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm như Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương... Trung du và đồng bằng ven biển 150-350 mm, có nơi trên 400 mm như TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên... Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp tại các khu đô thị; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc ở các khu vực miền núi.