Nằm cách xa trung tâm thị trấn Mường Xén gần 70Km, Na Ngoi là địa phương có nhiều bản nhất huyện Kỳ Sơn với 19 bản. Đời sống bà con gặp muôn vàn khó khăn, trong đó vẫn còn 4 bản làng vẫn chưa có điện lưới quốc gia bao gồm: Phù Quặc 1, Phù Quặc 2, Phù Quặc 3 và Huồi Xài với khoảng 150 hộ dân.
Bản Phù Quặc 1 là nơi sinh sống của 38 hộ dân đồng bào Mông với tổng số 213 nhân khẩu. Ông Mùa Bá Lỳ - trưởng bản Phù Quặc 1 chia sẻ: “Đời sống của nhà ta trên ni vất vả lắm, có nhà máy thuỷ điện mà không có điện, một số nhà phải dùng đèn dầu, mỡ lợn để thắp sáng, hộ nào có điều kiện hơn thì góp tiền lại mua tuabin điện nước về để lắp đặt tại các con suối mới phát điện được, nhưng nguồn điện này yếu lắm, lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên không dùng được thường xuyên…”.
Tuabin điện nước mà ông Lỳ nhắc đến thường được gọi với cái tên điện cù, được bán trên thị trường với giá từ 2 - 5 triệu đồng, thường được chia làm 2 loại là máy đứng và máy ngồi tuỳ vào nguồn nước và địa hình của mỗi nơi. Tuabin điện này hoạt động theo cơ chế dựa vào dòng nước chảy để chuyển hoá cơ năng thành điện năng.
Những năm qua, người dân các bản Sa Vang, Na Nhu, Nhãn Lỳ, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã quen dần với việc sử dụng các tuabin điện nước để có điện sử dụng. Do kinh phí khá cao so với mức thu nhập của đồng bào nơi đây, do đó các hộ thường chung nhau tiền để lắp đặt.
Anh Moong Văn Đào ở bản Na Nhu cho biết, cứ 3 - 5 hộ dân góp chung mua 1 máy tua bin điện nước mini. Loại máy nhỏ 3kg, kèm theo dây điện có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/bộ. Còn loại máy to 8kg có giá khoảng 8 triệu đồng, có thể cung cấp điện thắp sáng cho 5 bóng đèn và 5 quạt điện cùng với sạc pin điện thoại.
Mặc dù được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên tuabin điện nước hiện nay gặp rất nhiều bất cập. Ông Hoa Văn Quyết - trưởng bản Sa Vang, xã Tà Cạ chia sẻ: Nguồn điện này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước. Do đó, những bản làng nào không có suối chảy qua, hoặc cách xa suối thì rất khó lắp đặt. Nếu dựng tuabin cũng phải kéo đường dây điện rất dài về nhà.
Bên cạnh đó, do đây là loại máy phát điện mini nên dòng điện rất yếu, chỉ đủ thắp sáng, không thể sử dụng để dùng các vật dụng khác như nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi… Thậm chí sạc điện thoại để liên lạc cả ngày cũng không thể đầy pin...
Ngoài ra, ông Quyết cho hay, “nếu mưa lũ đến bất ngờ, không kịp đưa tua bin về thì sẽ bị nước cuốn trôi. Thực tế gia đình tôi các năm trước đây đã bị cuốn trôi nhiều máy. Sau mưa lũ lại phải bỏ tiền triệu mua máy khác”.
Không những thế, nguồn điện này còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, mùa nắng nóng, sông suối khô cạn, nước chảy rất yếu, đến mùa mưa bão thì chỉ dùng được rất ít. Do đó, đây chỉ là nguồn điện tạm thời, không phù hợp để sử dụng lâu dài.
Hiện nay trên địa bàn Nghệ An vẫn còn 119 bản làng chưa có điện lưới. Trong đó, Kỳ Sơn có 69 bản, là địa phương có nhiều bản nhất chưa có điện lưới quốc gia./.