Người dân vùng lũ xứ Nghệ kê, gác đồ đạc trước mùa mưa bão đến
(Baonghean.vn) - Kê cao tài sản, chủ động thực phẩm, nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuẩn bị các dụng cụ cứu hộ sẵn sàng di tản… là việc mà người dân vùng rốn lũ ngoài đê Tả Lam trên địa bàn Nghệ An đang tập trung thực hiện để ứng phó với mùa mưa bão, dự kiến sẽ khó lường trong năm nay.
Chủ động đưa tài sản lên cao
Mỗi dịp gần đến mùa mưa bão, cả gia đình ông Hồ Xuân Thanh, xóm 7, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) lại tất bật với công việc kê cao tài sản, lương thực đề phòng mưa lụt. Với cái thùng tôn dựng cao khoảng 1,5 mét so với mặt đất, vợ chồng ông Thanh cùng con cái khiêng lúa cho vào thùng để đảm bảo luôn khô ráo, tránh ẩm mốc nếu nước dâng trong thời gian tới. Trên nắp thùng, những bao ngô, bao lạc, vài đồ đạc cũng được tận dụng để kê lên, đủ khoảng cách an toàn.
Ông Thanh cho biết: Nhà tôi ở xã Hưng Nhân cũ, là vùng nằm hoàn toàn ngoài đê Tả Lam, cách sông Lam chỉ vài trăm mét, do đó, từ trước đến nay năm nào cũng bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Nhẹ thì nước vào đến sân ngang đầu gối, nặng như các năm 2002, 2010, 2019… thì vào đến nửa nhà. Riêng năm nay, nghe thông tin dự báo tình hình mưa lũ dự kiến sẽ phức tạp hơn, nên không chỉ nhà tôi mà các hộ dân đều đã chuẩn bị phương án phòng chống từ sớm…
Cách đó không xa, gia ông Hồ Văn Trung cũng đang bận rộn với việc chất rơm khô lên gác lửng để dự trữ cho trâu, bò. Gác lửng này có độ cao khoảng 3 mét so với mặt đất, có cầu thang đi lên phía sườn nhà. Gác được chia làm 2 gian. Một gian để đưa trâu, bò, gà, lợn… lên cao khi mưa lũ, gian còn lại chất đầy rơm khô, ngô, lúa… làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, đảm bảo cho việc tạm trú trên gác khoảng 1 tuần nếu lũ về.
Ông Âu Dương Hoà - Bí thư Chi bộ xóm 7, xã Châu Nhân cho biết: Xóm nằm hoàn toàn ngoài đê nên cứ đến mùa mưa bão, hơn 250 hộ dân tại đây đều chủ động kê cao tài sản, đặc biệt là lương thực, giấy tờ, các thiết bị sử dụng đến điện, vật nuôi…
“Ngày xưa cứ đến mùa mưa bão là nhà nào cũng phải đưa vật nuôi lên đê Tả Lam, những năm gần đây, bà con đã được hỗ trợ xây nhà chòi, cồn tự cứu, gác lửng… nên đa số đều để vật nuôi ở nhà, miễn sao đưa chúng lên cao đảm bảo an toàn. Mang lên đê như trước kia luôn phải thức trắng canh chừng, có thời điểm lẫn lộn vật nuôi của các gia đình với nhau rất lộn xộn…”, ông Hoà nhớ lại.
Tổ dân cư Hoà Lam, xóm Thuận Hoà, xã Hưng Hoà, TP. Vinh cũng là vùng nằm hoàn toàn ngoài đê, tiếp giáp với sông Lam. Nơi đây quanh năm luôn bị ngập lụt mỗi mùa mưa bão. Điều đáng nói, dự án di dời tái định cư dân khẩn cấp cho vùng ngập lụt ngoài đê xã Hưng Hòa đã được triển khai từ lâu nhưng đến nay do nhiều vướng mắc vẫn chưa thể hoàn thành, do đó, những ngày gần đến mùa mưa bão này, thay vì đến nơi ở mới an toàn, bà con Hoà Lam lại tiếp tục tìm cách ứng phó với ngập lụt tại chỗ ở hiện tại.
Ghé vào các hộ dân tại tổ dân cư Hoà Lam, chúng tôi ghi nhận nhiều ngôi nhà đều có điểm chung là đã bong tróc, ẩm thấp, tường bị lở... hậu quả của việc bị ngâm nước mỗi năm. Do không biết lúc nào sẽ được rời đi nên bà con cũng không tu sửa nhiều. Đặc biệt, tất cả các vật dụng, quần áo, chăn màn đều đã được kê lên cao, có những đồ vật treo lủng lẳng. Các thiết bị khác như tủ lạnh, máy giặt…đều kê sẵn 3 - 4 viên gạch nằm ở các chân, độ cao khoảng 30 - 40 cm so với mặt đất.
Anh Nguyễn Văn Sơn, tổ dân cư Hoà Lam cho biết: “Chúng tôi nằm trong diện buộc phải di dời khẩn cấp nhưng chục năm qua vẫn chưa thực hiện được, do đó, buộc phải tìm cách thích ứng để vượt qua mùa mưa bão. Đồ đạc, vật dụng của các hộ dân đều đã được đưa lên cao cả rồi, nếu sắp tới nước dâng cao nữa thì chỉ còn cách chạy lên bờ thôi…”.
Sẵn sàng 4 tại chỗ
Dự kiến mùa mưa bão năm nay sẽ khó lường, do đó, không chỉ người dân mà chính quyền các địa phương nằm trong những vùng nguy cơ cao cũng đã sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ để phòng chống bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Trong căn nhà của bà Hoàng Thị Thuyết - xóm trưởng xóm Thuận Hoà, xã Hưng Hoà thời điểm này chất đầy áo phao, thùng xốp… đây là những đồ được hỗ trợ trong trường hợp nguy cấp khi ngập lụt, để sẵn ở nhà xóm trưởng để khi có sự cố sẽ được đưa ra nhanh chóng.
Bà Thuyết cho biết: Đa số người dân trong xóm sống bằng nghề đánh cá, do đó, bà con đều đã chủ động thuyền bè, vừa mưu sinh cũng vừa là phương tiện để sinh tồn trong mùa mưa lũ. Mặc dù đã có kinh nghiệm sông nước, tuy nhiên, đối với thiên tai thì không thể chủ quan vì mỗi năm mỗi khác. Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền bà con theo dõi các thông tin thời tiết để chủ động các phương án ứng phó, kê cao tài sản, sẵn sàng di dời trong trường hợp khẩn cấp.
“Thực tế đó là những phương án tình thế tạm thời, hiện nay, mong mỏi lớn nhất của 82 hộ dân xóm Hoà Lam cũ là các cấp ngành đẩy nhanh các thủ tục để sớm bàn giao khu tái định cư cho nhân dân. Không thể để dự án chậm trễ cả 1 thập kỷ trong khi năm nào bà con cũng sống trong lo sợ mùa mưa bão…”, bà Thuyết nhấn mạnh.
Không chỉ sự tự giác của người dân, công tác chủ động ứng phó với mùa mưa bão cũng được chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng trong thời điểm này. Theo thống kê của xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, mùa mưa bão năm 2022, đặc biệt là hoàn lưu bão số 4 đã khiến hơn 1.000 hộ dân sống ngoài đê ở khu vực xóm 7, xóm 8, xóm 9 và xóm Phú Xuân bị ngập nặng, chia cắt hoàn toàn. Ngoài ra còn 21,7 km đường giao thông, 4 nhà văn hóa xóm, 3 trường học, 1 trạm y tế bị ngập sâu, lũ lụt cũng làm hư hỏng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, đường giao thông nội đồng và cầu cống bị sạt lở nặng.
Do đó, trong năm nay, việc chủ động ứng phó thiên tai đã được địa phương triển khai sớm hơn. Về phương tiện tại chỗ, xã đã trang bị 3 thuyền máy, trong đó có 1 thuyền to, 10 cái ghe, hàng trăm áo phao sẵn sàng cứu hộ cứu nạn trong trường hợp bị chia cắt. Xã cũng đã thành lập các tiểu ban để bố trí nhân sự sẵn sàng như tiểu ban sơ tán, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban hậu cần, tiểu ban tìm kiếm cứu nạn và tiểu ban khắc phục thiệt hại.
Ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết: Xã cũng đã lên kế hoạch ứng phó thiên tai theo từng mức báo động. Nếu báo động 1 sẽ tập trung sơ tán những người được ưu tiên như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người neo đơn, đặc biệt các gia đình chính sách. Ở mức báo động 2, sẽ chỉ đạo lực lượng và các xóm cùng nhân dân kê gác tài sản, bố trí lực lượng sẵn có vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi vùng lũ, người dân sẵn sàng di tản. Nếu cảnh báo ở cấp độ 3, toàn bộ hệ thống chính trị, các đội cứu hộ, cứu nạn của xã sẽ được huy động tổng lực để đưa bà con vùng ngoài đê đến nơi an toàn tại nhà cộng đồng tránh lũ, trường Tiểu học Phạm Hồng Thái và các xóm trong đê.
Vào mùa mưa bão, những khu vực phía ngoài đê Tả Lam ở các xã như Châu Nhân, Hưng Lợi, Long Xá… đều là những điểm ách yếu, thường xuyên ngập lụt. Do đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tập trung xây dựng phương án ứng phó tại các vùng này. Trong đó tập trung vào việc sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trong mùa mưa bão, thực hiện chèo chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối nhà cửa, trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, trạm điện… Thực hiện tu bổ, nâng cấp các công trình thuỷ lợi ách yếu. Đặc biệt, khi nước dâng cao sẽ cắt cử lực lượng giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm do mưa lũ, mục tiêu cao nhất là giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn./.
Ông Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên