'Người đưa đò' của các vận động viên bơi Nghệ An
(Baonghean.vn) - Không chỉ là người thầy đưa các VĐV bơi Nghệ An gặt hái được những thành tích cao trong làng bơi lặn nước nhà, HLV Lê Xuân Cường còn như người cha nâng đỡ, dìu dắt, chỗ dựa tinh thần cho các em trong những buổi đầu đến với thể thao chuyên nghiệp.
Huấn luyện viên Lê Xuân Cường trang bị cho trẻ em kỹ năng bơi để phòng, chống đuối nước. Ảnh: Đức Anh |
Thắp lửa niềm đam mê
Trước khi trở thành HLV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An vào năm 2016, HLV Lê Xuân Cường từng là VĐV bơi lặn của thể thao tỉnh nhà. Trong sự nghiệp thi đấu, anh đã gặt hái được khá nhiều huy chương lớn, nhỏ ở các giải do Liên đoàn Bơi lặn Việt Nam tổ chức. Qua những thành tích nổi bật đã đạt được, HLV sinh năm 1982 được tuyển thẳng vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn. Con đường trở thành HLV chuyên nghiệp của anh cũng bắt đầu từ đó.
Trong tất cả các môn thể thao, để huấn luyện và dẫn dắt một học trò đạt được thành tích là điều hết sức khó khăn. Thì đối với bộ môn bơi lặn điều đó còn khó gấp bội. Bởi do đặc thù của bộ môn này, nên tuyển được những em thật sự có tố chất là điều không hề giản đơn.
HLV Lê Xuân Cường chia sẻ: “Môn bơi khác với tất cả các môn khác, chúng tôi phải tuyển chọn các em khi còn ở độ tuổi rất nhỏ (từ 7 đến 9 tuổi). Nghệ An là tỉnh có đặc thù đất rộng, người đông, chính vì thế nguồn vận động viên không thiếu. Nhưng do đời sống và cách quan niệm nên nhiều gia đình không muốn con em mình phải rời xa vòng tay bố mẹ từ lúc còn quá nhỏ. Vì vậy khi chúng tôi "nhắm" được vận động viên rồi, nhưng để thuyết phục được người nhà của các em cho đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp là điều không hề dễ dàng”.
Dẫn dắt các học trò khi chỉ mới lên 8, lên 9 tuổi sẽ không mấy ai có thể thấu hiểu hết được những nỗi vất vả mà các HLV bơi lặn phải trải qua. Chăm cho các con từ miếng ăn, giấc ngủ, chỉ bảo cho các con biết cách tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân là những công việc không tên mà thầy Lê Xuân Cường phải quán xuyến mỗi ngày.
HLV Cường nhớ lại: “Các em khi lên học tại trung tâm gần như chưa biết tự chăm sóc bản thân. Chúng tôi ngoài giảng dạy về chuyên môn bơi lội, thì còn phải hướng dẫn các em từ đánh răng, rửa mặt, giặt giũ quần áo. Nhiều em còn quá nhỏ, những người thầy như chúng tôi phải tranh thủ thời gian để giặt đồ, dọn dẹp phòng ốc cho các em, giúp các em có được môi trường sống sạch sẽ, tránh khỏi được những bệnh tật không đáng có…”
HLV sinh năm 1982 cũng kể thêm: “Tuyển được các em đã khó, giữ được các em ở lại theo học còn khó hơn. Tôi nhớ có hôm một em VĐV mới xuống tập luyện tại trung tâm, nhớ nhà, nhớ bố mẹ thế là đêm đến cứ bắt thầy phải đưa về. Giữa đêm khuya, chúng tôi lúc đó phải ở lại với cháu, dỗ dành cháu, gọi điện để cháu được nói chuyện với bố mẹ, giúp cháu vơi đi nỗi nhớ nhà. Thấy xót con sáng ngày hôm sau, phụ huynh cháu đã lên xin thầy cho cháu được nghỉ tập để về với gia đình. Mặc cho chúng tôi thuyết phục thế nào người nhà cũng không nghe, thế là bao công sức lại đổ xuống sông, xuống biển”.
Để rèn dũa được một vận động viên bơi lặn thật sự rất khó đối với đội ngũ HLV ở bộ môn này. Nhưng với tình yêu nghề, thầy Cường luôn biết động viên bản thân vượt qua những trở ngại đó để hướng đến những mục tiêu phía trước cho thể thao tỉnh nhà.
Nói về những khó khăn, HLV Lê Xuân Cường chia sẻ: “Thời tiết của Nghệ An rất khắc nghiệt, mùa đông thì rất lạnh, mùa hè thì nóng “bỏng da, cháy thịt”, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tập luyện của các VĐV. Thường trong mùa lạnh các em chủ yếu tập trên bờ, mùa Hè thì phải căn thời gian đỡ nóng mới xuống bể. Vì vậy để duy trì phong độ và nâng cao thành tích cho các cháu là hết sức khó khăn. Thế nên, đây cũng là một trong những bất lợi của bơi lặn Nghệ An so với các tỉnh thành phía Nam”.
Niềm vui lớn nhất của HLV Lê Xuân Cường đó chính là thấy các em luôn nỗ lực trên đường đua xanh. Dù thời tiết, môi trường của xứ Nghệ không thật sự thuận lợi, nhưng các em đã luôn biết chiến thắng bản thân để gặt hái được những quả ngọt.
Những đóng góp của thầy Cường, cùng đội ngũ HLV của bộ môn bơi lặn đã mang đến những thành tích đáng ghi nhận cho thể thao Nghệ An.
Trong năm nay, VĐV Nguyễn Tú Anh đã xuất sắc giành được 3 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ ở nội dung chân vịt lớn, tại Giải Vô địch Bơi lặn các lứa tuổi năm 2022. Bên cạnh đó cũng có nhiều vận động viên trẻ khác đã bước đầu thể hiện được tài năng và mang về những thành tích nhất định.
Hướng dẫn các động tác cơ bản cho học viên trước khi cho các em xuống bể. Ảnh: Đức Anh |
Phổ cập môn bơi
Ngoài công việc chính là HLV của môn Bơi lặn - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An, thầy Lê Xuân Cường còn tích cực tham gia tập huấn miễn phí cho các trẻ nhỏ, đội ngũ thầy giáo, HLV, hướng dẫn viên tại các trường học, cơ sở dạy bơi trong tỉnh. Đây là công việc hết sức có ý nghĩa, bởi thời gian gần đây nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đang ngày một gia tăng.
Với bề dày kinh nghiệm trong công tác huấn luyện môn bơi lặn, thầy Lê Xuân Cường đã cố gắng tìm ra phương pháp giảng dạy làm sao để các đối tượng học viên có thể hiểu và áp dụng một cách dễ dàng nhất. Tại các lớp học, thầy thường kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách uyển chuyển, dành nhiều thời gian hơn để học viên tự thực hành chéo lẫn nhau. Trong đó công tác cứu đuối được thầy đề cập đến khá nhiều và muốn mọi người thực hành một cách thuần thục, để khi gặp các trường hợp xảy ra không bị lúng túng, mất đi cơ hội cứu sống nạn nhân.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Cường và các HLV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Nghệ An đa số các em có thể bơi được sau khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày. Ảnh: Đức Anh |
Thầy Cường chia sẻ: “Khi dạy, chúng tôi đưa ra các tình huống và giải quyết các tình huống đó một cách ấn tượng nhất. Để từ đó giúp các học viên dễ ghi nhớ bài học hơn. Ví dụ, trong một bài thực hành cứu đuối, tôi đã cố tình làm sai khi tiếp cận nạn nhân dưới nước. Và do nạn nhân hoảng loạn nên ôm xiết chặt, nếu như một người không có kinh nghiệm sẽ dễ gặp nguy hiểm. Nhưng tôi đã gỡ khó tình huống đó bằng bài học phá khoá của nạn nhân. Qua tình huống này đã tạo được ấn tượng cho học viên, giúp các em hiểu và ghi nhớ sâu hơn về bài học cứu đuối. Đó là phải cứu từ phía sau và khi sai phải biết phá khoá”.