'Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, dám chịu trách nhiệm'
(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối CCQ tỉnh về mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan đơn vị
P.V: Đồng chí có thể khái quát quá trình triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư gắn với thủ trưởng các cơ quan đơn vị?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng: Thực ra, việc gắn chức danh bí thư cấp ủy với thủ trưởng chuyên môn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Khối Các cơ quan tỉnh đã được đặt ra và thực hiện từ khá lâu. Tuy nhiên, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/NQ- TU về: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tỉnh Nghệ An thì vấn đề này được triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn.
Một trong những giải pháp mà Nghị quyết 09/NQ-TU của Tỉnh ủy đưa ra để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là: thực hiện nhất thể hóa chức danh: bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan đơn vị.
Đây là chủ trương đúng đắn, rất phù hợp với loại hình tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Đảng ủy Khối CCQ tỉnh đã chủ động quán triệt và quyết tâm thực hiện tốt chủ trương này.
Giai đoạn đầu chúng tôi triển khai ở cấp chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở gắn với đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2013 - 2015, sau đó triển khai đối với cấp Đảng ủy cơ sở gắn với đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Điều đáng phấn khởi là, sau khi chủ trương được triển khai, các cấp ủy Đảng và thủ trưởng chuyên môn các cơ quan, đơn vị có sự thống nhất và quyết tâm thực hiện rất cao.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư đảng ủy khối CCQ tỉnh dự tọa đàm trao đổi nâng cao chất lượn sinh hoạt chi bộ |
Đến thời điểm này, có 40/57 TCCSĐ trực thuộc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan đơn vị, có 356/ 410 bí thư chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở là trưởng phòng, ban chuyên môn.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện mô hình này, cơ cấu bộ máy gọn nhẹ hơn, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác tổ chức, cán bộ, công tác tư tưởng.
Người đứng đầu cấp ủy đơn vị nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh vấn đề phát sinh tại đơn vị, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Khi thực hiện cơ chế này thì trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện cao hơn; quyết định, điều hành công việc nhanh hơn, sát hơn, tập trung hơn, khắc phục tình trạng ở đâu đó còn có việc “vênh nhau” giữa bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Việc bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan đơn vị cũng tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơn.
Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương này đã mang lại kết quả tốt, tạo tiến bộ mới trong công tác xây dựng Đảng trên phạm vi toàn Đảng bộ khối.
Kết quả hoạt động chuyên môn năm 2015 cho thấy, Khối CCQ tỉnh có 48/57 đơn vị được xếp loại xuất sắc (chiếm 84,2%), 9/57 đơn vị xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 15,8%), không có đơn vị yếu kém. Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh đều được các đoàn thể Trung ương xếp loại xuất sắc. |
P.V: Vậy, để làm tròn cả hai vai, đòi hỏi người đứng đầu phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng: Muốn thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị đòi hỏi người đứng đầu phải có tính đảng rất cao, gương mẫu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”. Đặc biệt còn đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực bao quát cả hai lĩnh vực: Lãnh đạo của Đảng và điều hành nhiệm vụ chuyên môn.
Trước hết, trách nhiệm người đứng đầu phải xác định rõ trong quy chế của BCH Đảng ủy: những việc gì phải thông qua cấp ủy Đảng những cái gì thuộc thẩm quyền của cá nhân người đứng đầu đơn vị. Việc xác định quyền và trách nhiệm cần đảm bảo đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai và quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đấy.
Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tại Sở KH&CN. |
Ngoài ra, còn phải xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng và thủ trưởng chuyên môn, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, tránh độc đoán, lạm quyền, mất dân chủ. Bên cạnh đó, để gánh trọn “hai vai” ngoài nỗ lực của bản thân người đứng đầu, còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần cộng sự cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là từng đồng chí ủy viên BCH. Nếu như BCH không có tính chiến đấu cao, không phát huy được tinh thần phê bình và tự phê bình nhất là trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách có thể dẫn đến tình trạng chủ quan duy ý chí.
Và sẽ là “gánh nặng” cho người đứng đầu nếu tổ chức Đảng chọn không đúng người, giao không đúng việc, sẽ “vừa sức” nếu lựa chọn được đúng người và bản thân người được chọn toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
P.V: Để hạn chế những bất cập có thể nảy sinh khi triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh, Đảng ủy khối đã có những giải pháp gì thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng: Để mô hình phát huy được mặt tích cực, phát huy hiệu quả, ngăn ngừa những mặt trái có thể phát sinh, thời gian qua, Đảng ủy khối đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát dưới nhiều hình thức: giám sát chuyên đề, kiểm tra đột xuất...Trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát trách nhiệm tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ cơ sở; kiểm tra, giám sát trách nhiệm đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Quan tâm các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. Thực hiện tốt phương châm: "kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm", "giám sát phải mở rộng".
Hiện nay, Đảng ủy khối đang tập trung xây dựng và ban hành nghị quyết nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng trong Khối CCQ tỉnh. Trong đó chú trọng nội dung kiểm tra, giám sát trách nhiệm đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm tiến độ thực hiện, trách nhiệm, đạo đức, văn hóa giao tiếp, kỷ luật, kỷ cương hành chính khi làm nhiệm vụ. Định kỳ hàng năm chỉ đạo lấy phiếu đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Gắn hoạt động kiểm tra, giám sát đảng viên với thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trong thực hiện chế độ thông báo với cấp ủy, Đảng bộ, chi bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, chủ trương, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy về công tác tổ chức, cán bộ, công tác tư tưởng nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị; khắc phục tình trạng đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh đang tồn tại ở không ít tổ chức Đảng hiện nay.
Bên cạnh đó thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát, phản biện của các đoàn thể quần chúng trong cơ quan, đơn vị để ngăn ngừa tối đa những tiêu cực có thể nảy sinh khi thực hiện mô hình nhất thể hóa.
P.V: Cảm ơn đồng chí!
Ý kiến: Đồng chí Trịnh Bá Vinh - Ủy viên BCH Đảng ủy, Phó ban Tổ chức Đảng ủy Khối CCQ tỉnh "Để thực hiện mô hình này có hiệu quả trong thực tiễn, ngoài việc xây dựng và lựa chọn cán bộ có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có chất lượng. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ của tổ chức cơ sở đảng cấp trên đối với những đơn vị thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh”. Đồng chí Nguyễn Văn Độ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Việc thực hiện mô hình này giúp công tác Đảng gắn với nhiệm vụ chuyên môn sâu sát, cụ thể và toàn diện hơn; tạo sự thống nhất cao trong việc thực hiện lãnh đạo công tác Đảng và chuyên môn. Trước đây, ở Đảng bộ Sở KH&ĐT, một đồng chí Phó Giám đốc Sở là Bí thư Đảng ủy, nên thông thường khi lãnh đạo công tác chuyên môn họp bàn xong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mới xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, giờ đây với việc thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm thủ trưởng cơ quan có thể rút ngắn quy trình này. Điều này giúp người đứng đầu cơ quan thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, để làm tốt “2 trong 1” đòi hỏi người đứng đầu cơ quan phải có khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể. |
Gia Huy
(Thực hiện)