Người hiểu rõ “Thế trận lòng dân”

14/10/2013 21:21

(Baonghean) - Công tác dân vận vốn đã khó, làm tốt công tác dân vận ở những vùng đặc thù lại khó gấp ngàn lần. Vậy mà, có những giáo dân bằng sự tâm huyết, tận tụy và bằng trách nhiệm của người Đảng viên đối với Đảng, với dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này…

Nghi Xá trước đây vốn là một xã nghèo, thuần nông, nằm khá xa trung tâm Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc). Vài năm trở lại đây, Nghi Xá thực sự thay đổi với khu công nghiệp Nam Cấm, với những con đường nhựa liên xã, liên thôn chạy dài, với ngôi trường cấp III Nghi Lộc 4 khang trang, đẹp đẽ… Để có được những dự án này, người dân Nghi Xá đã phải hi sinh hàng vạn mét vuông đất nông nghiệp, hàng ngàn cây cối, các công trình xây dựng. Để có được sự đồng tình đó, cả hệ thống chính quyền từ huyện đến xã đã phải vào cuộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Hoàng Văn Minh – Chủ tịch Mặt trận, Phó khối Dân vận xã Nghi Xá, một giáo dân, một đảng viên gương mẫu.

Ông Hoàng Văn Minh (ở giữa) trao đổi với bà con thôn 2 trên con đường liên xóm đang chuẩn bị được mở rộng.
Ông Hoàng Văn Minh (ở giữa) trao đổi với bà con thôn 2 trên con đường liên xóm đang chuẩn bị được mở rộng.

Chủ trương thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp Nam Cấm bắt đầu được triển khai từ năm 2003 và Nghi Xá là địa phương nằm trong vùng thu hồi nhiều nhất với tổng diện tích 250 ha. Để có được mặt bằng sạch, hơn 400 hộ dân của 3 xóm 8, 9, 11 bị mất đất, trong đó có 150 hộ bị mất 100% đất nông nghiệp, còn lại bị mất từ 50 – 70%. Là một xã thuần nông, khó có thể nói hết tâm trạng của bà con khi không còn đất để canh tác, sản xuất. Ngay cả gia đình ông Hoàng Văn Minh thời điểm đó còn bốn người con, vợ làm nông nghiệp nên gặp muôn vàn khó khăn khi có đến hơn 80% diện tích đất trồng lúa bị thu hồi. Là một đảng viên, gia đình ông đã tự nguyện đi đầu, đồng thời ông tích cực vận động nhân dân, bà con giáo dân trong xóm ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Việc thu hồi đất kéo dài đến năm 2012 và mọi việc sẽ thuận lợi nếu như sau này trên địa bàn xã không triển khai thêm dự án đường liên xã Nghi Long, Nghi Xá và dự án khu tái định cư. Trong đó, giá đất chênh lệch quá cao là điều mà người dân xót xa nhất, khi mà trước kia một sào đất (500m2) chỉ được đền bù 4.500.000 đồng. Mà nay những người bị thu hồi sau được đền bù đến 75 triệu đồng, gấp hàng chục lần.

Đỉnh điểm của vấn đề này là sự việc xảy ra vào tháng 4/2012 tại dự án Nhà máy nhựa TNTP miền Trung có diện tích 4,48 ha và dự án Nhà máy điện tử Hitech có diện tích 5,05 ở khu công nghiệp Nam Cấm bắt đầu đi vào xây dựng. Trước đó, toàn bộ phần diện tích này đã được đền bù nhưng sau này thấy giá đất tăng lên quá nhanh nên một số hộ dân ở xóm 8,9,11 đã ra ngăn cản không cho công trình thi công. Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Nghi Lộc đã làm việc với chính quyền cơ sở và đối thoại trực tiếp với các hộ dân, đồng thời đề xuất lên tỉnh để đề nghị hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân bị thu hồi đất cho hai dự án bằng tiền theo giá trị hiện tại với mức 30 kg gạo/người/tháng trong vòng 3 tháng. Thế nhưng, đến cuối tháng 5/2012 vẫn còn 85/148 hộ không chịu nhận. Một số đối tượng quá khích còn vận động các hộ dân trả lại tiền.

Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, với vai trò là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, lại là công dân của xóm 8, ông Minh đã đến từng nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Ông hiểu, nỗi khó khăn hiện nay của người dân các xóm 8, 9, 11 không phải là một vài yến gạo cứu đói trong vài tháng mà là việc làm ổn định, lâu dài, bởi đây là 3 xóm giáo toàn tòng, nhà nào con cũng đông, thu nhập từ trước đến nay chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Tại cuộc họp ngày 22/5/2012 giữa UBND tỉnh với UBND huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, ông đã đề đạt nguyện vọng và khẳng định ngay từ đầu sự việc không quá phức tạp. Điều người dân mong muốn nhất ở chính quyền đó là có sự công bằng trong việc hỗ trợ đất cho các hộ dân bị thu hồi và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cho người dân.

Nắm được nguyện vọng trên, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm rõ ràng cho các ban ngành để sớm giải quyết kịp thời cho người dân, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết tuyển dụng lao động người địa phương bị thu hồi. Nhờ đó, dự án đã được triển khai thuận lợi. Bản thân ông Hoàng Văn Minh, sau sự việc này, uy tín của ông ngày càng được khẳng định trong thôn, trong xã. Cũng với cách làm tương tự, thường xuyên lắng nghe dân, tìm hiểu những đề đạt mong muốn của nhân dân nên khi chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã được triển khai, tất cả người dân đều đồng tình.

Theo ông ra xóm 2, nơi chỉ một thời gian nữa con đường bê tông liên xóm sẽ được mở rộng từ 2m lên 5m, nói chuyện với các hộ dân, bà con ai cũng phấn khởi với con đường chuẩn bị được xây dựng. Hiện nay, Nghi Xá có 7/11 xóm đã đóng mốc quy hoạch xây dựng theo đề án xây dựng nông thôn mới, toàn xã có hơn 200 hộ tình nguyện hiến đất mở đường, riêng 4 xóm giáo 5,8,9 và 11 đã làm được 1,5 km đường bê tông theo quy trình nông thôn mới, nhà văn hóa xóm 11 đang bắt đầu thi công. Ông Minh chia sẻ: “Làm việc gì cũng phải tìm hiểu đến nơi, đến chốn, gần gũi với dân và nắm bắt được nguyện vọng chính đáng của người dân và căn cứ vào đó để thực hiện thì chủ trương nào, chính sách nào cũng có thể thực hiện một cách thuận lợi”. Làm công tác Mặt trận càng phải hiểu rõ thế trận lòng dân.

Khi được giáo xứ Đồng Vông giao trách nhiệm làm trưởng ban tự quản của giáo xứ và giáo họ, ông đã làm việc rất nhiệt tình, vận động nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời là cầu nối giữa linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ với các ban ngành đoàn thể xã hội nhằm phối hợp với nhau, cùng nhau đoàn kết tạo sự đồng thuận, thống nhất. Các tổ chức đoàn thể xã hội và hội đoàn trong giáo xứ đều phát huy tốt công tác phối hợp để hoạt động theo vị trí chức năng công việc của mình.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Người hiểu rõ “Thế trận lòng dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO