Mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh của gia đình ông Thái Diệu ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến đang mở ra hướng đi mới trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ông chủ rừng này cũng chính là người khôi phục và phát triển giống vịt bầu Quỳ - đặc sản trên vùng đất Phủ Quỳ.
Triệu phú rừng lát
Sau nhiều lần lỗi hẹn, chúng tôi có dịp gặp ông Thái Diệu ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ông chính là chủ cánh rừng lát hoa có thể nói là có một không hai ở miền Tây xứ Nghệ. Mặc dù cơn mưa rừng xối xả vừa ngớt, nhưng ông Diệu vẫn hồ hởi cầm vô lăng chiếc xe Fortuner 2 cầu vượt qua những cung đường đất đá lởm chởm và ngập bùn lầy đưa chúng tôi đến với rừng cây lát.
Một màu đỏ xa tít trên những ngọn đồi xuất hiện trước mắt, mỗi lúc càng gần hơn. Ông Thái Diệu giải thích, màu đỏ mà chúng tôi đang nhìn thấy từ xa, chính là màu lá non của cây lát hoa. Cả khu vực thung Tùng Duộc này trước đây là cây tạp, lau lách…, sau khi được chuyển nhượng đất, ông quyết định trồng thay thế hoàn toàn bằng cây lát hoa, trộn lẫn trong đó vài cây săng lẻ. Với diện tích 38ha, suốt nhiều tháng liền của năm 2018, hàng chục nhân công là người bản địa gánh từng cây giống lên tận ngọn núi để trồng theo hàng lối. Giờ đây trăm cây như một, cả vùng đồi này được phủ một màu xanh của lát hoa.
Để chăm sóc tốt rừng lát, hàng ngày ông Diệu rất quan tâm đến công tác “dân vận” đối với người dân bản địa. Cùng đó, người dân bản địa được hưởng lợi từ con đường do ông Thái Diệu đầu tư mở mới dài gần 2km để vận chuyển keo nguyên liệu. Nhờ vậy, đã hơn 6 năm, nhưng trên 20 nghìn cây lát hoa không hao hụt một cây, thậm chí không một nhát dao bập vào thân cây.
Cây lát hoa trồng sau 20 năm mới có thể làm được gỗ, nay tôi đã ngót 70 tuổi, nên xác định là của để dành cho mai sau. Cái lợi trước mắt là có cánh rừng đẹp, giúp che chắn, bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất và duy trì nguồn nước ngầm tại khu vực đồi núi này. Bản thân tôi không biết gỗ lát hoa đứng thứ hạng cao thấp thế nào theo chuyên môn lâm nghiệp, chỉ biết ở quê mình từ thời ông cha đã quý gỗ lát hoa rồi. Loại gỗ này dùng để đóng đồ trang trí nội thất thì rất đẹp...
Ông Thái Diệu, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu
Theo người dân bản địa đã cao tuổi, gỗ lát hoa bền chắc, không bị mối mọt, lại dẻo dai, dễ cho thợ mộc uốn nắn. Gỗ có màu sáng tươi, thớ mịn, nhiều vân đẹp. “Vân gỗ lát hoa đẹp như mây khói, như hoa dong đỏ, chỗ nhặt chỗ thưa, mỗi loại vân có nét đẹp riêng. Bởi vậy nên mới gọi là lát hoa”, cánh thợ mộc trên địa bàn xã Châu Tiến giải thích.
Ngắm cây lát hoa mới 6 năm tuổi, đường kính thân cây chừng 15cm, ông Thái Diệu xác định, sau 20 đến 30 năm nữa, rừng lát này mới có thể thu hoạch được. Vào thời điểm đó, đường kính thân cây sẽ trên dưới 1m, cũng là thời điểm gỗ quý càng khan hiếm, thì giá trị của rừng lát này càng cao. Nếu xuất khẩu ra nước ngoài thì giá trị còn cao hơn.
Ông Thái Diệu cho rằng, trước đây vùng rừng này có nhiều cây lát và các loại cây gỗ quý tự nhiên khác, nhưng con người đã đốn hạ, khai thác cùng kiệt để làm nhà, bán cho lái gỗ để đóng đồ trang trí nội thất. Nay, nhiều hộ dân vẫn trồng lát trong vườn nhà, nhưng mỗi hộ chỉ vài, ba cây. Với việc mở hướng trồng cây lát hoa này, hy vọng sẽ có nhiều hộ dân đầu tư trồng thành rừng, tạo thành xứ lát hoa cho mai sau. Đây cũng là điều mà chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp đang khuyến khích.
Nhìn bạt ngàn lát hoa, không ít người ví ông là “triệu phú rừng”. Tìm hiểu được biết, giá gỗ lát hoa trên thị trường hiện nay từ 11 đến 15 triệu đồng/m3, thì sau 20 - 30 năm nữa, hơn 20 nghìn cây lát hoa này, chỉ cần tính một cây cho 1m3 gỗ thì đã có hơn 20 nghìn m3 gỗ, thì dễ mà “tỷ phú”! Không những thế, ngay dưới tán rừng hiện nay là trại chăn nuôi bò, lợn…, là "rương" tiền.
Ông Thái Diệu khoe, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi rừng lát hoa đã khép tán, ông đầu tư nuôi bò và lợn sinh sản trong khu rừng. Từ chỗ 50 con bò sinh sản ban đầu, sau 3 năm chăm sóc, đàn bò đã nhân lên gấp nhiều lần, mỗi năm xuất bán số lượng bò nhất định, nên hiện đang duy trì 100 bò cái sinh sản và hàng trăm con lợn. Loại lợn đen lai lợn rừng, chậm lớn nhưng thịt ngon, không cần chăm sóc nhiều. Nhờ có lượng bò và lợn sinh sản nhiều, mỗi năm ông Thái Diệu cung ứng hàng trăm con giống cho bà con trong vùng nuôi, phát triển kinh tế.
Người có công khôi phục giống vịt bầu Quỳ
Trò chuyện mới biết, hoá ra ông Thái Diệu quê gốc ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành. Chậm rãi nói về cái lẽ ngược lên vùng đất Phủ Quỳ lập nghiệp cách đây 34 năm có lẻ, ông Thái Diệu kể, năm 1990, tình cờ trong một lần lên huyện Quế Phong thăm người thân, ông được thưởng thức món đặc sản vịt bầu Quỳ có vị ngon riêng, hiếm có. Vốn là nông dân vùng đất lúa đã có nhiều kinh nghiệm với nghề nuôi vịt chạy đồng, sau lần đó, ông nung nấu ý tưởng sẽ lên đây lập nghiệp với nghề nuôi vịt bầu Quỳ.
Lần đầu đặt chân lên đất Phủ Quỳ, vợ chồng ông chọn mảnh đất dưới chân cầu Châu Tiến, sát với con sông Nậm Việc và lập nghiệp cho đến bây giờ.
Vịt bầu Quỳ là đặc sản của vùng Phủ Quỳ, nhưng để mua được con vịt để ăn thịt cũng không dễ, bởi bà con dân bản lúc đó nuôi với số lượng ít, tự cung tự cấp là chính. Do đó, để làm nên trại vịt bầu Quỳ là mất nhiều thời gian gây dựng. Lúc đó, cả hai vợ chồng lặn lội đến từng thôn, bản, đi từng nhà dân nài nỉ họ bán từng quả trứng.
Góp gió thành bão, đến khi gom được số lượng trứng đáng kể, ông tiến hành công đoạn ấp giống. Kiên trì sau nhiều năm, ông đã có được gần 200 con vịt bầu Quỳ thuần chủng, là lứa vịt bố mẹ đầu tiên. Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục lại giống vịt bầu Quỳ, nhờ đó ông được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư mở rộng trang trại và mua máy ấp trứng. Từ năm 2007, ông Thái Diệu có thể cung cấp cho người dân giống bầu Quỳ mỗi năm hàng vạn con có chất lượng tốt.
Ông Thái Diệu giải thích, vịt bầu Quỳ ngon hơn các giống vịt khác là vì thịt rất ít mỡ, thịt dày, dai, chắc... Các nhà khoa học còn phân tích rằng, thịt vịt bầu Quỳ còn chứa tỷ lệ axit glutamic vượt trội hơn các giống vịt khác. Tuy nhiên, người dân bản địa ở đây lại giải thích bằng cách riêng, họ cho rằng, chính nguồn thức ăn từ rong rêu, cua, tôm, thêm cái sương gió của vùng đất tột cùng Tây Bắc xứ Nghệ là "đầu vào" đặc biệt để tạo thành vị ngon truyền đời của thịt giống vịt này.
Khôi phục giống vịt bầu Quỳ đặc sản, tạo dựng được trang trại, đến nay, trại của ông Thái Diệu được đánh giá là trại vịt bầu quỳ lớn nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu và Quế Phong. Nhờ có “của ăn của để” sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt bầu Quỳ, ông Thái Diệu nghĩ đến việc trồng rừng lát hoa ở thung Tùng Duộc làm của để dành cho mai sau.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn, trong đó chủ yếu là cây lát hoa và một số cây săng lẻ, lim… của ông Thái Diệu ở thung Tùng Duộc của xã Châu Tiến là mô hình trồng rừng bằng cây bản địa theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh, là quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện hiện nay. Đây là hướng đi phù hợp với đặc thù và chủ trương của huyện, do vậy thời gian qua đã được chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ.
Ông Sầm Trung Kiên - Phó ban Dân vận Huyện uỷ Quỳ Châu