Người kinh doanh hoa Tết tại Nghệ An đối mặt với nhiều cái khó
Thời tiết diễn biến thất thường, giá mặt bằng cũng như cước phí vận chuyển tăng cao, trong khi người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu là những khó khăn mà người kinh doanh hoa, cây cảnh Tết tại Nghệ An phải đối mặt trong năm nay.
Bộn bề nỗi lo
Dịp Tết Ất Tỵ 2025 cũng đánh dấu tròn 10 năm anh Phạm Trung Kiên ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Gia đình anh là một trong những hộ dân đi đầu trong phong trào trồng hoa để phát triển kinh tế tại địa phương. Dịp Tết năm nay, anh đầu tư 2 loại hoa chính phục vụ thị trường là hoa ly và hoa cúc, với tổng diện tích trên 3.000m2. Tuy nhiên, anh Kiên không khỏi lo lắng vì mùa hoa này gặp nhiều khó khăn hơn.
Anh Kiên cho biết, năm nay thời tiết thất thường, rét sớm nên việc nhập hoa, chăm sóc hoa cũng vất vả hơn nhiều, đặc biệt là khâu xuống giống cũng như chuẩn bị hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo cây sinh trưởng tốt… Có những đêm mưa phùn, trời rét mướt, vợ chồng anh vẫn phải "ăn ngủ" cùng hoa, làm đủ các công đoạn như bón phân, làm cỏ, vun gốc, bấm ngọn, tỉa cành... chỉ mong hoa nở đúng ngày để đưa ra thị trường.
Vụ Tết năm nay, toàn huyện Diễn Châu trồng khoảng 5 ha hoa Tết, tập trung tại các xã Diễn Kỷ, Diễn Đồng, Diễn Hồng, Diễn Liên… Chị Phan Ngọc Tuyết - một trong những hộ dân trồng hoa Tết lâu năm tại xã Diễn Kỷ cho biết: So với năm ngoái thì vụ Tết năm nay gia đình vẫn giữ nguyên diện tích 6 sào, không mở rộng hơn vì chúng tôi vừa làm, vừa nghe ngóng thị trường.
Năm nay kinh tế khó khăn hơn, nếu mở rộng diện tích mà không tiêu thụ được là "mất Tết". Do đó, phải tính toán phương án “ăn chắc” thôi, không dám mạo hiểm. Năm nay chỉ mong đầu ra ổn định, chứ nhà nhà, người người bán hoa dịp Tết, cạnh tranh với nhau cũng vất vả rồi...
Nhắc đến hoa Tết không thể không nói đến các xã ngoại thành Vinh như Nghi Ân, Nghi Liên… Nơi đây được xem là thủ phủ hoa, cây cảnh lớn nhất trên địa bàn tỉnh với hàng trăm hộ dân làm nghề. Hộ nào ít thì cũng từ 1.000 - 2.000 cây, hộ nhiều thì hàng chục nghìn cây, đếm không xuể, trồng từ vườn này qua vườn khác.
Dù có tiềm năng, lợi thế về trồng hoa, cây cảnh, nhưng đầu ra sản phẩm hiện vẫn là bài toán khó, đặc biệt là địa phương chưa có điểm bán tập trung. Người dân chủ yếu thường chỉ bán tại nhà, hộ có điều kiện thì thuê mặt bằng bán trong nội thành Vinh hoặc dọc Quốc lộ 46, tuy nhiên, để tìm được mặt bằng thời điểm cận Tết không hề dễ dàng.
Anh Nguyễn Hữu Trung ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP. Vinh) cho biết: "Gia đình tôi đã chủ động liên hệ để thuê mặt bằng kinh doanh trên tuyến Đại lộ Lê Nin cả tháng nay nhưng đều đã hết chỗ. Có một vài điểm nhưng giá quá cao, từ 1 - 2 triệu đồng/m2, chúng tôi không thể trụ nổi vì còn nhiều chi phí khác. Do đó, tôi đành phải kinh doanh tại nhà, chắc chắn lượng khách sẽ không thể bằng những hộ có vị trí đẹp ở các tuyến đường lớn.
Thực tế năm nay, mặt bằng kinh doanh hoa, cây cảnh trên địa bàn TP. Vinh đã bị thu hẹp đáng kể, đặc biệt là các tuyến đường lớn đều đang đồng loạt nâng cấp, chỉnh trang vào dịp cuối năm, có thể kể đến như Đại lộ Lê Nin, Lê Hồng Phong, Trường Thi, An Dương Vương, Phong Định Cảng... Do đó, người dân không còn nhiều mặt bằng để thuê trên các tuyến đường này như các năm trước, nếu thuê được thì việc kinh doanh cũng gặp bất lợi do quá trình thi công đường.
Từ đầu tháng Chạp, xe tải chở hàng loạt cây cảnh chưng Tết đã ùn ùn đổ về thành Vinh như đào, quất, bưởi Diễn, mai vàng... phục vụ người dân chơi Tết. Anh Doãn Trung Phong, người kinh doanh cây cảnh Tết tại TP. Vinh cho biết: Năm nay gia đình nhập về khoảng 500 gốc quýt, bưởi Diễn, chanh tứ quý và hàng ngàn gốc đào, mai để phục vụ người dân vui Tết. Riêng cước vận chuyển các cây này từ Hưng Yên, Sơn La, Hà Nội... về đến Vinh cũng mất cả chục triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như mặt bằng, nhân công, điện nước... chúng tôi phải tính toán thật kỹ, cân đối các nguồn để tránh thua lỗ.
Anh Hoàng Quân - người chuyên kinh doanh cây cảnh Tết tại Đại lộ Lê Nin cho biết: Từ đầu tháng 11 Âm lịch, chúng tôi đã ra các vườn đào lớn trên cả nước như Nhật Tân, Mộc Châu, Sơn La… để xem đào và thống nhất giá cả. Năm nay, chúng tôi nhập 300 gốc đào về Vinh. Đây là loại cây cảnh đắt tiền, số vốn bỏ ra lớn nên tâm lý ai cũng hồi hộp, chỉ mong sao đào được người dân yêu thích, ủng hộ để anh em có Tết “ấm” sau cả tháng “ăn, ngủ” cùng đào Tết.
Sớm đưa chợ hoa vào hoạt động
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Đặc biệt, tại TP. Vinh đã có những làng hoa nổi tiếng gần xa như Kim Chi, Kim Phúc, Kim Bình của xã Nghi Ân, hay xóm Trung Liên, xã Nghi Liên… hay các làng đào nổi tiếng như Minh Thành (Yên Thành), Nam Xuân, Nam Anh (Nam Đàn)...
Mặt hàng về hoa, cây cảnh ngày càng được nhiều người ưa chuộng, không chỉ trong dịp Tết, mà trong đời sống hàng ngày, đặc biệt, nhu cầu về không gian xanh, môi trường trong lành như hiện nay. Tuy nhiên, việc kinh doanh mặt hàng này còn manh mún, chưa có sự liên kết, chưa có điểm trưng bày cố định, người dân chủ yếu bán lẻ ra thị trường…
Hiện nay, thành phố Vinh đã có kế hoạch xây dựng chợ hoa đầu tiên trên địa bàn với diện tích khoảng 10 ha tại xóm Kim Chi, xã Nghi Ân. Đây sẽ là nơi quy tụ những người kinh doanh hoa, cây cảnh cũng như những người yêu cây cảnh trên khắp mọi miền.
Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ hoa tại xã Nghi Ân đã cơ bản hoàn thiện. Thành phố đang làm các hồ sơ, thủ tục để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là chợ hoa, cây cảnh lớn nhất trên địa bàn Nghệ An, không chỉ giải quyết nhu cầu mua, bán cây cảnh của người dân, giảm thiểu tình trạng bà con kinh doanh nhỏ lẻ, lấn chiếm lòng, lề đường mà còn là điểm nhấn về du lịch khi du khách đến với thành phố.