Người lính nơi Mường Piệt, Mường Pôm...

03/01/2007 10:16

Các chiến sỹ biên phòng trên cột mốc biên giới.
Dự án quốc lộ 48 từ Phú Phương lên xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong dài khoảng 50 km, tổng dự toán gần 600 tỷ đồng đang trong thời kỳ cao điểm thi công.

Những mỏm núi, dốc đèo, eo cua đang bị bạt xuống dần tạo con đường rộng mở lên biên giới. Không ngờ lên đến bản Lốc, trung tâm xã Thông Thụ lại gặp người quen cũ, Trung tá Ngô Đức Đường, Đồn trưởng Đồn biên phòng 515 tay bắt mặt mừng, anh cứ xuýt xoa mãi rằng không ngờ lại gặp nhau nơi miền biên giới heo hút này, anh nói: "Nếu gặp trời mưa chắc chiếc Uóat- được mệnh danh là con ngựa thiện chiến nhất dành cho đường rừng cũng khó vượt được dốc Pu Cao Mạ để lên tới bản Lốc này".

Anh tâm sự: "Tôi mới được phân công điều động lên đây, từ nơi đang thuận lợi đến chỗ heo hút, đường rừng dốc đèo eo cua, cao ngất, xa ngái chỉ đi bằng xe ôm, mùa mưa lũ cắt phải băng rừng lội bộ, lúc đầu cũng ngán, nhưng với lính biên phòng thì đó cũng là chuyện thường tình thôi."


Xã biên giới Thông Thụ từng lập chiến công bắn rơi không lực Hoa Kỳ vào những năm thập kỷ sáu mươi, được Bác Hồ gửi thư khen và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

VàĐồn biên phòng 515, vẫn như xưa, vẫn đơn sơ nằm chênh vênh trên sườn dốc, nhưng sân Đồn đã được mở rộng hơn cho chiếc xe u óat chở chúng tôi cài số một lên đỗ.

Đại uý trẻ Nguyễn Xuân Lâm, Đồn phó phụ trách trinh sát, từng có thâm niên công tác nơi địa đầu Tây Bắc này tiếp chuyện và đích thân dẫn tôi đến thăm mô hình trang trại của Đồn vừa mới hình thành vào cuối tháng Tám năm 2006.

Trang trại nằm cạnh Văng Hay, khe Piệt, cách Đồn chừng gần hai mươi phút đi bộ. Trên đường đi anh kể: Xây dựng mô hình trang trại nằm trong kế hoạch xây dựng và bảo vệ biên giới của Đồn. Như đã biết, Thông Thụ là xã biên giới địa bàn hiểm trở, phía Bắc giáp với xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, từ Đồn đi tuần tra tích cực nhất cũng mất cả đi lẫn về mất 7 đến 8 ngày, nếu mưa gió phải mất hơn 10 ngày.

Phía Tây giáp với 6 bản người Mông thuộc huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Thuận lợi là xã Thông Thụ chỉ thuần là dân tộc Thái, có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào Đảng, tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới, nhiều năm đã định cư ổn định, kinh tế -xã hội đang có nhiều chuyển biến. Về kinh tế, xã đang tích cực vận động nhân dân phát triển từ thế mạnh là lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và khai hoang, thâm canh ruộng nước...

Vậy nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức, trình độ canh tác nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng vật nuôi chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao nhất nước.

Do đó Đồn đã lập dự án xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để từ đây mở rộng điểm cho bà con học tập. Vùng đất mà Đồn xin nhận rộng khoảng 7ha, vùng trước đây nhân dân làm rãy, đất đã tàn kiệt chỉ còn lau lách.

Đồn giao cho một tổ thực hiện dự án, trước mắt là cải tạo đất rừng bằng khoanh nuôi, bảo vệ, trồng cây mới phủ xanh đất trống, đồi trọc, khoanh vùng trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi trâu, bò. Đến trang trại, nhà ở đang tạm bợ, chúng tôi gặp 3 chiến sĩ. Phạm Đức Chính, người được giao làm tổ trưởng phụ trách cho biết, anh nhập ngũ năm 1989, lên đây đã bén duyên với cô giáo từ miền xuôi lên dạy học ở Thông Thụ rồi cắm chốt nơi mảnh đất biên cương này suốt 15 năm nay.

Bước đầu, theo sự chỉđạo của Đồn, trang trại tập trung phát triển tạo thêm đàn dê, bò và đàn gia cầm đặc sản như gà đen, vịt bầu Quế Phong...

Trong tổng số 7ha đất được giao, phần trên dành khoanh nuôi, bảo vệ, phần dưới 3 ha để trồng cỏ voi, rau màu. Tuy chỉ mới chưa đầy bốn tháng nhưng đàn dê đã có hơn 20 con, 5 con bò giống và gần 100 con gà, vịt, nhưng để phát triển nhanh khó khăn nhất vẫn là vốn để mua thêm giống bò, dê.

Bà con bản Lốc gần đây đã đến thăm trang trại và đang học theo cách làm của bộ đội trồng rau, đậu, nuôi dê... Hy vọng thời gian không lâu nữa từ mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều điểm khác giúp bà con khu vực biên giới mau chóng thoát nghèo.


Đại uý Nguyễn Xuân Lâm còn cho tôi biết hoạt động của Đồn trên nhiều lĩnh vực: Đồn 515 được giao quản lý với tổng chiều dài 29km đường biên giới, có ba cột mốc I1, I2, I3. Thông Thụ là xã có địa hình phức tạp, khó khăn, nhất là mùa mưa lũ để đến các điểm tuần tra xa nhất như cột mốc I1chủ yếu là đi bộ cắt rừng.

Kẻ xấu thường móc nối chủ yếu qua đường rừng ở ngoại biên để hoạt động trung chuyển ma tuý về Việt Nam và hoạt động phỉ. Về tới Đồn, tôi may mắn được gặp lại Trần Văn Tài, Trạm trưởng Kiểm soát biên phòng Nậm Giải, đã lập nhiều chiến công mật phục bắt gọn nhiều tội phạm ma tuý trên đỉnh Kèo Choóng, đã từng chối từ không nhận hối lộ 80 triệu đồng từ tên tội phạm ma tuý vào năm 2000 và gặp lại Nguyễn Nam Thái, người bạn chiến đấu của liệt sĩ Và Bá Giải tại biên giới xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Hai anh được cấp trên giao sang Thông Thụ tiếp sức cho Đồn 515. Tiếp câu chuyện của Đại uý Lâm, hai anh cho biết, sang đây cũng hết sức gian khổ, nguy hiểm khi thường xuyên đối mặt với tội phạm ma tuý, nhiều lần đọ súng với bọn tội phạm.

Hai năm gần đây, Đồn đã phát hiện 9 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý, bắt giữ 9 đối tượng, thu tang vật 6 kg thuốc phiện. Riêng năm 2006, Trạm kiểm soát Mường Phú bắt 2 đối tượng buôn bán, vận chuyển hêrôin.


Vừa phối hợp với lực lượng địa phương tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm, Đồn 515 còn phối hợp giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, xử lý các vụ việc và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tham gia giám sát việc thực hiện các chương trình 134, 135 của Chính phủ.

Trong những năm qua, Đồn đã cùng với các ngành, tổ chức, đoàn thể mở các lớp xoá mù chữ, khám chữa bệnh cho dân; xây dựng thành công 3 bản văn hoá: bản Lốc, bản Ăng và bản Hiệp Cát...


Bí thư Đảng uỷ Lương Sơn Tuấn nhận xét về các anh: "Nhờ có Đồn biên phòng 515 hỗ trợ nên tình hình chính trị- xã hội của xã Thông Thụ ngày càng được ổn định, Đồn cùng cấp uỷ chính quyền địa phương tuyên truyền vận động đã dần cải tạo, nâng cao nhận thức tập quán làm ăn mới cho bà con".


Chia tay các anh, chúng tôi biết nơi đây còn nhiều khó khăn, trong sinh hoạt còn thiếu thốn về điện, nước... nhưng tin rằng nay mai con đường lên Thông Thụ sẽ rộng mở rút ngắn khoảng cách về nhiều mặt. Người dân nơi đây có truyền thống anh hùng cùng các anh góp thêm sức mạnh chắc cây súng giữ cho mùa ban nào hoa cũng nở xoè và sắc đào luôn thắm trên dải đất biên cương của Tổ quốc.


Bài, ảnh: Minh Thư

Mới nhất

x
Người lính nơi Mường Piệt, Mường Pôm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO