Người lưu giữ chiếc kèn của người Thổ

28/09/2016 15:30

(Baonghean.vn) - Không chỉ đàn hay, hát giỏi, nghệ nhân Trương Sông Hương, người con của làng Dũa, thuộc xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) còn chế được cả nhạc cụ, trong đó nhiều nhất là kèn- một nhạc cụ độc đáo, được xem là "linh hồn" trong bộ nhạc của người Thổ.

Clip nghệ nhân Trương Sông Hương trình bày một điệu kèn của người Thổ

1

Trong giàn nhạc cụ của người Thổ, tiếng kèn được ví như "linh hồn", âm thanh của nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Từ tiếng kèn mừng lễ thôi nôi, tiếng kèn gọi bạn đến tiếng kèn mừng nhà mới, vui hội làng và tiếng kèn tiễn đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng... Theo nghệ nhân Trương Sông Hương, kèn chỉ dài 25 cm, gồm ba bộ phận chính, có thể tháo rời, ấy là miệng kèn, thân kèn và loa kèn. Tuy nhiên, việc chế tạo cũng không hề đơn giản.

2
Chi tiết quan trọng của cả chiếc kèn đó là lưỡi dăm. Nhìn đơn giản nhưng làm không đúng kỹ thuật thì cây kèn dù có đẹp, người thổi có dài hơi đến mấy, kèn cũng không kêu được. Trước đây, bà con làm lưỡi kèn bằng lá sa nhân, nay thì chế từ miếng nhựa mỏng nhưng phải qua nhiều công đoạn, từ cắt, dũa..., có như vậy thanh âm mới mỏng, mới bay
2
Phần giữa là thân kèn, được làm bằng gỗ khoét rỗng có đường kính điểm to nhất khoảng 3cm. Trên thân kèn nhất thiết phải có 7 lỗ để luyến láy thanh âm, khoảng cách giữa các lỗ phải tuân thủ những bí kíp gia truyền, có thế kèn thổi lên mới đúng “tông” trầm bổng.
1
Phần cuối là loa kèn, được làm bằng gỗ với đường kính khoảng 10 cm.
2
"Có biết thổi kèn mới làm được kèn hay, bởi suốt quá trình khoét ruột, dùi lỗ thân kèn, chế dăm kèn... đều phải thẩm âm và điều chỉnh từng chút một" Ông Hương cho hay.
1
Để làm được một cây kèn truyền thống, những người khéo tay, thạo việc cũng phải mất dăm ngày mới làm xong. Bởi tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Nghệ nhân Trương Sông Hương trăn trở: Thực tế những người biết làm kèn Thổ hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc truyền trao cho lớp trẻ là trách nhiệm của chúng tôi. Tuy nhiên, lớp trẻ ngày nay không mấy mặn mà. Phần vì việc chế dăm kèn, khoét thân kèn đòi hỏi tỉ mẩn công phu, phần vì mối lo cơm áo gạo tiền khi mà quãng thời gian từ khi bắt đầu học làm kèn đến khi chế tạo được cây kèn cũng mất hàng tháng, có khi cả năm trời...
2
Chưa nói, để làm được một chiếc kèn ngoài đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ thì hơn hết phải có tình yêu với văn hóa Thổ, với âm nhạc của người Thổ.
1
Theo nghệ nhân Trương Sông Hương, với hàng chục năm theo đuổi với đam mê, ông không nhớ đã làm bao nhiêu loại nhạc cụ, trong đó nhiều nhất là kèn. Song mục tiêu đặt ra không phải để bán được giá, mà hơn hết đó là để nhân rộng, lan tỏa những người biết chơi, biết thưởng thức, từ đó góp phần lưu giữ nét đặc trưng của một loại nhạc cụ nói riêng, văn hóa của một dân tộc nói chung.

Quảng An

Kỹ thuật: Dương Tuân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Người lưu giữ chiếc kèn của người Thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO