Người mẹ Hiền nơi miền sơn cùng, thủy tận

“Là cô giáo cắm bản, sống xa con, tình thương của người mẹ như dồn hết cho các học trò. Các học trò cũng như con mình vậy! Chỉ mong con mình cũng được như các con ở đây”.


2018 đã là năm thứ 8 cô giáo Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi, quê ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) lên dạy học tại các điểm trường lẻ của xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

8 năm đó, với cô, đầy ắp niềm vui, dồn ứ chuyện buồn. Tất cả tạo nên một vòng quay bất tận, khó có thể đo đếm bằng thời gian, bằng những cơn lũ dữ phải chịu đói khát do thiếu thực phẩm, bằng những vết sẹo tím bầm do té ngã trên đường núi trơn trượt…

Năm học mới 2018-2019, sau 7 năm dạy ở những bản xa Nà Kho, Khăm 1, Khăm 2, cô được nhà trường chuyển về dạy ở bản Phà Coóng gần hơn.

Đường vào Phà Coóng chỉ dài bằng 30 phút đi xe máy trong mùa khô. Nhưng con đường đá dính đất lổm ngổm này có vô vàn ổ voi, những con dốc dựng đứng và những khe nước xiết. Mùa mưa, đường vào Phà Coóng dài hơn 1 buổi trời khi di chuyển cả bằng tay, chân.

Phà Coóng là một bản nghèo, ở xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Phà Cóng có 30 hộ người Khơ Mú và cũng chừng đó đứa trẻ. Trong đó có 16 trẻ đang học mầm non và 5 trẻ học lớp 1 tại điểm trường mầm non – tiểu học tại bản.

Những đứa trẻ ở Phà Coóng khi gặp người lạ, nếu mặc quân phục thì đồng thanh “Chào chú bộ đội biên phòng!”, còn nếu mặc thường phục thì đồng thanh “Chào thầy/cô giáo!”. Với những đứa trẻ này, chỉ có thầy cô giáo hoặc bộ đội biên phòng và thầy cô giáo, mới tìm đến bản của mình…

Ở điểm trường, lịch làm việc của cô giáo Hiền kín mít cả tuần. Giữa giờ dạy, cô còn tranh thủ giúp cô giáo mầm non nấu cơm canh cho trẻ mẫu giáo ăn bán trú. Hết giờ dạy, cô tranh thủ trồng rau, nuôi gà.

Bản không hàng quán, cô phải tự cung tự cấp phục vụ cuộc sống và còn vừa thêm vào bữa ăn nghèo nàn thiếu dinh dưỡng của các học trò. Buổi tối, dưới ánh đèn dầu, đèn tích điện, điện cù, cô lại tỉ mỉ soạn bài cho buổi học ngày mai…

Ở Phà Coóng, đời sống người dân rất khó khăn, ý thức và điều kiện chăm sóc trẻ  hạn chế. Việc học của các cháu, phụ huynh phó mặc cho các cô. Vì vậy, với những học trò của mình, cô giáo Hiền thực sự là người mẹ hiền. Không chỉ lo việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng và coi sóc học trò trên lớp, cô còn phải chăm chút các cháu từ miếng ăn, quyển vở, tấm áo. Cháu Moong Văn Toàn (học sinh lớp 1, điểm trường Phà Coóng) cho biết: “Áo em mặc, vở em viết cũng là của cô Hiền mua cho. Em ốm, cô đưa ra xã uống thuốc”.

Sự hy sinh của cô giáo cắm bản được người dân xã vùng cao Bắc Lý ghi nhận. Anh Mong Phò Hiệp, 41 tuổi, có con đang học tại điểm trường Phà Coóng cho hay: Dân bản thì nghèo, suốt ngày trên nương, trên rẫy, may mà nhờ  cô lo cho cháu. Cô Hiền dạy rất tốt, chăm cháu chu đáo. Các cháu học tại trường thì biết chữ, về nhà thì sinh hoạt nề nếp, biết giúp bố mẹ. Cảm ơn cô rất nhiều mà dân bản nghèo quá không có cái gì để đền ơn, chỉ có thể thi thoảng sang giúp cô sửa lại cái nhà ở, làm đồ chơi cho các cháu ở trường, gửi cô ít xôi ăn…”.

Một tuần lại sắp nối tiếp một tuần. Thời gian dành riêng cho gia đình, cho con của cô giáo Hiền là vào thời điểm cuối tuần (nếu không phải về điểm trường chính họp) với những cuộc điện thoại về quê. Nơi đó, con của các cô đang sống cùng bà ngoại, thiếu hơi ấm và tình thương của cha mẹ….

Công việc là niềm vui! Chuyện đời của cô giáo Hiền là chuỗi ngày buồn: Bố mất sớm, mẹ làm nông nuôi Hiền ăn học. Lớn lên chưa kịp báo hiếu mẹ ngày nào lại xa nhà 250 km, lên huyện miền núi Kỳ Sơn cắm bản dạy học.

Năm 2013, qua mai mối bạn bè, Hiền lấy chồng. Hương lửa chưa ấm, sau cưới 2 tháng, mang thai 2 tháng thì chồng của cô mất vì bạo bệnh… Con gái vừa vài tháng tuổi, Hiền nuốt nước mắt vào trong gửi lại nhờ mẹ đẻ nuôi, chăm để tiếp tục lên Kỳ Sơn dạy học. Bây giờ, mẹ cô giáo Hiền đã gần 70 tuổi, sức khỏe rất yếu sau 3 lần tai biến mạch máu não.

Mùa hè vừa rồi, Hiền xây được nhà gạch cho mẹ, cho con. Thương mẹ, thương con ở mãi trong căn nhà gỗ rách nát, cũ kỹ, cô giáo Hiền đánh liều vay ngân hàng 300 triệu làm nhà.

Bây giờ, đồng lương 7 triệu đồng của cô giáo được chia làm 3 phần. Một phần 4 triệu đồng dành để trả lãi ngân hàng, một phần để nuôi mẹ nuôi con, phần ít ỏi còn lại là nuôi mình và tiền xe thi thoảng về nhà. Tiền gốc vay là món nợ dài đeo đẳng chưa hẹn ngày trả….

Thức ăn hàng ngày của cô Hiền là vừng lạc, mắm nêm, dưa muối mặn chát, họa hoặn lắm mới có quả trứng, miếng thịt từ tăng gia. Cô giáo Hiền buồn buồn, tủi tủi: “Nhiều khi em yếu lòng lắm. Con thiệt thòi đi trẻ từ lúc lên 3, bây giờ 3 năm, em vẫn chưa được một lần đưa con đi khai giảng hay họp phụ huynh. Thương con, tủi phận nhưng tính chất công việc, trách nhiệm người giáo viên cắm bản thì mình phải chấp nhận và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cô Hiền bộc bạch nỗi lòng “con thì thả rông, mình thì đi chăm con người khác”. Ở bản, mình sống xa con, tình thương của người mẹ như dồn hết cho các học trò. Các học trò cũng như con mình vậy. Bây giờ, chỉ mong mẹ khỏe, con ngoan – con mình cũng được như các con ở đây, mong học trò miền núi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn của nhà hảo tâm”.

Thầy giáo Doãn Chí Trung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 kể: “Cô Nguyễn Thị Hiền là giáo viên trẻ, có đạo đức và năng lực tốt, ý thức trách nhiệm cao, luôn vì học trò, đã nhiều lần được huyện Kỳ Sơn khen thưởng. Nhớ có năm, ngày giỗ chồng đến, học trò không ai dạy ai chăm, cô Hiền không dám xin về, cho đến khi nhà trường biết chuyện bố trí người dạy thay….Là người luôn cố gắng vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Mới rồi, cô Hiền lập gia đình mới”.

“Em và chồng đến với nhau vì tình yêu” – cái tình yêu của cô Hiền nói đã vượt qua, cao hơn tình yêu nam nữ đơn thuần. Chồng cô là người cùng cảnh (bố mất sớm, nhà con một; vợ mất sớm, có 1 con trai năm nay 8 tuổi), là người cùng quê, chỉ cách nhà 2 km.

Trước khi nên vợ nên chồng, thực tế cô không biết gì nhiều về anh, chỉ nghe người mai mối và hàng xóm kể “Anh hiền, sống có nghĩa có tình. Gà trống nuôi con đã được 8 năm nay thì thấy nể”…

Trong cái chiều tím hoang hoải của miền biên giới sơn cùng thủy tận, người vợ – người mẹ – cô giáo Hiền nói về niềm mong mỏi hạnh phúc của mình: “Em chỉ mong chồng hiểu, thông cảm cho mình để rồi thường xuyên đi lại, chăm sóc được cả hai gia đình”.


Ý kiến bạn đọc(2)

  1. Dương Thị Thanh Nhàn

    Tôi đã từng đến nơi này trong các lần thiện nguyện của mình và bị ám ảnh bởi hoàn cảnh cô Hiền. Lúc tôi đến, nơi này còn hoang sơ hơn bây giờ, là chiếc máy phát điện chạy tành tạch ở trung tâm xã, là con đường chỉ lọt chiếc bánh xe vào bản Phia Khăm.
    Sau chuyến thiện nguyện tôi tìm đến nhà cô thì đúng hôm mẹ cô bị tai biến phải cấp cứu mà cô không thể về thăm ngay được, đường quá nguy hiểm và cách trở. Ngôi nhà lúc ấy của mẹ con cô ở thực sự xơ xác và thương tâm. Một mẹ già, một con thơ nương tựa vào nhau, chờ ngày cuối tuần thỉnh thoảng mẹ/con về.


    Từ dạo đấy đến nay, tôi luôn canh cánh trong lòng về số phận cô Hiền, mẹ cô, con gái cô… Tôi tự hỏi, với hoàn cảnh như vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo sao không có một hành động nhân văn hơn là thuyên chuyển cô về một trường học gần nhà hơn, để cô có thể gần mẹ, gần con… chăm sóc cho mẹ già, con thơ. Tôi từng kể chuyện này với bạn bè tôi tại Hà Nội và nhiều bạn bè tôi đang là giảng viên tại các Đại học tại Hà Nội đã có những lần tới Bắc Lý vì những đứa trẻ nơi này, và cũng chỉ để gặp người con gái giàu nghị lực này để tự tìm cho mình một lẽ sống ý nghĩa hơn giữa nơi ồn ào phố thị.

    Đợt vừa rồi tôi lại tìm về và mừng hơn vì cô đã có nhà mới, và cô sắp sửa tái hôn với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Tôi không nói được cảm xúc của mình vì lựa chọn mai mối ấy, có thể là lựa chọn vì quá xa mẹ , xa con nên phải có người để chăm sóc thay mình? Tôi suy nghĩ rất nhiều về quyết định ấy, có thể là sự đưa đẩy của số phận… nhưng nét đượm buồn trên đôi mắt cô con gái (Minh Thư) luôn đằng đẵng xa mẹ khiến tôi đau lòng vô cùng.

    Tôi hi vọng quý báo có thể gửi bài viết này, gửi ý kiến của tôi tới lãnh đạo Tỉnh, Huyện để sắp xếp cho cô Hiền được gần mẹ, gần con hơn. Đừng để một người con gái tuổi 9X phải gánh vác quá nhiều, và bất kể ai khi gặp cô ấy, những đứa trẻ miền sơn cước xa xôi vẫn bị ám ảnh như mình đang nợ cuộc sống!

    Đã hơn 7 năm tuổi thanh xuân đằng đẵng cống hiến nơi núi rừng hoang hoải, bây giờ có lẽ là lúc cần được bù đắp để thể hiện tính nhân văn của người làm lãnh đạo và của ngành giáo dục Tỉnh nhà?

    Tôi tha thiết mong chờ sự nhân văn của lãnh đạo và của các đồng nghiệp của cô Hiền!

  2. Đào Duy Huy

    Thương e quá