"Người mẹ hiền thứ hai"
(Baonghean.vn) - Năm học 2009-2010, lần đầu tiên Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An tuyên dương danh hiệu Giáo viên chủ...
(Baonghean.vn) - Năm học 2009-2010, lần đầu tiên Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An tuyên dương danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nhiều giáo viên có tâm với nghề xem đây là cột mốc để phấn đấu trong nghề dạy học. Tôi nhận thấy, để trở thành giáo viên chủ nhiệm giỏi còn khó hơn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Ở trường, giáo viên chủ nhiệm là người được giao nhiệm vụ theo dõi quản lý học sinh của lớp mình. Do đó giáo viên chủ nhiệm, sau cha mẹ học sinh, là người hiểu học sinh mình nhất.
Trong những năm làm công tác chủ nhiệm, tôi nhận thấy rằng: Người giáo viên chủ nhiệm nào chăm lo tới lớp của mình và có năng lực tổ chức quản lý lớp thì lớp đó bao giờ cũng ngoan hơn, nề nếp hơn. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi một vài ý kiến về giáo viên chủnhiệm lớp...
Người giáo viên nào đứng lớp cũng cần có cái "uy". Nhưng cái uy của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh thì cần hơn. Uy là uy tín, là lòng kính trọng tin yêu, là lòng khâm phục, sự ngưỡng mộ của trò đối với thầy... Thầy có uy thì thầy bảo, thầy nói, thầy dạy trò mới vâng theo. Theo tôi, cái "uy" được hình thành từ những điều ngỡ như nhỏ nhất. Đó là lời nói, việc làm, hành động, là trang phục, tư thế, tác phong, cách thức cư xử... và sự hấp dẫn, lôi cuốn trong từng tiết học.
Bên cạnh cái uy thì phải nói tới chữ "tâm" của giáo viên chủ nhiệm. Chữ "tâm" là lòng thương yêu học trò đích thực, là sựtâm huyết với công việc của mình. Người giáo viên chủ nhiệm cần phải quản lý lớp, giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, sự thông cảm và chia sẻ. Kinh nghiệm của bản thân tôi: Học sinh từ nhỏ đến lớn yêu quý thầy cô nào thì thích học, thích vâng lời, làm theo thầy cô ấy.
Một vấn đề khác đặt ra đối với giáo viên chủ nhiệm là công tác tổ chức quản lý lớp. Trong công tác tổ chức lớp có nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi, việc xây dựng "Vai trò tự quản của học sinh" là quan trọng nhất. Nếu ta biết phát huy vai trò tự quản của từng học sinh, của từng tổ trong lớp thìmọi hoạt động của học sinh sẽ tốt hơn. Cái khó của phong trào tự quản là việc phát hiện nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, là việc xây dựng tổ chức thi đua, xây dựng nhân tố điển hình tiên tiến...
Từ nhận thức về vai trò của giáo viên chủ nhiệm như trên, tôi nghĩ, người giáo viên chủ nhiệm như "Người mẹ hiền thứ hai". Người mẹ ấy là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho học trò.
Bùi Hoa