Người Mông chữa bệnh như thế nào?
(Baonghean.vn) - Người Mông chữa bệnh như thế nào, là một trong những câu hỏi được nhiều người đặt cho tôi nhất, với tư cách là một người Mông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề thầy cúng (muaj qhua neeb) và là một sinh viên đại học với nhiều kiến thức khoa học.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu về quan niệm cơ thể sống ở người Mông: Một cơ thể sống sẽ bao gồm: lub cev- phần thể xác và tus ntsuj tus plig - phần tâm hồn và linh hồn. Cơ thể khỏe mạnh bình thường là trạng thái khỏe mạnh cả về mặt thể xác và tâm hồn. Một người ốm có thể là do tổn thương về mặt thể xác hoặc tổn thương về mặt tâm hồn hoặc cả hai.
Một khi thể xác lub cev bất thường, người đó sẽ có những ốm đau, bệnh tật có biểu hiện rõ ràng, có thể chẩn đoán và can thiệp bằng thuốc thang và các phương pháp khám, chữa can thiệp khác. Còn một khi tâm hồn và linh hồn tus ntsuj tus plig gặp vấn đề, người đó sẽ có những ốm đau phức tạp hơn, khó thăm khám hơn. Những ốm đau do phần tâm hồn gây ra thường có hai kiểu dạng: (i) tâm: người ốm luôn trong trạng thái tâm lý không bình thường: luôn bất an hoặc dễ nóng giận - điều này tương đối giống với cách hiểu về chăm sóc sức khỏe tinh thần (mental health); (ii) linh: những người ốm phức hợp, chữa chỗ này chưa xong đã ốm lan ra chỗ khác, ốm vặt vãnh, ốm không thể tìm ra lý do khám, chữa dứt điểm.
Nguyên lý chữa bệnh cơ bản là làm sao khắc phục được nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình thường của cơ thể sống. Một người ốm do tổn thương về mặt cơ thể vật lý sẽ cần được chăm sóc bằng thuốc thang. Theo truyền thống, người Mông có thầy thuốc kws tshuaj -những người dựa vào kiến thức được lưu giữ nhiều đời và sự chỉ dẫn của thần linh có thể chẩn đoán và bốc thuốc dựa trên các yếu tố tự nhiên để giúp cơ thể vật lý phục hồi nguyên trạng. Ví dụ: Một người bị mất máu do va chạm sẽ cần được chăm sóc vết thương bằng các loại nước chiết xuất từ thực vật có tính sát trùng cao như cải mèo zaub ntsuab haychàm nkaaj; đồng thời, bổ máu bằng các món ăn bổ máu như canh taab kib. Còn trong bối cảnh hiện đại ngày nay, người ốm do tổn thương thể xác sẽ được đưa đến hệ thống chăm sóc y tế - bệnh viện để được thăm khám, chữa trị.
Trong khi đó, một người ốm do tổn thương về mặt tâm hồn cần được lắng nghe, giải quyết bởi thầy cúng txiv/naam neeb bằng lễ cúng ua neeb.
Txiv/naam neeb có nghĩa gốc là bố hoặc mẹ của neeb - một thế lực siêu nhiên có khả năng kết nối giữa thế giới sống yaaj ceeb với thế giới chết yeeb ceeb và thế giới siêu nhiên qaum ntuj. Theo đó, txiv neeb hay naam neeb là một người sống bình thường nhưng phần tâm hồn được gắn kết với những vị khách siêu nhiên khua neeb có sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ, giải quyết các rắc rối liên quan đến phần tâm hồn của con người tus ntsuj tus plig.
Một người ốm do tổn thương về tâm hồn cần được lắng nghe và giải quyết bởi thầy cúng txiv neeb hay naam neeb. Người thầy cúng này, sau khi đã hiểu rõ vấn đề bằng cách thăm khám cơ bản hoặc thông qua sự chỉ dẫn của khua neeb trong những nghi lễ cơ bản saib yais, sẽ quyết định cách thức chữa trị cho người ốm. Đôi khi chỉ cần một lễ hu plig để an ủi người ốm rằng, người đó có được tình yêu mến, sự tôn trọng và lòng mong mỏi được bình an từ các thành viên trong gia đình cả về mặt thể xác và tâm hồn. Thông qua lễ hu plig và những lời chúc, lời căn dặn của thầy cúng, người tổn thương tâm hồn sẽ được lắng nghe, được chia sẻ và thấu hiểu. Nhưng cũng có những khi nguyên nhân dẫn đến ốm đau, bệnh tật có thể đến từ việc phần linh hồn tus plig đi lạc khỏi thể xác lub cev, khi đó, chắc chắn cần những lễ cúng ua neeb để đi đón phần hồn tus plig này quay trở về. Tùy vào độ phức tạp của hành trình của tus plig đi lạc mà các lễ cúng ua neeb cũng có độ phức tạp khác nhau. Nhưng nguyên lý cơ bản của lễ cúng là những vị khách siêu nhiên khua neeb dưới sự chỉ đạo của thầy cúng txiv/naam neeb sẽ tìm đến và đón phần linh hồn tus plig của người ốm trở lại với thể xác lub cev.
Trong thực tế, có những trường hợp ốm đau là do tổn thương cả về thể xác và tinh thần. Khi đó, người ốm cần được chăm sóc, thăm khám bằng cả thuốc thang, can thiệp y tế và lễ nghi.
Với người Mông, thầy thuốc kws tshuaj và thầy cúng kws neeb luôn là một cặp song hành, không cái nào quan trọng hơn cái nào. Hai năng lực này do chính Đấng Tạo Hóa Yawm Saub Puj Saub đã giao phó cho con trai út của họ là thần Siv Yis trực tiếp đem xuống truyền dạy cho nhân gian để cứu khổ, cứu nạn và giữ cho thế giới sống được bình an trong trật tự của nó. Đôi khi, con người thường bỏ quên sự song hành của hai vị thầy này mà cố gắng tách nó ra làm hai nhánh tưởng như rất xung khắc với nhau. Điều đó có thể để lại những hậu quả khôn lường, mà hậu quả cao nhất, nhãn tiền nhất là những cái chết oan uổng do không được chữa trị đúng cách.
Câu chuyện nổi tiếng nhất của việc mâu thuẫn giữa hai cách chữa bệnh của thầy cúng và thầy thuốc là câu chuyện của nhân vật có thật tên là Lia. Em sinh ra trong một gia đình người Mông nhập cư vào Mỹ vào những năm 1980. Lia liên tục bị động kinh quag dab peg. Bố mẹ và các thầy cúng trong làng thì hiểu là Lia có những tổn thương về mặt linh hồn tus plig và cần được chăm sóc thông qua các lễ nghi; còn hệ thống y tế hiện đại ở Mỹ thì cho rằng, đây là một căn bệnh động kinh cơ bản và cần được chữa trị bằng thuốc và can thiệp y học hiện đại. Do bất đồng ngôn ngữ và quan điểm, cả bố mẹ Lia và hệ thống y tế hiện đại ở Mỹ đều khăng khăng chữa cho Lia theo cách của họ và ra sức phản đối cách của đối phương. Bố mẹ Lia liên tục phản đối việc các bác sĩ truyền thuốc, tiêm thuốc và cho Lia uống quá nhiều thuốc, họ cho rằng, việc đó chỉ càng khiến em ấy thêm ốm yếu. Còn hệ thống y tế xã hội của Mỹ cho rằng, bố mẹ cô bé bạo hành và không đủ năng lực chăm sóc cho cô đến mức can thiệp bằng pháp luật và tách cô khỏi bố mẹ để giao cho nhà người Mỹ khác chăm sóc bằng kỹ thuật y học hiện đại. Cuối cùng, Lia chết. Anna Fadiman sau đó đã kể lại hành trình đầy đau khổ của cô bé trong cuốn sách lừng danh The Spirits catches you and you fall down. Câu chuyện của Lia là không hiếm và tương đối điển hình ở người Mông trong bối cảnh hiện nay.
Đã từng có rất nhiều người phụ nữ Mông từ chối đến các trung tâm y tế và bệnh viện để sinh đẻ vì những trung tâm y tế và bệnh viện này cấm việc họ mang nhau thai của bé về để đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ. Nhưng họ không biết rằng, với những người Mông theo tín ngưỡng truyền thống, việc nhau thai của một đứa trẻ được chôn cất trong nhà là bắt buộc, vì nếu không, những vị thần của người Mông sẽ không thể nhận diện được sự có mặt của đứa trẻ này trên thế giới và không phân cử được phần linh hồn tus plig xuống để nhập vào thể xác lub cev của đứa bé. Những đứa bé này, sau đó một thời gian sẽ đau ốm và chết vì chỉ được sinh ra thể xác mà không có linh hồn. Nhưng, thật may mắn, ngày nay đa phần các trung tâm y tế và bệnh viện ở các vùng có người Mông sinh sống đã nắm bắt được điều này, do đó, chương trình khuyến khích phụ nữ đi sinh ở trung tâm y tế đã đảm bảo sẽ trả nhau thai theo yêu cầu của các gia đình. Điều này đã tăng nhanh chóng tỷ lệ phụ nữ đến sinh đẻ ở các trung tâm y tế và bệnh viện.
Tất cả những điều này rút ra cho cả những người Mông và các nhà làm chính sách, cùng hệ thống y tế một bài học cực kỳ quan trọng của việc cần có sự tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hướng đến việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho người đau ốm bằng cả chăm sóc y tế hiện đại và đảm bảo chăm sóc sức khỏe tâm linh. Khi một người Mông đau ốm, họ cần sự tham gia của cả hệ thống thầy thuốc, y tế và bệnh viện hiện đại cùng những sự an ủi về tinh thần và đảm bảo về mặt niềm tin thông qua các nghi lễ theo tín ngưỡng của cộng đồng.