Người Mông ở Tây Sơn phát triển kinh tế xanh từ cây sa nhân tím
Cây sa nhân tím – vốn được ví như “vàng tím” của rừng sâu đang trở thành sinh kế mới cho người Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
.jpg)
Từ nhiều năm nay, quả sa nhân tím được người dân vùng cao Kỳ Sơn ví như “vàng tím” của rừng già. Vào mùa thu hoạch, đồng bào Mông ở Tây Sơn lại lội suối, vượt dốc vào rừng sâu hái quả sa nhân. Giá thu mua dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg tươi, nếu phơi khô, con số ấy lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg. Mỗi mùa sa nhân, có người bán được cả chục triệu đồng từ thu loại quả thảo dược này…
Ông Mùa Xái Cồ, người dân bản Lữ Thành cho biết: “Cây sa nhân trước đây trong rừng sâu nhiều lắm. Độ tháng 7, tháng 8 là cho hái quả. Chúng tôi đi rừng, hái về nhập cho thương lái. Hộ nào đi rừng chuyên cần, chịu khó thì cũng có thu nhập 5-10 triệu đồng/mùa từ loại quả này”.
.jpg)
Nhưng những năm gần đây, sa nhân rừng ngày càng khan hiếm. Chính vì thế, nhiều hộ dân trong bản đã nghĩ ra cách đưa cây sa nhân về trồng trên nương, rẫy quanh nhà.
Ông Mùa Bá Lữ - Bí thư chi bộ bản Lữ Thành (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn) cho biết: “Trong bản, có nhiều hộ đưa sa nhân từ rừng về trồng gần nhà. Điển hình như hộ anh Mùa Bá Dờ, Mùa Bá Vừ… đã có hàng nghìn cây sa nhân tím được trồng xen trong vườn đào, sinh trưởng tốt”.
Nắm bắt được lợi thế đó, năm 2024, xã Tây Sơn triển khai mô hình trồng sa nhân tím với quy mô lớn, nằm trong Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
.jpg)
Với tổng kinh phí hỗ trợ 660 triệu đồng, 70 hộ nghèo, cận nghèo người Mông trên địa bàn xã được cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Gần 70.000 cây sa nhân tím đã được trồng xen trong vườn đào, dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh và rừng trồng 2-3 năm tuổi. Tỷ lệ cây sống đạt hơn 95%.
Ông Mùa Bá Phềnh, bản Lữ Thành, chia sẻ: “Trước phải vào rừng xa lắm, vất vả mà cũng không có nhiều. Giờ có cây giống hỗ trợ, trồng ngay trên rẫy mình, cây lại dễ sống, chỉ cần phát quang là lên xanh tốt”. Quả thật, loại cây này không kén đất, dễ trồng, ít sâu bệnh, mỗi năm chỉ cần bón phân một lần, lại có khả năng sinh trưởng “nhảy cụm” – một khi bén rễ sẽ phát tán thành bụi lớn, lấn át cỏ dại, phủ kín mặt đất.

Theo tính toán, với năng suất ước đạt 1-1,5 tấn quả tươi/ha/năm, khi cây bước vào giai đoạn thu hoạch ổn định (từ năm thứ 3 trở đi), người trồng có thể thu về 50 – 70 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, sa nhân tím còn góp phần giữ rừng. Do chứa nhiều nước, thân mềm, loại cây này giúp giảm nguy cơ cháy rừng trong mùa khô. Bộ rễ phát triển ngang giúp giữ đất, chống xói mòn. Trồng xen với đào, chè hay dưới tán keo còn tạo nên một hệ sinh thái thảm thực vật đa tầng, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt.
Ông Vừ Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, cho biết: “Dự án đã thổi luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp của xã. Bà con rất phấn khởi, vì có cây dễ trồng, dễ bán, lại gắn với bảo vệ rừng, phù hợp điều kiện tự nhiên nơi đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, hướng tới hình thành vùng chuyên canh sa nhân tím tại Tây Sơn”.

Khi xu hướng tiêu dùng dược liệu tự nhiên ngày càng tăng, đặc biệt với những loại có giá trị y học như sa nhân tím được sử dụng trong Đông y để chữa các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, kháng viêm thì việc phát triển vùng nguyên liệu ở miền núi như Tây Sơn là rất cần thiết. Trên nương rẫy cao ở Kỳ Sơn, những bụi sa nhân tím đang bén rễ, lên xanh dưới tán rừng, mang theo niềm hy vọng thoát nghèo từ loại thảo dược bản địa này…/.