Người Nghệ An 'liều mình' làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ chui

10/01/2017 09:07

(Baonghean) - Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đang có những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép và thực hiện “chui”. Bên cạnh đó, còn có nhiều cơ sở thẩm mỹ làm đẹp thực hiện nhiều dịch vụ phun, xăm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thẩm mỹ viện hoạt động “chui”

Trước thông tin phản ánh về thực trạng lĩnh vực làm đẹp, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, Sở Y tế vừa phối hợp cùng Công an tỉnh thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp ở TP. Vinh. Sau 3 ngày kiểm tra, đoàn đã phát hiện 1 cơ sở sai phạm. Đó là phòng khám tạo hình thẩm mỹ bác sỹ Vũ Thái Hùng, ở xã Hưng Lộc, TP. Vinh.

Trên trang Facebook cá nhân của bác sỹ Hùng thường xuyên đăng tải quảng bá hình ảnh bệnh nhân sau khi được bác sỹ này phẫu thuật thẩm mỹ mũi, mắt, cằm. Tại thời điểm kiểm tra đột xuất, phòng khám thẩm mỹ không thực hiện hoạt động chuyên môn.

Tuy nhiên, ở phòng khám có nhiều dấu hiệu 1 có bệnh nhân vừa được tiểu phẫu thẩm mỹ. Qua kiểm tra, đoàn đã ghi nhận có khá nhiều dụng cụ tiểu phẫu ở phòng khám rỉ sét, cáu bẩn, không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, phòng khám này chưa được Sở Y tế cấp phép.

Phòng khám phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không phép của bác sỹ Vũ Thái Hùng. Ảnh: Thanh Sơn
Phòng khám phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không phép của bác sỹ Vũ Thái Hùng. Ảnh: Thanh Sơn

Bác sỹ Vũ Thái Hùng thừa nhận: “Hiện nay, phòng khám đang trong quá trình thay đổi giấy phép, chờ quyết định của Sở Y tế. Ở phòng khám, tôi chỉ thực hiện tiểu phẫu xóa nốt ruồi, cắt mí; còn trung phẫu, đại phẫu thì thực hiện ở bệnh viện, đảm bảo vệ sinh. Đúng ra thì tôi phải chờ đầy đủ giấy tờ mới được làm”.

Bác sỹ Hùng cho biết thêm: “Bản thân tôi có bằng thạc sỹ tạo hình thẩm mỹ và tham gia vào ban soạn dự thảo Luật Tạo hình thẩm mỹ”.

Thời điểm này, trên địa bàn có một số cơ sở thẩm mỹ viện “mạo danh” đang hoạt động và tích cực quảng bá về các dịch vụ tạo hình thẩm mỹ dù không được cấp phép. Theo thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, hiện ở tỉnh ta mới chỉ có 1 bệnh viện, 1 phòng khám được cấp phép phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Kiểm tra ở 1 bệnh viện, 1 phòng khám đã được cấp phép cho thấy các điều kiện hoạt động đều đảm bảo tốt: có nơi đón tiếp người bệnh, khách hàng; có buồng khám bệnh, chữa bệnh; buồng lưu người bệnh; buồng thủ thuật... Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật nơi đây là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ.

Rất đáng buồn, cả 2 cơ sở được cấp phép lại khá “đìu hiu” khách đến làm đẹp. Ngược lại, nhiều cơ sở không phép lại hút khách, mặc dù chi phí dịch vụ không chênh lệch nhiều.

Dịch vụ phun xăm ở cơ sở làm đẹp số 311 Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Sơn
Dịch vụ phun xăm có ở nhiều cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Văn Cừa (Thành phố Vinh). Ảnh: Thanh Sơn

Loạn cơ sở làm đẹp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ - làm đẹp. Chỉ tính riêng trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh đã có trên 10 cơ sở làm đẹp, tồn tại với các tên gọi như spa, thẩm mỹ viện, chăm sóc da, massage...

Hầu như ở các cửa hàng này đều quảng cáo và thực hiện những dịch vụ nghe qua rất “hoành tráng” như điều trị nám da bằng tia laser, tắm trắng bằng đèn chiếu, xăm, xóa xăm và phun môi, lông mày... Tuy nhiên, phần đa các chủ cơ sở hoặc nhân viên thẩm mỹ đều không có chứng chỉ chuyên môn được thừa nhận.

Nếu có thì chỉ mỗi người chủ quản lý cơ sở là có các chứng chỉ y khoa, còn các nhân viên thì “truyền nghề” lại và thực hành ngay trên khách hàng.

Ông Trương Xuân Thịnh, quản lý Thẩm mỹ viện Mailisa ở đường Ngư Hải, TP. Vinh cho biết: “Bản thân tôi là bác sỹ thì được đào tạo chăm sóc da, răng – hàm - mặt ở Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Còn nhân viên ở đây được tôi đào tạo chuyên môn. Sau đào tạo, có chuyên môn “cứng”, nhân viên sẽ thực hiện tư vấn cho khách hàng. Việc lựa chọn như thế nào thì tùy khách hàng. Khách hàng phải là người thông minh”.

Dụng cụ tiểu phẫu hoen rỉ bị phát hiện trong đợt kiểm tra. Ảnh: Thanh Sơn
Dụng cụ tiểu phẫu hoen rỉ bị phát hiện trong đợt kiểm tra. Ảnh: Thanh Sơn

Lỗ hổng trong quản lý

Phẫu thuật thẩm mỹ được hiểu là những can thiệp có khoa học và chủ đích bằng dao kéo, tia, kim tiêm… lên cơ thể nhằm mục đích làm đẹp. Đối với công nghệ phun, xăm môi và lông mày, thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Các dịch vụ nói trên thực tế đều can thiệp vào cơ thể con người, song lại không thuộc danh mục điều chỉnh của ngành Y tế. Vì nằm ngoài phạm vi quản lý, vậy nên đoàn kiểm tra không có cơ sở để xử lý.

Trong công tác quản lý các cơ sở làm đẹp có các dịch vụ tia, phun, xăm đang có lỗ hổng lớn gây lúng túng trong việc quản lý. Theo quy định hiện hành, các cơ sở làm đẹp thuộc ngành nghề kinh doanh không có điều kiện.

Để đi vào hoạt động, các cơ sở spa, thẩm mỹ chỉ cần xin giấy phép hoạt động do phòng tài chính - kế hoạch của các địa phương cấp, và khi treo biển quảng cáo thì có xin phép phòng văn hóa - thông tin... Nhiều người vẫn đang hiểu lầm các cơ sở làm đẹp đều đã được ngành Y tế cấp phép nên yên tâm sử dụng dịch vụ có xâm hại vào cơ thể. Trong khi đó, hầu hết các dụng cụ làm đẹp ở nhiều cơ sở rất mất vệ sinh.

Dụng cụ phun xăm tại một cơ sở làm đẹp không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thanh Sơn
Dụng cụ phun xăm tại một cơ sở làm đẹp không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thanh Sơn

Ở một số tỉnh, thành trong nước cũng đã xảy ra những hệ lụy đáng tiếc do sử dụng dịch vụ ở các cơ sở làm đẹp, điển hình như vụ tử vong tại Thẩm mỹ viện Linh Nhung (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) do xóa sẹo; vụ tử vong tại Thẩm mỹ viện Hà Nội (ở B3 - 257 Giải Phóng, Hà Nội) do phẫu thuật xẻ mí mắt và nâng ngực; hay trường hợp chị Nguyễn Thị H, 23 tuổi ở Quảng Ninh sử dụng dịch vụ bơm môi tại Spa Yanhee Clinnic (ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ môi vào cuối tháng 4/2016...

Ông Hồ Sơn - Chánh Thanh tra Sở Y tế kiến nghị: “Để làm tốt công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ, các cấp, ngành phải vào cuộc, trả lời rõ các dịch vụ tia, phun, xăm có ảnh hưởng sức khỏe hay không? Nếu có, phải đưa vào danh mục quản lý có điều kiện; nếu không, các cơ sở cũng phải đăng ký dịch vụ để các cấp, ngành quản lý. Ngành Y tế Nghệ An đã nhiều lần có ý kiến lên Bộ Y tế về vấn đề này. Đối với người dân có nhu cầu làm đẹp bằng tạo hình thẩm mỹ, phải tỉnh táo lựa chọn đến các cơ sở đã được ngành Y tế cấp phép để đảm bảo sức khỏe”.

Các bác sỹ khuyến cáo: Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe như nhiễm trùng tại chỗ xăm; dị ứng mực xăm; lây các bệnh truyền nhiễm... Vì nhiều lý do, phun, xăm khó đem lại hiệu quả thẩm mỹ như ý. Việc xóa phun, xăm cũng không hề dễ dàng và đơn giản, kể cả biện pháp dùng tia laser, nguy cơ bị bỏng, để lại sẹo rất cao..


Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người Nghệ An 'liều mình' làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ chui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO