Người Nghệ với chủ quyền biển, đảo

Trần Mạnh Cường 12/02/2024 06:55

(Baonghean.vn) - Trong số 5 trước tác đầu tiên viết về “Bãi Cát Vàng” thì đã có tới 4 trước tác do người Nghệ An là tác giả (hoặc đồng tác giả). Đây thực sự là niềm tự hào lớn lao của đất và người xứ Nghệ.

Trong rất nhiều tác phẩm địa dư viết về Hoàng Sa - Trường Sa đều có sự đóng góp cực kỳ lớn của các trí thức người Nghệ. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts) có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý góp phần rất lớn vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Sa và Trường Sa với tên gọi chung là “Bãi Cát Vàng” là 2 quần đảo nằm trên Biển Đông thuộc chủ quyền nước ta từ xưa tới nay. Đây là cái tên dân gian mà người dân xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô lớn tại Biển Đông. Sau này một số nho sĩ đã dịch cụm từ đó sang chữ Hán là Hoàng Sa, Hoàng Sa chử… Đến cuối thế kỷ XVIII với sự trưởng thành của ngành khoa học hàng hải nói chung và ngành đo đạc bản đồ biển nói riêng, người ta mới tách bạch “Bãi Cát Vàng” thành 2 quần đảo riêng biệt.

Quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc, người phương Tây gọi là Paracels Islands; quần đảo Trường Sa ở phía Nam, họ gọi là Spratly Islands. Còn những cái tên như “Tây Sa”, “Nam Sa” rồi “Tam Sa” mà người Trung Hoa đặt ra trong thế kỷ XX để gọi “Bãi Cát Vàng” của Việt Nam chỉ là những “ngụy ngữ” nhằm hợp lý hóa cho việc xâm lấn nhằm chiếm đóng lâu dài mà thôi. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa và phù hợp với luật pháp quốc tế ngày nay.

hoang-sa-truong-sa-la-cua-viet-nam-809.jpg
Nguồn: Tư liệu

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được các danh nhân xứ Nghệ khẳng định sớm và liên tục

Từ tác phẩm đầu tiên là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo viết năm 1686, đến tác phẩm Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt viết năm 1774, hay Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh viết năm 1774, Đại Việt sử ký tục biên của Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du (đồng biên soạn) hay những bộ chính sử của triều Nguyễn sau này, các trí thức xứ Nghệ kể trên đều có những ghi chép, mô tả rõ ràng về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư chính là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam (cũng như cả thế giới lúc bấy giờ) có phần nhắc tới việc làm chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Đặc biệt nhất chính là việc Nho sĩ Đỗ Bá Công Đạo đi thực tế và biên soạn, hoàn thành theo lệnh của chúa Trịnh và dâng lên chúa vào những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) có thể coi là văn kiện của Nhà nước - một trước tác chính thức cấp Nhà nước.

Và cũng từ tên gọi “Bãi Cát Vàng” tức tên gọi nôm na mà dân gian xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay đã được các nho sĩ của xứ Đàng Ngoài sau này chuyển âm sang chữ Hán là “Hoàng Sa chử” hay gọi tắt là “Hoàng Sa” và chính thức sử dụng tên gọi này trong các bộ chính sử hay địa dư nổi tiếng bấy giờ như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ.

thien-nam-tu-chi-lo-do-thu-4693.jpg
Bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Chú thích trên bản đồ này có ghi địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi.

Tiếp sau đó, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt đã vẽ bộ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ từ trước niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 và hoàn chỉnh dâng lên chúa Trịnh trước khi diễn ra cuộc Nam tiến năm 1774. Sau khi chiếm được Phú Xuân, thì đây là lần đầu tiên quân Trịnh chiếm được kinh đô của chính quyền Đàng Trong và đưa quan lại vào trấn trị, và cũng nhờ đó mà lần đầu tiên người xứ Đàng Ngoài được tự do tìm hiểu và viết về xứ sở Đàng Trong nhiều đến như vậy.

Chính vì vậy, nhiều nho sĩ ở Bắc Hà ngoài các hoạt động chính trị, quân sự, họ đã thu thập tư liệu của các nho sĩ Nam Hà và điền dã thực tế tại các địa phương xứ Đàng Trong để viết nên những bộ địa dư có giá trị, trong đó có Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, với thời gian biên soạn từ khoảng năm 1774 đến năm 1785 đã nói đến Hải đội Hoàng Sa đã xuất hiện và hoạt động từ sớm, ít nhất phải trước những năm 1774 - 1785.

Các tác giả đều sinh ra lớn lên tại mảnh đất Nghệ An, không phải là địa phương quản lý hành chính “Bãi Cát Vàng”, tuy nhiên, họ luôn xem phần lãnh thổ, lãnh hải của Đàng Trong đều là phần máu thịt của Tổ quốc và dân tộc. Chính vì vậy, họ đều có trách nhiệm bảo vệ, ghi chép rất sớm, đầy đủ, nghiêm túc, liên tục, xuyên suốt, đồng nhất. Qua đó, có thể thấy, việc quản lý “Bãi Cát Vàng” dưới thời các chúa Nguyễn đã trở thành một hệ thống rất chặt chẽ và quy củ, và quan trọng hơn là ý thức của người Việt đối với lãnh thổ và lãnh hải không phân biệt thể chế hay quan điểm chính trị, khẳng định quyền làm chủ của người Việt đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước thế kỷ XVII.

ban-do-trong-quang-thuan-dao-su-tap-326.jpg
Một số bản đồ trong Quảng Thuận đạo sử tập.

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và việc quản lý, khai thác của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được các danh nhân xứ Nghệ ghi chép khách quan, đồng nhất

Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo đã mở ra việc ghi chép và mô tả “Bãi Cát Vàng” một cách chân thực và đầy đủ: “Nhô lên giữa biển (khoảng giữa) cửa biển Đại Chiêm tới cửa biển Sa Vinh. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển tới đây mất một ngày rưỡi, còn từ cửa Sa Kỳ tới đây mất nửa ngày”, phạm vi diện tích là: “chừng 400 dặm và rộng 200 dặm”, điều kiện tự nhiên là: “Cứ mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía gần bờ đều trôi dạt ở đây, còn khi có gió Đông Bắc…”, hoạt động liên quan là: “các thuyền buôn đi ở phía ngoài khơi cũng bị trôi dạt ở đây, và đều bị chết đói cả. Hàng hóa vật phẩm đều bỏ lại ở đó cả”; đồng thời quan trọng nhất là khẳng định sự quản lý và làm chủ của chính quyền họ Nguyễn ở xứ Đàng Trong: “Cứ đến tháng cuối đông hàng năm, họ Nguyễn đều đưa 18 chiếc thuyền tới đây”, và việc khai thác biển đảo của người Việt là “để lấy hàng hóa, phần nhiều thu được các loại vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

Tác phẩm này đã cung cấp những thông tin hết sức cơ bản về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, và chủ quyền của chính quyền Phú Xuân đối với “Bãi Cát Vàng”. Những phần chú ở đây khá chính xác, mặc dù bên cạnh đó một vài số liệu về chiều dài, chiều rộng và khoảng cách xa bờ còn có tính ước lệ. Điều này có thể hiểu được bởi Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo vẽ bản đồ trong điều kiện đang là một “gián điệp” của chính quyền chúa Trịnh nên phải tiến hành trong bí mật, và thiếu thốn nhiều công cụ cũng như phương tiện. Nhưng những thông tin như vậy, đều cho thấy tính chất nghiêm túc và tỉ mỉ của tác giả.

Giáp Ngọ niên bình Nam đồ vẽ và chú thích “Bãi Cát Vàng” lại cực kỳ đơn giản và không hề có một chú thích nào ngoài 3 chữ Nôm “Bãi Cát Vàng”, nên đã không có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sự quản lý và xác lập chủ quyền của chính quyền Phú Xuân cũng như không ghi chú về Hải đội Hoàng Sa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây vốn là “Đồ” (bản đồ) chứ không phải “Đồ Thư” (Bản đồ và sách vở).

Hơn nữa, tác phẩm này lại thuần túy mục đích quân sự mà không phải là một tác phẩm địa dư hay lịch sử, chính vì vậy, tác giả Đoan Quận công Bùi Thế Đạt chỉ tập trung mô tả và vẽ những điểm liên quan mật thiết đến hoạt động quân sự như đồn, lũy, vệ,… Bộ bản đồ này chỉ phục vụ mục đích quân sự là chính, vậy tại sao “Bãi Cát Vàng” lại được vẽ và chú thích đầy đủ như vậy?

Ta biết rằng, dưới thời các chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Hoàng Sa để khai thác các lợi ích kinh tế, bên cạnh đó, đội Hoàng Sa còn có nhiệm vụ sẵn sàng ứng chiến nếu như có sự xâm phạm từ bên ngoài. Qua đây ta thấy rõ được sự quản lý Hoàng Sa - Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn đã đạt tới mức độ hoàn thiện cả về hệ thống cũng như quy chế. Chính vì vậy, Đoan Quận công khi vẽ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ đã không thể bỏ sót một khu vực vô cùng quan trọng như “Bãi Cát Vàng”.

phan-ban-do-ve-quan-dao-hoang-sa-trong-giap-ngo-nien-binh-nam-do-do-tran-thu-nghe-an-bui-the-dat-cho-ve-3075.jpg
Phần bản đồ vẽ quần đảo Hoàng Sa trong Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ

Tới Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, thì trước tác này đã đầy đủ và chi tiết hơn cả Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo ở chỗ đã xuất hiện thông tin chi tiết về quê hương của hải đội Hoàng Sa. Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã ghi rõ vị trí địa lý và lộ trình cũng như thời gian di chuyển là “Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Hạp Hòa là 4 canh giờ, từ cửa Hạp Hòa tới cửa Châu Ô là 3 canh giờ, từ Châu Ô đến Đà Diễn là 3 canh giờ, từ Đà Diễn đến cửa Đại Quảng Ngãi là 3 canh giờ”, cụ thể hơn là “Ngoài cửa này có đảo Lý Sơn, trên núi có dân cư, gọi là xã An Vãng”, và thông tin cực kỳ quan trọng là nêu đích danh quê hương của hải đội Hoàng Sa cũng như thông tin chi tiết về hoạt động của đội: “Xã này có đội thuyền là đội Sa Hoàng Nhị, hàng năm thuyền mười tám chiếc lại ra biển, đến xứ Sa Hoàng lấy các hàng hóa, vàng”. Qua đây chúng ta đã thấy điểm mới là đội Hoàng Sa Nhị thuộc xã An Vãng sau khi thu thập mọi thứ hàng hóa sản vật đều phải quay về nạp tại kinh đô Phú Xuân.

Qua chi tiết này đã cho chúng ta thấy rõ Hoàng Sa Nhị luôn phải tuân thủ những quy định và thể chế của chính quyền cả về mặt tổ chức cũng như hoạt động. Vậy tại sao ở 2 trước tác trước đây là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thưGiáp Ngọ niên bình Nam đồ lại chưa ghi chép? Chúng ta thấy rằng, Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo và Đoan Quận công Bùi Thế Đạt phải thực hiện công tác ghi chép và mô tả dưới dạng bí mật và xa kinh thành Phú Xuân nên chưa thể nắm rõ được lịch trình của chính quyền chúa Nguyễn đặt ra cho hải đội. Nhưng sau khi quân Trịnh chiếm được Phú Xuân thì những nho sĩ xứ Đàng Ngoài như Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh đã được tự do tham khảo chế độ, điền dã thực tế để ghi chép.

Các tác phẩm nói trên là những ghi chép cá nhân, còn tại Đại Việt sử ký tục biên do Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du đồng biên soạn lại là chính sử, tức bộ sử chính thống của Nhà nước. Như vậy, thông qua những ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong bộ chính sử Đại Việt sử ký tục biên, thì đây là lần đầu tiên những thông tin về “Bãi Cát Vàng” đã chính thức được đưa vào hệ thống quốc sử.

Các tác phẩm của trí thức người Nghệ tương đồng với thư tịch của nhiều quốc gia khác về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Vào năm 1696, sách Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (1633 - 1704) ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa, cụ thể như sau: “...những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa, thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền “điến xá” đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào”[1].

bna-tac-gia-bia-phai-cung-cac-hoc-gia-den-tu-nga-trung-quoc-dai-loan-xem-tu-lieu-goc-khang-dinh-chu-quyen-cua-viet-nam-doi-voi-hoang-sa-va-truon-sa-8910.jpeg
Tác giả (bìa phải) cùng các học giả đến từ Nga, Trung Quốc, Đài Loan xem tư liệu gốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hoan Diễn Tàng Thư, đầu tháng 12/2020.

Ngoài ra, nhiều nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa cũng đã có những ghi chép tương tự. Như trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Tạ Thanh Cao có chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”[2]. Rất nhiều những trước tác của Trung Hoa đã trực tiếp khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc sự quản lý và khai thác của người Việt. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trong thời gian bấy giờ chưa hề có sự tranh chấp lãnh hải nên các tác giả Trung Hoa đều có thái độ khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với lãnh hải và hệ thống các đảo của mình.

Chính vì vậy, Hải ngoại kỷ sự hay Hải Lục và rất nhiều những bộ phương chí của Trung Hoa như Thái Bình hoàn vũ ký, Dư địa quảng ký, phương dư thắng lãm,… đều là những trước tác gốc đáng tin cậy. Một mặt thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mặt khác lại chỉ rõ, định rõ, ghi rõ cực Nam của Trung Hoa chỉ tới đảo Quỳnh Châu (Hải Nam). Hai yếu tố nói trên đã khẳng định chắc nịch rằng, chưa bao giờ người Trung Hoa là chủ thể của Hoàng Sa, Trường Sa.

Bên cạnh những trước tác của người Trung Hoa, thì hệ thống bản đồ và thư tịch của người châu Âu cũng là một khung tư liệu rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những bản đồ cổ nhất về vùng Biển Đông có bộ bản đồ của Van Langren người Hà Lan vẽ năm 1595. Bộ bản đồ này phong phú với rất nhiều chi tiết rõ ràng khi tác giả vẽ các địa danh nước ta. Ngoài phần đất liền là bờ biển Costa da Paracel, ở đối diện Pulocanton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận Quảng Ngãi, còn phía ngoài đó là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ như hình cờ đuôi nheo[3]. Hay như bản đồ châu Á thế kỷ XVII do Công ty Đông Ấn Hà Lan ấn hành có vẽ khu vực Hoàng Sa nằm trên các tuyến đường giao thông hàng hải quốc tế chiến lược trọng yếu thuộc chủ quyền của Việt Nam.

ban-do-partie-de-la-cochichine-nam-trong-bo-atlas-the-gioi-do-nha-dia-ly-hoc-kiet-xuat-phillipe-vandermaelen-xuat-ban-vao-nam-1827-3000.jpg
Bản đồ Partie de la Cochichine nằm trong bộ Atlas Thế giới do nhà địa lý học kiệt xuất Phillipe Vandermaelen xuất bản vào năm 1827, thuộc số rất ít bản đồ vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Đặc biệt nhất là 2 bộ bản đồ: Partie de la Cochinchine in trong bộ Atlas Universel (1827) do nhà địa lý học Philippe Vandermaelen biên soạn và xuất bản tại Bỉ năm 1827. Trên bản đồ này vẽ quần đảo Hoàng Sa với tên gọi quốc tế là Paracels và phần giới thiệu về Vương quốc An Nam[4]; và bản đồ Tabula Gesographica imperii Anammitici - An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838, có vẽ quần đảo Hoàng Sa với tên gọi quốc tế là Paracels nằm trong vùng biển Việt Nam kèm theo dòng chú thích là “Paracels seu Cát Vàng”[5]… Như vậy, rõ ràng, người phương Tây đã đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, và ghi nhận chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Như vậy, trong số 5 trước tác đầu tiên viết về “Bãi Cát Vàng” thì đã có tới 4 trước tác do người Nghệ An là tác giả (hoặc đồng tác giả). Đây thực sự là niềm tự hào lớn lao của đất và người xứ Nghệ, đồng thời cũng là động lực để kích thích hơn nữa sự lao động sáng tạo của người xứ Nghệ trong công cuộc hội nhập và đổi mới của đất nước thời hiện đại.

____________

[1] Thích Đại Sán (2016), Hải ngoại kỷ sự, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr182.

[2] 海錄, 粤東謝清高著, 補讀軒藏版.

[3] Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2016), Kỷ yếu Hoàng Sa, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

[4] Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2016), Kỷ yếu Hoàng Sa, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

[5] Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2016), Kỷ yếu Hoàng Sa, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

Người Nghệ với chủ quyền biển, đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO