Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Các gia đình Nhật thường ăn cơm 2-3 bữa mỗi ngày nhưng tỷ lệ béo phì rất thấp so với những nước phát triển.
Một người Mỹ xa xứ đã sống cùng gia đình người Nhật suốt 1 năm. Anh rút ra các thói quen ăn uống và lối sống giúp người Nhật duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh xa tình trạng béo phì đang ảnh hưởng hơn 30% dân số Mỹ. Dưới đây là chia sẻ của anh trên World Day:
Ăn cơm 3 bữa mỗi ngày nhưng lượng vừa phải
Gia đình chủ nhà của tôi ăn cơm 3 lần mỗi ngày nhưng lượng hợp lý. Một bát cơm Nhật Bản chứa khoảng 140g gạo, tương đương 200 calo. Những món làm từ gạo như onigiri (cơm nắm) cũng không vượt quá 175 calo mỗi món.
Ăn canh miso, nước dùng trong
Hầu hết các ngày, chúng tôi đều ăn canh miso hoặc nước canh trong. Một nghiên cứu chỉ ra rằng dùng loại canh nước trong như miso vào đầu bữa ăn có thể giúp giảm 20% tổng lượng calo nạp vào cơ thể. Chỉ riêng thói quen này cũng có nghĩa bạn có xu hướng ăn ít hơn 20% calo trong 2-3 bữa ăn, 7 ngày một tuần. Điều đó thực sự có giá trị.
Không ăn vặt
Trong thời gian ở Nhật, chúng tôi chưa bao giờ thấy ai ăn vặt giữa các bữa. Gần như không có đồ ăn vặt. Ăn khi đi bộ hoặc ở nơi công cộng là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, tại Mỹ, 20% ngân sách thực phẩm của các hộ gia đình dành cho đồ ăn vặt. Chỉ riêng nước ngọt đã chiếm 7 đến 9% ngân sách thực phẩm của người Mỹ.
Đi bộ, ngồi trên sàn
Người Nhật đi bộ nhiều hơn người Mỹ. Đó là một yếu tố rất quan trọng. Nơi tôi sống, mọi người đều đi bộ hoặc đi xe đạp. Ngay cả ngồi trên chiếu tatami cũng tác động nhiều cơ hơn là ngồi trên ghế bành. Trong ngôi nhà truyền thống nơi tôi sống, không có ghế hay sofa nào để ngồi.
Không lãng phí thực phẩm
Ở Nhật Bản, từ khi còn rất nhỏ, người dân đã học cách biết ơn thức ăn và không lãng phí chúng. Họ không bao giờ để lại hạt cơm nào trong bát, không lãng phí một mẩu vụn nhỏ nhất. Việc xin thêm bát cơm nữa mà không ăn hết sẽ bị coi là rất tệ.
Kết quả là, mặc dù chế độ ăn uống của họ đã được phương Tây hóa, người Nhật vẫn có thân hình thon thả nhất trong số các nước phát triển. Chỉ có 3,6% dân số Nhật bị béo phì (BMI>30) so với 32% người Mỹ. Rõ ràng gạo không phải là thủ phạm gây ra bệnh béo phì./.