Người thầy thuốc quân hàm xanh gieo hạt tin yêu
(Baonghean.vn) - Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Với tâm niệm “dân khỏe, biên giới vững”, những thầy thuốc quân hàm xanh đã xây dựng và duy trì các trạm xá quân - dân y, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Vui vì được giúp đỡ bà con
Mường Lống là bản nằm cách trung tâm xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) khoảng 30 km đường rừng. Vào bản chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bản hiện có 135 hộ, với hơn 800 nhân khẩu là người dân tộc Mông, trong đó, hơn 70% hộ nghèo. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy; tập quán, lối sống lạc hậu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con...
Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân bản được chăm sóc y tế mà không phải đi xa, cách đây 4 năm, Trạm xá quân - dân y Tri Lễ đã được thiết lập tại bản Mường Lống và đi vào hoạt động. Bác sĩ quân y Thiếu tá Lê Anh Đức - Đồn Biên phòng Tri Lễ được tăng cường phụ trách trạm xá này.
Thiếu tá Lê Anh Đức cho hay: Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bà con nơi đây thường mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản. Ngoài ra, do phong tục, tập quán vệ sinh còn kém trong ăn uống nên còn mắc một số bệnh về đường ruột như viêm đại tràng, tiêu chảy cấp…
Thấu hiểu khó khăn của bà con, Thiếu tá Lê Anh Đức đã toàn tâm, toàn ý chăm sóc sức khỏe cho người dân Mường Lống. Khi thì bà con đến trạm, khi thì Thiếu tá Lê Anh Đức trèo đèo, vượt suối đến với bà con để điều trị, cấp thuốc và nắm tình hình, hướng dẫn phòng, tránh bệnh…
Tiếng lành về thầy thuốc quân y “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật” đã đồn xa khiến nhiều người dân ở bản lân cận cũng đã tìm đến Trạm xá quân - dân y Tri Lễ. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đau ốm thông thường đến những tai nạn đột xuất trong sinh hoạt, đời sống, người dân đều gửi niềm tin vào người thầy thuốc quân hàm xanh.
Bà Y Mại ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong) tâm tình: “Tôi vẫn không thể nào tin được có một ngày, trạm y tế lại về đến ngay cửa nhà mình. Trước đây, mỗi lần đau ốm, tôi phải vất vả vượt hàng chục km đường rừng đến bệnh viện. Nay chỉ cần đi bộ vài bước chân tới trạm xá quân - dân y, được thăm khám, tư vấn tận tình và được cấp thuốc. Được bộ đội khám cho, biết bệnh, thuốc đúng bệnh nên mau khỏi. Tôi thấy rất vui, rất tốt”.
Có rất nhiều câu chuyện giàu cảm xúc về “ân nhân” thầy thuốc quân y. Anh Và Bá Dìa ở bản Mường Lống kể câu chuyện nhà mình: “3 năm trước, bố tôi bị tai biến mạch máu não thể nhẹ. Theo phong tục người Mông thì chúng tôi tin vào thần linh hơn y học. Lễ, cúng mãi không khỏi, bệnh tình bố ngày một xấu hơn. Nghe chuyện bố tôi bị bệnh, các cán bộ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ đã tìm đến tận nhà tuyên truyền, vận động đưa bố đến bệnh xá thăm khám. Sau thăm khám, bố được chuyển lên bệnh viện điều trị và sức khỏe hồi phục dần”.
Theo già làng bản Mường Lống Xồng Bá Chù: “Khi chưa có trạm quân - dân y, mỗi lần đau ốm, người dân phải rất vất vả để đi khám, chữa bệnh. Đường xa, di chuyển khó khăn, có người thì lễ, cúng để khỏi bệnh; người thì để mặc với hy vọng bệnh tự khỏi. Từ khi có trạm, sức khỏe của người dân bản tốt hơn. Ai đau ốm giờ đến trạm khám, chữa rất nhanh khỏi. Trạm mà không chữa được thì lại làm giấy cho lên xã, huyện. Trạm giúp đỡ bà con rất nhiều!”.
Hơn 4 năm kể từ khi trạm quân - dân y đi vào hoạt động, số ngày phép của Thiếu tá Lê Anh Đức càng ít đi. Dẫu có thiệt thòi đôi chút về phần mình nhưng Thiếu tá Lê Anh Đức rất vui. Anh chia sẻ: “Là chiến sĩ quân y đóng quân nhiều năm ở khu vực biên giới, tôi rất thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của người dân nơi đây. Càng thấu hiểu bao nhiêu, tôi càng thêm quyết tâm để tìm mọi cách giúp đỡ bà con. Giúp cho sức khỏe bà con tốt hơn với bản thân tôi đã là niềm vui, hạnh phúc lớn”.
Bà con cần, quân y có mặt
Thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới, những thầy thuốc quân hàm xanh chính là “bác sĩ gia đình”. Có mặt tại trạm quân - dân y bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn vào dịp cuối năm, đã thấy bác sĩ quân y Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng (Đồn Biên phòng Mỹ Lý) - phụ trách Trạm quân - dân y Huồi Bắc vừa nghe xong cuộc điện thoại, vội vã lên đường hỗ trợ người bệnh.
Chiếc xe máy đưa Thiếu tá quân y Nguyễn Duy Hoàng leo dốc, tìm đến tận nhà bệnh nhân Lương Mẹ Cáng, ở bản Huồi Bắc. Do thời tiết thay đổi, tắm nước lạnh nên bà Cáng bị cảm. Sau khi thăm khám kỹ càng, Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng đã ân cần dặn dò, hướng dẫn cách điều trị, phòng tránh bệnh và cho thuốc để người bệnh nhanh khỏi… Bà Cáng chỉ là một trong vô số trường hợp người dân ở khu vực biên giới đã được các thầy thuốc quân y đến tận nhà cứu chữa.
Bất cứ khi nào bà con cần, thầy thuốc quân y đều sẽ có mặt. Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng cho biết: Dịp Tết thời tiết chuyển mùa, bà con ốm đau nhiều, chủ yếu là các bệnh như cảm, ho, sốt. Nếu như cảm mạo bình thường thì bà con tự chữa nhưng khi có triệu chứng nặng thì bà con gọi điện đến trạm để được hỗ trợ. Bà con gọi thì chúng tôi đến ngay, bất kể địa bàn gần xa.
Trạm quân - dân y bản Huồi Bắc là nơi điều trị ban đầu cho người dân trên địa bàn 8 bản vùng sâu, vùng xa của xã Bắc Lý và xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Không quản ngại vất vả, bất cứ lúc nào dù thời tiết mưa hay nắng, ngày hay đêm khi có thông tin người bệnh bị đau ốm là bác sĩ quân y lại lặn lội vượt núi, băng rừng.
Anh Moong Văn Bảy - Bí thư Chi bộ bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý bày tỏ sự cảm kích: Bất kể ngày lễ, Tết, các anh thường xuyên túc trực giúp bà con khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Người bệnh chưa hiểu về nguồn gốc lây bệnh được các anh giải thích cho để hiểu, phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe. Từ ngày có Trạm quân - dân y, bà con rất thuận tiện khám và điều trị bệnh, nhất là người già, trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài khám, chữa bệnh, các thầy thuốc quân hàm xanh còn là những tuyên truyền viên tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh. Trung tá Hoàng Thế Tài - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho hay: Lực lượng quân y thường xuyên túc trực, bám nắm tình hình nhân dân để tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con.
TRUNG TÁ TRẦN NAM THẮNG - TRƯỞNG BAN QUÂN Y, BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG NGHỆ AN:
"Trên tuyến biên giới Nghệ An hiện có 6 phòng khám quân - dân y kết hợp cùng 8 tủ thuốc biên cương. Các trạm đều nằm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm các xã biên giới hàng chục km đường rừng. Với tinh thần tận tâm, trách nhiệm cao, những thầy thuốc mang quân hàm xanh đã trở thành cánh tay nối dài của y tế cơ sở. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh đã thực hiện tốt công tác khám ,chữa bệnh ban đầu, giúp cải thiện sức khỏe cho người dân. Từ đó, bà con thêm tin tưởng, tích cực cùng bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương".