Người tìm nghề mới cho nông dân

27/02/2012 10:40

(Baonghean)- Thành lập HTX thủ công nghiệp đào tạo nghề phụgiúp bà con nông dân có thêm thu nhập, ổn định ngoài làm nông, ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành còn được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016.

(Baonghean)- Thành lập HTX thủ công nghiệp đào tạo nghề phụgiúp bà con nông dân có thêm thu nhập, ổn định ngoài làm nông, ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành còn được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016.


Nhập ngũ năm 1974, đến năm 1996 ông về nghỉ hưu tại quê nhà. Năm 2003 thành lập HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi, ông tham gia vào làm ở HTX. Lúc bấy giờ HTX chỉ có 3 người: chủ nhiệm, kế toán và kiểm soát. Không có trụ sở làm việc, HTX Thắng Lợi phải mượn nhà kho của HTX nông nghiệp để làm nơi giao dịch và triển khai kế hoạch sản xuất.

Với nguồn vốn ban đầu chỉ có 47 triệu đồng, HTX đầu tư vào mua nguyên liệu và thu mua hàng mây tre đan (MTĐ) xuất khẩu cho bà con 3 xã Thọ Thành, Hồng Thành và Phú Thành. Những năm đầu hoạt động với bao khó khăn chồng chất, nghề MTĐ mới du nhập vào địa phương xã Thọ Thành nói riêng và huyện Yên Thành nói chung, tay nghề của bà con còn non yếu. Ông Huỳnh nghĩ chỉ có cách tích cực đào tạo nghề cho bà con thì mới có sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu.



Ông Tăng Tiến Huỳnh cũng là một người thợ đan lát giỏi


Năm 2002, gia đình ông đã nuôi các giáo viên dạy nghề trong nhà mình cốt để học nghề và truyền dạy cho bà con. Thời điểm đó trụ sở làm việc, kho xưởng đều phải mượn tạm bợ, nguồn vốn ít ỏi, mua được vài xe nguyên liệu đã sạch vốn, chưa kể việc thu mua hàng cho dân không có tiền trả, HTX phải tự chủ hoàn toàn, không có nguồn ngân sách nào hỗ trợ.

Trong khi đó sản xuất hàng mây tre đan kỹ thuật và mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng của hàng xuất khẩu, do đó bị loại nhiều, giá trị thu nhập thấp, chỉ đạt 20 - 25 ngàn đồng/người/ngày. Lúc đầu, HTX thu gom hàng MTĐ nhập cho các công ty ở TP.Vinh, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, lúc có lúc không, HTX hoạt động thua lỗ. Hàng loạt áp lực khó khăn về mọi mặt đã đẩy HTX trước nguy cơ giải thể. Với nghị lực của người lính, ông Tăng Tiến Huỳnh không chịu nhìn HTX giải tán.

Năm 2007, ông quyết định đi một chuyến thực tế dài ngày ở Hà Tây xem ngoài đó họ sản xuất, tiêu thụ hàng mây tre đan như thế nào? Ông đánh chiếc xe máy Cup 81 của mình vượt hơn 300 km đường trường ra đến Chương Mỹ - Hà Tây (cái nôi của nghề MTĐ phát triển mạnh). Mấy tháng trời nơi đất khách, ông Huỳnh mày mò tìm hiểu, vừa học hỏi kinh nghiệm làm nghề, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm MTĐ quê nhà.

Trở về quê, ông hăm hở chỉ đạo bà con làm thử một số lô hàng nhỏ, mẫu mã hàng tre 2 lớp để bán cho Công ty TNHH Đoàn Kết 1- Chương Mỹ (Hà Tây). Tuy số lượng ban đầu không nhiều nhưng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu. Thành công này đã tiếp sức cho ông thêm đam mê nghề MTĐ, ông phấn khởi chỉ đạo xã viên và người lao động hăng hái sản xuất. Liên tục sau đó, các lô hàng của bà con địa phương Thọ Thành, Hồng Thành và Phú Thành được doanh nghiệp ở Hà Tây thu mua. Nông dân có thêm động lực làm việc tích cực, không kể ngày đêm. Năm 2008, HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi tổ chức đại hội, bàn phương án sản xuất mới và bầu ông Tăng Tiến Huỳnh làm Chủ nhiệm HTX.


Kể từ năm 2008, khi ông lên làm chủ nhiệm, đầu ra cho sản phẩm dồi dào, thuận lợi. HTX hoàn toàn xuất hàng cho các doanh nghiệp ở Chương Mỹ - Hà Tây. Từ đây, tay nghề của bà con ngày càng nâng lên, hàng hoá đảm bảo chất lượng, HTX được nhiều doanh nghiệp Hà Tây tìm đến đặt hàng, sản xuất không kịp nhu cầu của đối tác. HTX được UBND xã Thọ Thành cấp cho 1.000 m2 đất để xây dựng trụ sở và kho xưởng, đồng thời được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho vay 200 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm để xây dựng cơ sở vật chất, HTX càng mở rộng địa bàn sản xuất. Từ 3 xã ban đầu, nay mở rộng thêm ở các xã: Khánh Thành, Liên Thành, Bảo Thành, Mã Thành và một số xã của huyện Diễn Châu. HTX vừa đào tạo nghề, vừa cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho dân, người dân chỉ việc yên tâm sản xuất. HTX chăm lo từ chất lượng đầu vào, cung ứng hàng năm từ 400 - 800 tấn lùng cật khô, đáp ứng đầy đủ nguyên liệu cho lao động sản xuất thường xuyên, liên tục.

Đặc biệt, chủ nhiệm HTX cùng với cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến tận tổ sản xuất ở thôn xóm để phổ cập, uốn nắn kỹ thuật, mẫu mã giúp bà con hạn chế tối đa sản phẩm hư hỏng. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đều đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Những người nông dân một nắng hai sương thêm tự tin, phấn khởi làm nghề. HTX đã làm tốt vai trò "bà đỡ" xây dựng phát triển thêm nhiều làng nghề MTĐ xuất khẩu ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu thông qua công tác đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm.

Hiện tại HTX đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 800 lao động có việc làm ổn định, với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, sản xuất, tiêu thụ 117.157 sản phẩm MTĐ xuất khẩu đạt giá trị trên 3,5 tỷ đồng. Năm 2011 sản xuất, tiêu thụ 210.456 sản phẩm MTĐ xuất khẩu, đạt giá trị hơn 6,3 tỷ đồng. Bước sang năm 2012, HTX tiếp tục liên doanh, liên kết với các Công ty XNK hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội để nhận các đơn hàng lớn.

Hiện tại, HTX đang nhận hợp đồng sản xuất 350.000 sản phẩm, trị giá 10,5 tỷ đồng. Hàng tháng phải đảm bảo sản xuất 40.000 sản phẩm. Đích thân ông Huỳnh đang nỗ lực tìm kiếm thị trường đầu ra cho những năm tiếp theo và ông đang ấp ủ mục tiêu tiến tới xuất khẩu trực tiếp với đối tác nước ngoài để nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập cho người lao động.

Hiện tại, HTX mới thành lập cơ sở dạy nghề MTĐ xuất khẩu, dự kiến năm 2012- 2013 sẽ thành lập Trung tâm Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn, nhằm góp phần đảm bảo nhu cầu phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề của 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.


Bản thân ông Huỳnh vừa làm chủ, vừa làm thợ, ông say nghề MTĐ và dồn hết tâm huyết cho nghề này. Cả 5 người con của ông dù học tập ở đâu cũng đều quay về quê hương chung sức cùng cha mở rộng, phát triển nghề MTĐ. Đến nay, sau hơn 4 năm làm Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi, ông đã vực dậy nghề MTĐ ở địa phương, HTX năm nào cũng được nhận bằng khen của tỉnh và Trung ương. Năm 2011, ông Tăng Tiến Huỳnh được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016.


Mặc dù đã vực dậy HTX song ông chủ nhiệm luôn trăn trở với nguồn vốn eo hẹp, để giữ chữ tín với doanh nghiệp và người lao động, mỗi đợt thu mua hàng ông đều trả tiền sòng phẳng cho dân, không nợ nần, trong khi đó phải đợi khi nhập toàn bộ hàng cho doanh nghiệp mới thu hồi được vốn. Ông tâm niệm "HTX phát triển đó là thành công, là hạnh phúc của đời ông...".


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Người tìm nghề mới cho nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO