Người trẻ làm thăng hoa sức sống ví, giặm

Thanh Nga 23/07/2023 12:34

(Baonghean.vn) - Thời nào cũng có những người trẻ hát dân ca mê đắm, thời nào cũng có những mầm non tài năng xứng đáng với những kỳ vọng trong việc trao truyền di sản Dân ca xứ Nghệ, làm cho ví, giặm trường tồn...

Hà Quỳnh Như - tuổi thơ “ăn, ngủ cùng ví, giặm”

Hà Quỳnh Như.jpeg
Hà Quỳnh Như từng đốn tim khán giả bằng những ca khúc dân ca Nghệ Tĩnh. Ảnh: tư liệu

Cái tên nổi nhất phải kể đến Hà Quỳnh Như (SN 2004) ở huyện Yên Thành, khi từ cô bé 7 tuổi đã bộc lộ tài năng dân ca hiếm có. Từ năm 2015, Quỳnh Như đã sớm trở thành hiện tượng khi tất cả các ca khúc dân ca của em đều được cư dân mạng chuyền tay nhau thưởng thức. Những năm tháng đó, Quỳnh Như thường xuyên tham gia các sân khấu lớn, nhỏ cấp xã, cấp huyện và em sớm nhận được sự chú ý của các nghệ nhân cũng như các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, trong đó có NSND Hồng Lựu.

Quỳnh Như được NSND Hồng Lựu dìu dắt từ những bước đi đầu tiên và đã có những bước tiến đáng kinh ngạc. Em tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và được giải Nhất với ca khúc “Thập ân phụ mẫu”, đồng thời, nhận luôn giải diễn viên nhỏ tuổi triển vọng nhất. Liền sau đó là các cuộc thi cấp tỉnh khác cũng được em chinh phục trọn vẹn với những ngôi vị Quán quân, Á quân. Từ lúc đó, Hà Quỳnh Như được kỳ vọng là một nghệ sĩ hát dân ca sớm thành danh trong tương lai.

Năm 2017, lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn “Thần tượng tương lai” mùa thứ 1, với giọng hát da diết và sâu lắng, Hà Quỳnh Như đã để lại ấn tượng đầu tiên trong lòng khán giả với ca khúc “Về Hà Tĩnh người ơi”, và được các giám khảo hết lời khen ngợi. Với sở trường hát Dân ca ví, giặm, Quỳnh Như mang đến một màu sắc hoàn toàn mới, chưa từng thấy trong bất cứ các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát từ trước đến nay.

Năm 2018, cô gái trẻ này lại tiếp tục đạt giải Quán quân trong Chương trình “Giọng hát Việt nhí” cũng với chất giọng dân ca đặc biệt của mình. Quỳnh Như cho biết: “Dù sau này em có trưởng thành với những mảng màu âm nhạc mới, nhưng em vẫn luôn lấy dân ca làm điểm tựa vững chắc, với em dân ca chính là máu thịt, là nguồn cội âm nhạc; đó là tiếng mẹ ru từ thủa bé, tiếng quê hương nơi em lớn lên và cũng là tiếng lòng của mỗi người con xứ Nghệ. Dân ca gần như đã cho em tất cả, nhất là làm giàu cho tâm hồn mình...”, Hà Quỳnh Như chia sẻ.

Mới đây Hà Quỳnh Như có dịp hội ngộ với NSND Hồng Lựu và cùng có dịp thể hiện ca khúc “Thập ân phụ mẫu” rất truyền cảm. Điều đáng nói, sau nhiều năm không còn “ăn dân ca, ngủ dân ca” Quỳnh Như vẫn nhấn nhá thả hồn rất tình cảm trong từng nốt của “Thập ân phụ mẫu”. NSND Hồng Lựu cho biết: “Có được một tài năng dân ca nhí như Quỳnh Như không phải là điều dễ gặp trong cuộc sống đương đại ngày nay, chính những tài năng này sẽ giúp dân ca bay được xa hơn. Bởi dù cháu bé có theo đuổi một con đường âm nhạc khác nhưng chính cái chất dân ca sẽ lại kéo em về với điều cốt lõi nhất đó là âm nhạc quê hương”.

Kỳ vọng về những hạt nhân mới

Cô bé Hà Vy (14 tuổi), quê ở xã Hưng Thành (Hưng Nguyên) là giọng ca rất triển vọng tại Liên hoan Dân ca trong trường học, khi những câu xẩm em cất lên trong phần thi của mình được Ban Giám khảo và cả khán phòng hôm ấy trầm trồ, ngợi khen. Không chỉ hát xẩm, Hà Vy còn hát rất ngọt nhiều thể loại trong Dân ca Nghệ Tĩnh. Cũng tại chương trình này, Đội Dân ca trong trường học huyện Hưng Nguyên được trao giải Ba. Hà Vy là nhân tố quan trọng trong đoàn tham gia Liên hoan, bởi em là người đứng chân nhiều tiết mục đinh của đoàn. Hà Vy có chất giọng cao truyền cảm, độ luyến láy tốt và cột hơi chắc khỏe, đặc biệt, chất dân ca của em dù được cho là phát hiện muộn nhưng lại rất nhuyễn, rất tình.

Hà Vy cho biết: “Em sớm yêu dân ca qua sự truyền đạt của mẹ, bởi mẹ em hát rất hay và cũng là thành viên đội văn nghệ xóm, xã. Thế nhưng, em chưa tham gia vào Câu lạc bộ Dân ca xóm, xã lần nào bởi sự rụt rè thiếu tự tin trước đám đông của mình. Chỉ đến lúc giáo viên âm nhạc của ngôi trường em theo học dẫn dắt em từng bước thì em mới có cơ hội được thể hiện mình”.

bna-tiet-muc-vi-giam-ngan-vang-voi-su-ket-hop-giua-dan-ca-vi-giam-va-ca-tru-do-tap-the-hoc-sinh-cum-1-bieu-dien-anh-my-ha-2243.jpeg
Một tiết muc dự thi Hội thi Hát dân ca trong trường học. Ảnh: Tư liệu

Và từ đó, Hà Vy được cô giáo đào tạo và hát những bài hát đầu tiên của các thể loại trong dân ca. Có một điều đặc biệt là dù hát rất hay các bài giặm, nhưng em lại vô cùng yêu thích thể loại xẩm. Hà Vy nói: “Xẩm là thể loại đặc trưng của dân ca, nó nói lên tâm tình thời cuộc, vì thế, khi hát người biểu diễn phải tuân thủ được yếu tố về âm thanh của thể loại, nhưng cũng phải biết cách nhấn nhá theo nội dung của bài xẩm thì mới đạt yêu cầu. Trước đây, xẩm thường được biểu diễn ở chợ, hoặc các sân đình, nhưng nay xẩm thường được biểu diễn ở các liên hoan và các cuộc thi tài năng giọng hát”. Vượt qua những ngại ngùng, chạm ngõ con đường dân ca, giờ đây Hà Vy chỉ mong ước mình có thêm những sân khấu mới, những sân chơi mới để được thể hiện bản thân một cách trọn vẹn nhất.

Nguyễn Công Anh trong phần biểu diễn tại Liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh cụm III.jpeg
Công Anh biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví , giặm Nghệ Tĩnh cụm III được tổ chức tại huyện Nam Đàn. Ảnh: NVCC

Bạn nhỏ thứ hai theo đánh giá của NSND Hồng Lựu có giọng hát và tâm hồn yêu dân ca mê đắm và thuần khiết - đó là cậu bé Nguyễn Công Anh quê ở huyện Nam Đàn, năm nay mới chỉ 11 tuổi. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Phương Lan kể rằng, cậu bé yêu dân ca từ nhỏ và luôn lấy hình tượng là NSND Hồng Lựu để hướng đến. Cậu mê dân ca đến nỗi thuộc hết tất cả những bài dân ca cổ có lời khó như “Lời mẹ hát”, “Thập ân phụ mẫu” và cứ hễ về đến nhà là cậu lại hát, lại ngân nga dân ca.

Trong Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, hướng tới Festival Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tổ chức tại huyện Nam Đàn vừa qua, Câu lạc bộ Búp sen xanh của Công Anh giành giải Nhất, trong đó, cậu bé này giành 2 giải đúp là Giải diễn viên nhí xuất sắc nhất và giải B cho tiết mục “Lời mẹ hát”. Kể về sự kiện này, mẹ Công Anh cho biết: Cháu đi thi để những mong gặp được cô Hồng Lựu và chọn bài hát đó cũng chỉ để được thể hiện cho người NSND mà cháu luôn ngưỡng mộ biết được khả năng của mình. Nhưng thật tiếc là chị Hồng Lựu bận việc không đến xem và chấm giải cho đêm diễn được, nên cháu khá hụt hẫng, hát không hay như bình thường. Công Anh cũng cho hay: “Em được giải B cũng là một phần thưởng đáng quý, tuy nhiên, nếu có bà Hồng Lựu ngồi ở dưới xem chắc chắn em sẽ thăng hoa hơn rất nhiều”.

Nguyễn Công Anh và CLB Búp sen xanh huyện Nam Đàn tham gia liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh.jpeg
Công Anh tham gia tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và giành được giải B cho tiết mục Lời mẹ hát và giải Diễn viên nhí xuất sắc. Ảnh: NVCC

Công Anh được thừa hưởng gen trội về ca hát từ người bố của mình. Bố em là cây văn nghệ cứng trong đơn vị của cơ quan Công an tỉnh, cũng là người hát dân ca cực tốt, khiến em thấm đẫm dân ca từ bé. “Phần lớn là địa bàn nơi em ở hầu như tối tối các bà, các chị lại hát dân ca, hoặc mở băng đĩa dân ca để ôn luyện, điều này vô tình đã ngấm vào tâm trí và tình cảm của em, làm em thực sự yêu dân ca từ lúc nào không biết” - Công Anh chia sẻ. Bạn nhỏ này cũng khẳng định mình sẽ theo con đường dân ca cho đến hết cuộc đời dù có chông gai.

“Muốn bảo tồn Dân ca ví, giặm trước hết phải ươm mầm dân ca trong thế hệ trẻ” - đó là lời khẳng định của NSND Hồng Lựu. Quả thực vậy, nếu không chăm chút những mầm non, nếu không tạo môi trường và tìm cách lan tỏa tình yêu này trong giới trẻ thì dân ca vẫn chỉ mãi mãi dành cho các cô, các chú, các bà, các chị. Và câu chuyện bảo tồn, phát huy di sản dân ca sẽ gặp rất nhiều chông gai khi đối tượng mà chúng ta “gây nghiện” được mới chỉ ở tầm trung tuổi, còn với lớp trẻ vẫn đang là một khoảng trống.

Mới nhất
x
Người trẻ làm thăng hoa sức sống ví, giặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO