Người trẻ thế kỷ XX: Khẳng định vai trò của thế hệ trẻ

Nguyên Thanh 26/03/2021 09:26

(Baonghean.vn) - Thế kỷ XX dường như là giai đoạn lịch sử mà mọi tinh hoa của dân tộc và thời đại cùng gặp gỡ, để rồi từ đó Việt Nam tạo ra những giá trị vô cùng vĩ đại, khiến cho cả thế giới phải ngã mũ trước một đất nước bé nhỏ. Cũng trong giai đoạn này, dân tộc đã sinh ra rất nhiều người con ưu tú, kiệt xuất - những người đã góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước.

>>Người trẻ của thế kỷ XX: Thức tỉnh cách mạng cho dân tộc

Tinh thần tự nhiệm - khát khao của thanh niên thời đại mới

Đến năm 1929, từ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã chuyển hóa, phát triển và hình thành 2 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng (Bắc kỳ) và An Nam Cộng sản liên đoàn (Nam kỳ) bên cạnh Đông Dương Cộng sản liên đoàn do các đảng viên trung kiên của Tân Việt Đảng thành lập.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, 3 tổ chức cộng sản này đã hợp nhất thành Đảng cộng sản Việt Nam. Từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 3 năm 1931, Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 2, đã chủ trương thống nhất các tổ chức thanh niên thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đây là tổ chức lớn mạnh nhất, hấp dẫn nhất, thu hút nhiều nhất và cống hiến nhiều nhất của thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX.

Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh vẽ minh họa

Lịch sử hình thành các tổ chức Đảng, và Đoàn, luôn gắn bó với vai trò của những người trẻ tuổi. Hầu hết ban lãnh đạo của 3 tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng đều trong độ tuổi thanh niên. Những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng như Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc… chỉ từ 21 đến 27 tuổi. Tương tự, người đứng đầu An Nam Cộng sản liên đoàn là Châu Văn Liêm 27 tuổi, Nguyễn Thiệu 26 tuổi, Nguyễn Sỹ Sách 22 tuổi, Trần Não 21 tuổi... Ở Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Tôn Quang Phiệt 29 tuổi, Nguyễn Khoa Văn 21 tuổi, Võ Nguyên Giáp 18 tuổi, …

Những thủ lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng rất trẻ tuổi khi gánh vác sứ mệnh. Cao tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Ái Quốc 40 tuổi; đồng chí Hồ Tùng Mậu 31 tuổi, còn lại đều dưới 30 tuổi. Các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ nhận trách nhiệm Tổng Bí thư Đảng năm 26 tuổi; đồng chí Hà Huy Tập năm 30 tuổi; đồng chí Lê Hồng Phong năm 33 tuổi; đồng chí Trường Chinh năm 34 tuổi. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai giữ chức vụ Bí thư Sài Gòn - Chợ Lớn năm 26 tuổi...

Mỗi người có con đường đến với cách mạng khác nhau nhưng thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng đều tham gia hoạt động yêu nước và giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất trẻ, khi mới mười tám đôi mươi. Đa phần họ đều trưởng thành từ các phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước. Họ tự nguyện đến với phong trào, với các tổ chức cách mạng, bắt đầu từ giác ngộ lý tưởng và ý thức tự nhiệm đối với đất nước. Học vấn là một tiền đề quan trọng để thế hệ đầu tiên của Đảng nhận thức chân lý. Thế hệ đó phần lớn xuất thân là trí thức, học sinh, sinh viên. Từ nền tảng ban đầu, họ đã vừa học, vừa hoạt động để nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh và năng lãnh đạo, tự tin hành động một cách sáng tạo. Thế hệ những người trẻ này đã tìm chọn, định hình lý tưởng, xác lập hệ tư tưởng cho dòng chính cuộc vận động của đất nước suốt 100 năm vừa qua.

Những thủ lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu
Những thủ lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu

Khi lịch sử đòi hỏi những sự thay đổi lớn nhất định sẽ xuất hiện những con người có đủ tầm vóc trí tuệ và ý chí để gánh vác sứ mệnh. Đầu thế kỷ XX là giai đoạn chuyển đổi thời đại trên phạm vi toàn cầu, và với Việt Nam cũng bước sang một thời kỳ mới, rất mới. Sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và các sĩ phu đã mặc nhiên giao phó cho thế hệ trẻ tìm hệ tư tưởng mới để gánh vác nhiệm vụ dân tộc. Với nền tảng tri thức và tư tưởng mới - tư tưởng Mác-xít, các thế hệ trẻ đã nêu cao tinh thần tự nhiệm, vươn lên và hoàn thành trách nhiệm một cách xuất sắc, đặc biệt là trong cách mạng dân tộc dân chủ và chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Những “cái chết hóa thành bất tử”

Trước hết, cần phải khẳng định công lao không thể đo đếm của các thế hệ trẻ đối với cuộc vận động mạnh mẽ, vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua, sáng tạo nhiều nhất là thế hệ trẻ. Hy sinh nhiều nhất là thế hệ trẻ. Sức mạnh giữ nước là thế hệ trẻ. Động lực phát triển đất nước là thế hệ trẻ.

Trong cuộc trường chinh thế kỷ đó, rất nhiều người trẻ đã hy sinh. Nhiều hy sinh oanh liệt; nhiều hy sinh hào sảng, bi tráng; nhiều cái chết hóa hành bất tử, làm đẹp thêm tinh thần yêu nước của người Việt Nam.

Những người trẻ đã ý thức được và tự nguyện cống hiến, tự nguyện hy sinh vì nghĩa lớn, vì lý tưởng. Sự sống có thể mất đi nhưng lý tưởng của họ thì còn mãi. Vì thế, cái chết, sự hy sinh của họ hóa thành bất tử.

Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái (1924) đã thức tỉnh tinh thần yêu nước của người Việt Nam sau những thất bại của phong trào Đông Du, chống sưu thuế ở Trung kỳ…

Sự hy sinh bi tráng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học vẫy gọi tinh thần yêu nước của đồng bào cả nước.

Sự hy sinh của của thủ lĩnh đầu tiên của Đoàn - Lý Tự Trọng báo hiệu một cuộc đấu tranh mới của người Việt Nam và khẳng định vai trò của thế hệ trẻ.

Tượng đài Lý Tự Trọng. Ảnh tư liệu
Tượng đài Lý Tự Trọng. Ảnh tư liệu

Sự ra đi ở tuổi 27 của Tổng Bí thư Trần Phú với lời dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” và sự hy sinh của nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên khác của Đảng như các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự… khi tuổi đời còn rất trẻ đã khẳng định sự kiên định lý tưởng và sức chiến đấu của những chiến sỹ Cộng sản Việt Nam.

Sự từ bỏ Paris (Pháp) để về nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến chống Pháp là một hy sự hy sinh quyền lợi không hề dễ dàng của các trí thức Việt kiều. Các nữ trí thức trẻ như: Dương Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm… xung phong vào chiến trường chống Mỹ và anh dũng hy sinh là sự khẳng định ý chí yêu nước, tinh thần trách nhiệm, khả năng cống hiến của phụ nữ trí thức Việt Nam.

Hy sinh của liệt sỹ, anh hùng Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình là biểu tượng tinh thần tranh đấu của sinh viên Việt Nam.

Sự hy sinh của các anh hùng: Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… trên pháp trường, của liệt sỹ Lê Anh Xuân “trên đường băng Tân Sơn Nhất” và nụ cười của chị Võ Thị Thắng trước tòa án địch là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của tuổi trẻ Việt Nam.

Rất nhiều, rất nhiều sự hy sinh đã trở thành bất tử vì mỗi cái chết đều có ý nghĩa, đều đem lại những điều có ích và tốt đẹp cho đất nước. Sự cống hiến, hy sinh của của những người trẻ đã định hình những phẩm chất mới của thế hệ trẻ trong hơn một thế kỷ qua mà trước đây chưa từng có. Không chỉ có yêu nước, có ý chí, có bản lĩnh mà còn có trí tuệ chọn đường, chọn lý tưởng cho mình và cho cả đất nước.

Tuổi trẻ không chỉ là lực lượng chủ yếu trong công cuộc công cứu nước, giữ nước mà còn nỗ lực làm cho đất nước thoát nghèo và giàu mạnh. Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ đã và đang cống hiến tuổi thanh xuân để trí tuệ, tâm hồn Việt không ngừng tỏa sáng.

Một thời đại mới đang đến, để xứng đáng “là tương lai của dân tộc” (Hồ Chí Minh), nhất định thế hệ trẻ sẽ biết cách tự làm mới mình, hình thành cho mình những phẩm chất mới, đặc biệt là năng lực sáng tạo, tinh thần nhân văn và khả năng hội nhập nhưng vẫn mang trong mình tinh thần tự nhiệm cao cả với Tổ quốc và Nhân dân./.

Người trẻ thế kỷ XX: Khẳng định vai trò của thế hệ trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO