Người trong cuộc nói gì?

13/03/2014 18:01

Bình quân 1 vụ lúa nhà nông phun 2 lần thuốc trừ sâu, 2 lần thuốc trừ bệnh, 1 lần thuốc trừ cỏ và 1 - 2 lần thuốc dưỡng.

Theo điều tra của chúng tôi, bình quân 1 vụ lúa nhà nông phun 2 lần thuốc trừ sâu, 2 lần thuốc trừ bệnh, 1 lần thuốc trừ cỏ và 1 - 2 lần thuốc dưỡng. Như vậy, bình quân nông dân phun 1 lít thuốc trừ bệnh/ha/vụ; thuốc trừ sâu 0,5 lít/ha/vụ; trừ cỏ trung bình 0,5 lít/ha/vụ và thuốc dưỡng 0,6 lít/ha/vụ. Tổng 4 loại thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ và thuốc dưỡng thì nông dân sử dụng 2,6 lít/ha/vụ.

Có điều, tỷ lệ hấp thu qua cây trồng chỉ 20%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước. Nếu gặp những mùa vụ bị bùng phát các loại bệnh, số lần phun thuốc có thể tăng lên gấp đôi.

Gần đây nhất Trường ĐH An Giang cùng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nghiên cứu đề tài sử dụng thuốc BVTV trong tỉnh An Giang cho thấy 3 vụ SX lúa trong năm sử dụng khoảng 1.000 tấn thuốc BVTV. Trong đó, lượng vỏ bao bì quá lớn, rất nguy hiểm cho sức khỏe của người nông dân làm lúa và môi trường sống của họ.

Lạm dụng dùng thuốc BVTV hiện nay là con dao hai lưỡi. Để giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc, hạn chế ô nhiễm môi trường, Chi cục đã mở các lớp tập huấn và khuyến cáo sử dụng thuốc "4 đúng" và theo Chương trình IPM, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”. Đồng thời, khuyến cáo nông dân giảm dần thuốc hóa học, sử dụng các chế phẩm sinh học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ):Ưu tiên thuốc sinh học

Để đạt năng suất tối ưu người nông dân đã sử dụng một lượng thuốc BVTV gấp nhiều lần trên đồng ruộng của mình, mà thường là dùng quá liều. Một vụ lúa họ phun thuốc nhiều lần và nhiều loại như diệt cỏ, trừ sâu, diệt ốc, thuốc dưỡng… Mỗi lần phun còn kết hợp với nhiều loại thuốc khác nhau, có khi đến 5 loại cho 1 bình phun.

Để hạn chế sử dụng thuốc BVTV, theo tôi cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc “4 đúng”. Mặt khác, cần có sự quản lý chặt từ các cơ sở kinh doanh VTNN. Phải có quy định và chế tài đủ mạnh đối với việc lưu hành các danh mục thuốc cấm và hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển dần sang các loại thuốc sinh học thân thiện với môi trường.

Thực tế, nông dân đang bị tác động rất nhiều từ các Cty kinh doanh thuốc BVTV và các thông tin quảng cáo trên đài truyền hình. Các đại lý VTNN cũng quảng cáo không đúng sự thật đã tiếp tay làm hại nông dân.

Ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tiền Giang: Khuyến cáo thua quảng cáo

Nền nông nghiệp phát triển được như ngày hôm nay cũng nhờ đi lên từ thuốc BVTV hóa học. Trong SX nông nghiệp khi dịch bệnh bộc phát ở mức cao cần sự can thiệp của hóa học mới quản lý dịch hại mùa vụ. Nếu bỏ hẳn hóa học là không thể. Nên khuyến cáo giảm dần từ hóa học sang sinh học gắn với SX theo nền nông nghiệp xanh.

Khuyến cáo sử dụng theo IPM hoặc áp dụng theo các chương trình GAP hay VietGAP trong cánh đồng kiên kết. Tỉnh Tiền Giang đang quy hoạch vùng lúa, vùng cây ăn trái và vùng rau màu SX theo hướng nông nghiệp xanh và trong tương lai khuyến khích áp dụng SX nông nghiệp có 70% thuốc sinh học và 30% hóa học.

Cái khó hiện nay là cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp đã hết mình khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp KHKT, song các Cty kinh doanh thuốc BVTV rải nhân viên khắp nơi, họ sẵn sàng hướng dẫn phun thuốc theo quy trình của họ để bán được số lượng lớn. Các DN còn bỏ ra khoản kinh phí rất lớn để tổ chức trình diễn, hội thảo nhằm kéo nông dân về phía mình.

Phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh lúc nào cũng được sử dụng một cách triệt để và số lần phun thuốc trong mỗi vụ lúa lên đến cả chục lần. Thuốc bán cho nông dân từ giai đoạn ngâm ủ đã có thuốc trộn giống, cho đến gần thu hoạch vẫn còn dùng thuốc để phun xịt giúp to hạt.

Theo tôi trong tương lai cần phải kiểm soát chặt các Cty thuốc BVTV trên địa bàn. Xử phạt nghiêm các Cty SX thuốc kém chất lượng hoặc khuyến cáo sai lệch. Như vậy, mới có thể giúp người nông dân thấy được hết tác hại nguy hiểm của thuốc BVTV.

Điều đó không chỉ là yêu cầu được đặt ra với cán bộ BVTV mà còn đòi hỏi trách nhiệm cộng đồng của DNSX thuốc và cả sự ý thức trách nhiệm của những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác quảng cáo trên những phương tiện thông tin đại chúng.

Nông dân Nguyễn Văn Bé Năm, ấp 9 B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang: Chấp nhận thuốc hóa học để đổi năng suất

Biết việc sử dụng thuốc BVTV có hại cho sức khỏe và môi trường, nhưng cũng phải chấp nhận. Nếu không sử dụng thuốc hóa học năng suất sẽ giảm, buộc lòng chấp nhận nó để đổi lại năng suất cao.

Gia đình tôi SX 1,5 ha lúa, vụ ĐX năm nay dịch bệnh ít nên từ khi sạ cho đến thu hoạch chỉ phải phun 6 lần. Còn làm vụ HT dịch bệnh xuất hiện nhiều có khi phải phun xịt đến 8 - 9 lần. Nhẩm tính chi phí đầu tư mua thuốc BVTV đã lên đến 2,5 triệu đ/công.

Theo NNVN

Mới nhất
x
Người trong cuộc nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO