Người Việt uống 5 tỉ lít nước ngọt/năm, dùng đường gấp đôi mức khuyến cáo

Giang Thùy 23/06/2018 09:30

Hiện người Việt tiêu thụ gần 5 tỉ lít nước uống có đường/năm, tăng 7 lần trong 15 năm qua, gây nguy cơ gia tăng bệnh thừa cân, tiểu đường, tim mạch. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra 4 phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhằm hạn chế tình trạng sử dụng đồ uống có đường.

Người Việt “ăn” đường cao gấp đôi mức khuyến cáo

Tại Hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho biết, hiện nay, trung bình 1 người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Một nghiên cứu trên 1910 người cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas; trong đó 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết uống mỗi ngày, gần 16% uống 5 - 6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần.

Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày. Điều đáng nói là mỗi lon nước ngọt có gas chứa gấp rưỡi đến gấp đôi tổng lượng đường khuyến cáo được sử dụng mỗi ngày.

Thành phần và thông tin dinh dưỡng của một sản phẩm đồ uống có đường cho thấy hàm lượng đường khá cao: 9,6- 14,4g/100ml.

Theo ông Bắc, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng lên chóng mặt, gấp 7 lần trong 15 năm qua. Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia thì cho biết: Đồ uống có đường có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều hơn đồ chiên, nướng. Tuy nhiên, có nhiều báo cáo cho thấy, sử dụng đồ uống có cồn sẽ thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương... những biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33%/tổng số 73% nguyên nhân tử vong hàng năm.

Chưa kể, hiện 16% nam giới trưởng thành và 20% nữ giới trưởng thành đang bị thừa cân hoặc béo phì; bên cạnh đó, có 11,7% trẻ em nam và 7,6% trẻ em nữ trong độ tuổi 5 đến 19 đang bị thừa cân béo phì.

Phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Chuyên gia của WHO cho rằng, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, các DN cần phải dán nhãn sản phẩm nhằm cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại nhất định cho sức khỏe người dùng.

TS.GuillermoParaje- chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới đưa ra 4 phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường.

Phương án 1 là áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường.

Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn). Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lit, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỉ đồng. Phương án 2, áp thuế 35 đồng mỗi gam đường trong 100ml. Khi đó giá sẽ tăng từ 10 (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực); sức tiêu thụ sẽ giảm khoảng 880 triệu lít; thuế thu được khoảng 12.4000 tỉ.

Phương án 3 là áp thuế 40% giá xuất xưởng, khi đó, giả sử giá xuất xưởng bằng 50% giá bán lẻ, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%; tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít; thuế thu được là 12.400 tỉ đồng.

Phương án 4 là áp thuế 10% giá xuất xưởng, giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệt lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỉ.

Để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, các DN phải dán nhãn sản phẩm cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại cho sức khỏe người dùng.

Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Thái Lan đã đánh thuế nước ngọt theo hướng càng ngọt thuế càng cao.

Năm 2017 giới chức ngành thuế Singapore cũng đã sang Thái Lan để xem xét và chuẩn bị áp dụng thuế với đồ uống có đường.

Theo laodong.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Người Việt uống 5 tỉ lít nước ngọt/năm, dùng đường gấp đôi mức khuyến cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO