Người "vực dậy" vùng đất mới

11/11/2013 19:54

(Baonghean) - Khi đến với xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, hỏi về đồng chí Nguyễn Tiến Dũng (47 tuổi), người dân và cán bộ nơi đây luôn dành cho anh một tình cảm quý trọng và tin yêu. Hình ảnh của anh gắn liền với bộ mặt nông thôn mới của xã Quế Sơn cũng như cuộc sống của người dân nơi đây kể từ sau hơn 5 năm chia tách. 

(Baonghean) - Khi đến với xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, hỏi về đồng chí Nguyễn Tiến Dũng (47 tuổi), người dân và cán bộ nơi đây luôn dành cho anh một tình cảm quý trọng và tin yêu. Hình ảnh của anh gắn liền với bộ mặt nông thôn mới của xã Quế Sơn cũng như cuộc sống của người dân nơi đây kể từ sau hơn 5 năm chia tách.

Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nguyễn Tiến Dũng đã cùng anh em, bạn bè rời nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng đất Truông Bành, Quế Phong. Từ bước khởi nghiệp ban đầu là cán bộ xóm Hải Lâm, sau đó Bí thư Đoàn xã, Trưởng Công an xã rồi Phó Chủ tịch UBND xã, tháng 5/2005, xã Mường Nọc được chia tách, lập nên xã mới Quế Sơn, anh được bà con tín nhiệm và bầu làm Chủ tịch UBND xã từ đó đến nay. Trên mọi cương vị công tác, anh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với công việc. Thường xuyên xuống từng xóm, bản để gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Trưởng thành từ cơ sở nên anh đã nắm rõ những điều kiện thuận lợi và khó khăn ở nơi đây.

Nguyễn Tiến Dũng (ngoài cùng bên trái) tại lễ trao bằng công nhận Làng Văn hóa Phong Quang.
Nguyễn Tiến Dũng (ngoài cùng bên trái) tại lễ trao bằng công nhận Làng Văn hóa Phong Quang.

Nhận thấy diện tích phát triển cây lúa nước ít (88ha lúa nước/308ha đất canh tác), lại thiếu nước tưới tiêu, vì vậy, anh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây mía, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy mía đường NAT&L. Không chỉ tìm hướng thoát nghèo cho người dân, Nguyễn Tiến Dũng còn đóng vai trò là "cầu nối" trong việc hướng dẫn bà con cách làm ăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, đưa giống mới cho năng suất cao vào gieo trồng nhằm nâng cao đời sống cho bà con. Đây là kinh nghiệm từ quá trình công tác cũng như kiến thức anh học được sau khi hoàn thành lớp Đại học tại chức ngành Tài chính - Kinh tế.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, huy động sức mạnh từ phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", 2 công trình đường giao thông liên thôn Hải Lâm dài trên 4.300m với số vốn 700 triệu đồng và công trình kênh mương nội đồng có số vốn gần 1 tỷ đồng được hoàn thành, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân cả ngày công và tiền của. Ông Hồ Văn Hiền, xóm trưởng xóm Phong Quang, xã Quế Sơn cho biết: Trước đây, thời điểm mới chia tách từ xã Mường Nọc, tuyến đường từ trung tâm xã đi Hải Lâm đến xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) và cả vùng Truông Bành cực kỳ khó khăn.

Con đường chỉ là lối mòn, qua nhiều dốc, nhiều khe nên việc giao thương hay tiêu thụ các sản phẩm làm ra của người dân thật vất vả, vì thế mà luôn bị tư thương ép giá. Rồi sau này, khi xã chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cây mía được đưa vào làm cây trồng chủ lực của xã cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường NAT&L. Tuyến đường đi qua, người dân tình nguyện hiến đất, chặt bỏ cây cối và tham gia ngày công lao động để mở đường. Từ ngày có đường, đời sống của bà con được cải thiện, trẻ em đến trường thuận tiện hơn, sức khỏe người dân được chú trọng hơn...

Với phương châm coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu, chú trọng thâm canh tăng năng suất trên cây lúa nước, du nhập cây lúa lai vào địa phương, đến nay 90% diện tích lúa ở xã Quế Sơn đều đạt năng suất trên 51 ta/ha. Sản xuất rau các loại với các mô hình rau sạch su hào, cải bắp... đạt trên 50 ha, sản lượng bán ra thị trường từ 310 - 330 tấn mỗi năm. Ngoài ra, trên 60 đất trồng keo và đất hoang hóa được chuyển đổi sang diện tích trồng mía, nâng diện tích trồng mía nguyên liệu toàn xã lên trên 220 ha, sản lượng mía bán cho Nhà máy đường NAT&L hơn 10.000 tấn, là xã cung cấp sản lượng mía cao nhất toàn huyện.

Các mô hình kinh tế VAC, VACR được quan tâm chỉ đạo, cải tạo xây dựng từ các vườn tạp không mang lại hiệu quả. Đặc biệt, năm 2012, Hợp tác xã rau an toàn được thành lập tại xóm Hải Lâm, mở ra cơ hội cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng các mô hình, gương làm kinh tế giỏi. Hiện nay, xã Quế Sơn đã trở thành điểm sáng trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 34% năm 2011 nay còn dưới 25%. Quế Sơn là một trong 2 xã được ban chỉ đạo huyện Quế Phong chọn xây dựng điểm của chủ trương này giai đoạn 2010- 2015.

Quế Sơn hôm nay đang trên đà đổi mới từng ngày. Vùng đất Truông Bành hoang sơ, cỏ lách ngày nào nay đã trở thành những cánh đồng lúa, những bãi mía, nương ngô nặng trĩu, xen lẫn những vườn rau, ao cá. Sự phát triển đó có công của “thủ lĩnh” Nguyễn Tiến Dũng. Anh Dũng chia sẻ: Bản thân luôn coi mình là người do dân bầu lên, dân cần gì mình đều phục vụ nhiệt tình. Dù làm việc gì, khó khăn đến mấy nhưng nếu với thái độ chuyên tâm, trách nhiệm và biết cách sắp xếp công việc hợp lý giữa gia đình và xã hội thì mọi việc sẽ đạt kết quả tốt. Trăn trở lớn nhất bây giờ của tôi đó là cần được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho 3 bản (bản Cọc, Đai, Piếng Mòn), nơi hiện có đồng bào dân tộc Thái, Khơ mú sinh sống có điều kiện thuận lợi hơn về giao thông để bà con có cơ hội giao thương phát triển.

Trịnh Xuân Thống

Người "vực dậy" vùng đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO