Xã hội

Nguồn gốc tục thờ rắn tại một số ngôi đền ở Nghệ An

Hồ Mạnh Hà 26/01/2025 15:10

Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ, được lưu truyền đến ngày nay.

Xuất phát từ môi trường tự nhiên với các điều kiện gắn bó chặt chẽ với sông nước, đầm phá, ao, hồ, khe, suối..., cư dân nông nghiệp, với nhu cầu tưới tiêu, đã tôn sùng nước và hình thành niềm tin vào một thế lực cai quản nguồn nước. Rắn, với ý nghĩa biểu trưng cho thủy thần, có lẽ ra đời từ chính nhu cầu tín ngưỡng này.

Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng thờ rắn dần được khoác thêm nhiều lớp văn hóa, thay đổi để phù hợp với từng khu vực và thời kỳ khác nhau. Không chỉ được xem là thần, rắn còn được người Việt chọn làm vật tổ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao đã chỉ ra rằng trong các truyền thuyết, hình tượng rắn mang đậm tính chất vừa là tín ngưỡng vật tổ, vừa tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước sớm của Việt Nam. Ông nhận định: “Rắn được thờ ở nhiều nơi, được đưa thành một motif trong truyện kể, bởi rắn tượng trưng cho thần nước trước khi có huyền thoại về rồng” (một loài vật không có thực).

Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng đề cập đến tục thờ vật tổ của người Việt qua các chi tiết quen thuộc trong dân gian, như việc “Lạc Long Quân thuộc dòng giống rồng”, hay các truyền thuyết về sự hòa huyết giữa người và rắn. Chẳng hạn, cha mẹ sinh ra con là rắn, rắn biến thành người để kết duyên với chàng thư sinh, hay chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở trăm con. Những truyền thuyết này phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa người Việt và rắn, biến rắn thành vật tổ linh thiêng.

Qua thời gian, tín ngưỡng thờ rắn phát triển thành nền tảng hình thành các biểu tượng thiêng liêng và thậm chí là biểu tượng vương quyền. Đến triều Lý (1010-1255), hình tượng “rồng thời Lý” xuất hiện trên các chi tiết kiến trúc, đại diện cho sức mạnh triều đại. Sang thời Trần và Lê, rắn được sắc phong thần, trở thành Thành Hoàng làng và được thờ phổ biến trên khắp các làng xã từ Bắc vào Nam.

Tín ngưỡng thờ rắn phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt dọc các con sông lớn như sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Theo Đổng Đức Khiêm và Nguyễn Hữu Bình, dọc sông Cầu có tới 316 ngôi đền thờ cặp rắn "Ông Dài, Ông Cụt". Lễ hội làng Linh Đàm, làng Thủ Lệ, làng Nhật Tân, hay một số hội làng ở Bắc Ninh cũng gắn liền với những truyền thuyết về thần rắn.

Với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận thờ thần rắn Naga, biểu tượng sức mạnh của thần Si Va. Người Khmer Nam Bộ cũng thờ thần rắn Naga với niềm tin rằng thần là người cai quản nguồn nước, đem lại mưa thuận gió hòa cho cư dân nông nghiệp lúa nước.

Đền đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành một trong những ngôi đền tiêu biểu thờ thần rắn.
Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành một trong những ngôi đền tiêu biểu thờ thần rắn. Ảnh tư liệu

Ở miền Trung, tín ngưỡng thờ thần rắn cũng được nhiều dân tộc tôn thờ và xem đó là một con vật hết sức linh thiêng, có thể hô phong hoán vũ. Người Mường ở Thanh Hóa có tục thờ thần rắn tại đền thôn Lương Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thủy). Ở đây, suối Cá Thần được cho là do thần rắn bảo hộ. Đình làng Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) thờ "Ông Dài, Ông Cụt", hai con rắn từng hiển linh giúp dân làng có mưa thuận gió hòa.

Tại Nghệ An, tục thờ thần rắn gắn bó sâu sắc với đời sống cư dân nông nghiệp. Riêng ở hai huyện Diễn Châu và Yên Thành, có đến 9 ngôi đền thờ thần rắn, nổi bật là: Đền Canh (xã Đức Thành, Yên Thành), đền Sò (thị trấn Diễn Châu), đền Đức Thánh Cả (xã Diễn Lộc, Diễn Châu), đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành, Yên Thành).

Đền Canh
Đền Canh xã Đức Thành, huyện Yên Thành thờ "Ông Cụt và Ông Lành” (cặp rắn trong truyền thuyết). Ảnh: Hồ Mạnh Hà

Đặc biệt, đền thờ thần rắn ở làng Nho Lâm (xã Diễn Lộc) gắn với truyền thuyết về vợ chồng Hoàng Phúc Hữu và Võ Thị Quyên. Câu chuyện kể rằng hai ông bà dù nhân từ nhưng không có con. Sau một lần người vợ tắm sông và thụ thai, bà sinh ra hai bọc trứng, từ đó nở ra hai con rắn – một con bị cụt đuôi do tai nạn khi ông lão cuốc đất. Hai con rắn sau đó được phong làm thần và rời đi, hứa sẽ giúp dân làng cầu mưa khi cần. Dân làng Xuân Khánh (nay là làng Kẻ Tạnh) lập đền thờ thần rắn tại núi Hạc Linh Sơn, và từ đó truyền thống thờ rắn tồn tại đến ngày nay.

img_1830.jpg
Cặp rắn trên điện thờ ở đền Canh. Ảnh: Hồ Mạnh Hà

Tục thờ rắn là tín ngưỡng tự nhiên, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người và môi trường lao động nông nghiệp. Đối với người dân Nghệ An, tín ngưỡng này đã tồn tại hàng ngàn năm, minh chứng qua các di chỉ khảo cổ như hình tượng dao găm rắn ngậm chân voi tại làng Vạc, cùng các thần tích và sắc phong vẫn còn lưu giữ. Tục thờ thần rắn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của nước, mong ước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu – một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với cuộc sống của cư dân nông nghiệp.

Mới nhất

x
Nguồn gốc tục thờ rắn tại một số ngôi đền ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO