Khó quản lý, giám sát việc dạy thêm, học thêm

Mỹ Hà 12/07/2022 06:51

(Baonghean.vn) - Dạy thêm, học thêm là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại Nghệ An. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn là áp lực học tập và thi cử khi các cuộc cạnh tranh vào trường chuyên, lớp chọn, vào các trường công lập và các trường đại học ngày càng khó khăn.

Không yên tâm nếu con không học thêm

Năm học này, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên (thành phố Vinh) có 2 con cùng thi cuối cấp, trong đó, 1 cháu lên lớp 6 và 1 cháu lên lớp 10. Kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, cả hai đều có kết quả cao, trong đó, con trai út của anh chị đạt loại giỏi (lớp 5) và con gái đầu thi vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được trên 26 điểm. Với học lực giỏi nhiều năm liên tục, hai con của chị cũng có nhiều khả năng để thi vào trường chuyên nhưng gia đình quan niệm cho con học trường bình thường. Vì vậy, những năm phổ thông các cháu không đi học thêm và chủ yếu là tự học hoặc do bố mẹ dạy.

Chị Duyên cũng chia sẻ rằng: Nếu con thi vào trường chuyên, chắc chắn cháu sẽ phải học thêm rất nhiều, thậm chí 1 môn học có thể phải học nhiều giáo viên. Nhưng vì chúng tôi xác định không áp lực quá nhiều vào trường chuyên, lớp chọn nên cho các cháu thoải mái, tự phát triển theo năng lực.

Thí sinh tham dự Kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Trường hợp của gia đình chị Duyên gần như là hi hữu. Trên thực tế, dù chưa có một thống kê, nhưng số học sinh có tham gia học thêm chiếm đại đa số. Một phụ huynh có con vừa đậu thủ khoa vào một lớp chuyên ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong kỳ thi vừa rồi đã chia sẻ rằng: Ngoài năng lực của cháu thì để đậu vào được trường chuyên gia đình cũng phải đầu tư học thêm ngoài khá vất vả.

Theo nhẩm tính của phụ huynh này chỉ riêng môn chuyên cháu đã học 4 giáo viên (bao gồm giáo viên ở trường, một giáo viên dạy THPT, một giáo viên dạy THCS do gia đình thuê ngoài và luyện thêm thầy nước ngoài ở trung tâm ngoại ngữ). Với hình thức học “3 kèm 1” hoặc 1 giáo viên kèm 1 học sinh, số tiền học thêm gia đình bỏ ra cho con là khó có thể tính được. Ngoài ra, cháu còn phải học thêm 2 môn còn lại của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là Toán và Ngữ văn với thời lượng mỗi môn 1 tuần từ 1 – 2 buổi, chưa kể học thêm buổi chiều ở trường.

Những kỳ thi cuối cấp luôn tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh. Ảnh: Đức Anh

Việc học thêm của con trẻ nay cũng đã trở thành “mặc định” và đó là lẽ đương nhiên, nhất là với những gia đình nào chuẩn bị có con thi chuyển cấp. Con trai chị Nguyễn Thị Vân (phường Vinh Tân), năm nay vừa thi vào lớp 10. Để chuẩn bị cho Kỳ thi này, từ khi bắt đầu vào lớp 6, chị đã phải tìm lớp, tìm thầy cho con để có thể chuẩn bị tốt cho các môn thi. Riêng thời điểm lớp 9, mỗi môn cháu học ít nhất từ 1 – 3 thầy giáo, cô giáo và cháu gần như không có nhiều thời gian để học thêm ở nhà. Những năm cuối cấp nếu học sinh nào thi thêm các chứng chỉ nước ngoài thì lịch học thêm nhiều hơn lịch học chính khóa ở trường là điều không lạ lẫm.

Chị Vân cũng nói thêm: Khi đăng ký học thêm cho các con với lịch học dày đặc bố mẹ nào cũng sốt ruột. Nhưng nếu không học thì không thể yên tâm bởi đề thi năm nào cũng có những câu khó, cháu không học thêm thì không làm được. Chưa kể thời gian học chính khóa ở lớp không nhiều, không có thời gian để ôn luyện.


Nở rộ dạy thêm, học thêm

Xuất phát từ thực tế của đông đảo phụ huynh, học sinh, việc dạy thêm, học thêm cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tại nhiều địa bàn của tỉnh Nghệ An.

Trong đó, hình thức dạy thêm phổ biến nhất đó là các giáo viên ngoài giờ dạy trên lớp tổ chức dạy thêm tại nhà hoặc tại một số trung tâm. Hình thức thứ hai là một số giáo viên không trực thuộc các cơ quan Nhà nước nhưng có bằng cấp, có kinh nghiệm nên tự mở các lớp học thêm tại gia đình. Một hình thức khác đó là những lớp dạy thêm được mở tại các trung tâm. Ở các trung tâm này, có thể hàng trăm học sinh theo học với nhiều lớp, nhiều bậc học khác nhau. Mô hình này phát triển tại thành phố Vinh và một số trung tâm ở các huyện, thành, thị.

Giờ học của học sinh thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Qua thực tế cũng cho thấy việc dạy thêm, học thêm hiện nay hoàn toàn là tự phát và gần như chưa có sự quản lý. Ngay cả các trung tâm tổ chức dạy với quy mô lớn thì theo quy định họ cũng chỉ cần đăng ký kinh doanh như một loại hình kinh doanh không cần điều kiện. Cũng vì lẽ đó, chất lượng dạy thêm và hiệu quả thì cũng đang có nhiều điều cần cân nhắc.

Chị Lê Thị Hạnh có con đang theo học tại một trung tâm dạy Toán khá có tiếng ở thành phố Vinh cho biết: Qua giới thiệu của một số đồng nghiệp tôi biết đến một trung tâm dạy toán của một thầy giáo ở Vinh. Khi cháu vào học, trung tâm có kiểm tra trình độ và xếp cho cháu vào học một lớp tương ứng với năng lực.

Tuy nhiên, trong 3 năm học ở trung tâm thì chỉ năm đầu tiên trung tâm có tương tác với phụ huynh. Hai năm trở lại đây chúng tôi không biết trung tâm dạy cái gì, chất lượng thế nào. Nếu muốn liên hệ, chúng tôi chỉ được tương tác với một giáo viên quản lý của trung tâm và hoàn toàn không biết giáo viên dạy con mình là ai. Quả thực, vì đã lỡ đóng tiền cả năm học nên tôi phải cho con học chứ thực chất tôi đã muốn cho con nghỉ lâu rồi.


Một phụ huynh khác có con từng học ở trung tâm này cũng cho biết: Con tôi được chính thầy giáo chủ trung tâm dạy nhưng tôi về thấy cháu phản ánh là thấy hay xưng mày – tao, khi tức lên còn nạt nộ. Tôi có góp ý thì trung tâm không lắng nghe, bực quá tôi xin cho con nghỉ thì bị trung tâm kéo ra khỏi nhóm kín ngay mà không có một lời giải thích nào. Quả thực, đó là hành động rất phản giáo dục.

Việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trong dịp Hè để hướng học sinh đến các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: P.V

Do nhu cầu dạy thêm, học thêm đông mà lại chưa có sự quản lý nên nhiều phụ huynh cũng rất mù mờ khi lựa chọn một địa chỉ uy tín để đăng ký cho con theo học. Thực tế, ngoài một số giáo viên có tiếng, có kinh nghiệm, có trách nhiệm được nhiều phụ huynh đăng ký theo học thì vẫn có nhiều địa chỉ phụ huynh tự tìm đến theo kiểu “truyền tai” nhau. Chất lượng dạy thêm, học thêm vì thế không đảm bảo. Nhiều phụ huynh sau một thời gian cho con học, không hiệu quả vừa tiếc tiền, vừa tiếc công sức nhưng chỉ biết ngậm ngùi.

Cần có sự quản lý, bài bản và đồng bộ

Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đến năm 2016, sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư năm 2016 bỏ hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Như vậy, hiện nay, nếu hiểu về dạy thêm, học thêm có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu theo các văn bản quy định, việc tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bị nghiêm cấm đối với 4 trường hợp, đó là không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Riêng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Giờ học Tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Đức Anh

Ngoài ra, Chỉ thị 17 cũng quy định cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. Ở trong trường học, việc tổ chức dạy thêm cũng phải được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn.

Tại Nghệ An, lâu nay việc tổ chức dạy thêm, học thêm vẫn được thực hiện tại các nhà trường. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng tổ chức dạy thêm ở nhà và chủ yếu là do các giáo viên tự mở lớp theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Xét theo các quy định, việc tổ chức dạy thêm, học thêm (kể cả ở các trung tâm) cũng khó kiểm soát bởi thiếu các chế tài theo quy định. Trong khi đó, lâu nay việc thanh, kiểm tra cũng chưa thực hiện thường xuyên và chủ yếu chỉ mới kiểm tra được việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Vấn đề bất cập hiện nay đó là do việc dạy thêm, học thêm chưa có một chế tài quản lý rõ ràng nên xung quanh vấn đề này không tránh khỏi những biến tướng và hệ lụy. Ngoài ra, phụ huynh cũng mong muốn phải tăng cường quản lý để việc dạy thêm, học thêm đúng thực chất và đúng mục đích, có được sự đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình trạng một số giáo viên lợi dụng học thêm đề chèn ép, làm khó phụ huynh gây nên những mặt trái không đáng có.

Liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và sau đó là UBND tỉnh đã có văn bản nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm và học thêm trong dịp Hè với mục đích tạo điều kiện cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia các hoạt động góp phần phát triển toàn diện và đảm bảo nâng cao sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đây là chủ trương đúng nhưng bên cạnh đó vẫn đang có nhiều ý kiến phản đối bởi phụ huynh lo ngại nếu không học thêm thì học sinh sẽ sa vào điện thoại, máy tính.

Với rất nhiều vấn đề nảy sinh thì về lâu dài việc dạy thêm, học thêm vẫn đang có sự tranh cãi và để hài hòa lợi ích giữa người học và người dạy thì Nhà nước cũng cần sớm có văn bản thay thế, hướng dẫn để dễ cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Mới nhất

x
Khó quản lý, giám sát việc dạy thêm, học thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO