Nguy cơ tấn công hạt nhân cận kề, khi cầu Crimea bị đánh bom?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Điều đáng nói, Ukraine không ít lần đề cập đến việc tấn công cầu Crimea. Và Nga cũng đã từng đưa ra cảnh báo rằng, nếu Ukraine có động thái nhắm tới Crimea, thì ngay lập tức sẽ là “ngày tận thế” với cuộc tấn công hạt nhân.

Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine vừa được đốt nóng thêm, khi một xe tải bị đánh bom phát nổ trên cầu đường bộ và đường sắt nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga, gây đám cháy lớn. Với Nga, Crimea là vùng thánh địa bất khả xâm phạm, và cây cầu Crimea cũng là một thực thể mang ý nghĩa biểu tượng chiến lược quan trọng. Điều đáng nói, Ukraine không ít lần đề cập đến việc tấn công cầu Crimea. Và Nga cũng đã từng đưa ra cảnh báo rằng, nếu Ukraine có động thái nhắm tới Crimea, thì ngay lập tức sẽ là “ngày tận thế” với cuộc tấn công hạt nhân. Giờ đây, cầu Crimea đã bị hư hại nặng, và không loại trừ khả năng bị tấn công, liệu Nga sẽ phản ứng, và có những bước đi như thế nào?

Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga ngày 8/10 cho biết, cây cầu nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga đã bị hư hại trong một vụ đánh bom xe tải. Ảnh: Reuters
Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga ngày 8/10 cho biết, cây cầu nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga đã bị hư hại trong một vụ đánh bom xe tải. Ảnh: Reuters

Cầu Crimea – mục tiêu quân sự hấp dẫn

Cầu Crimea – cây cầu dài nhất châu Âu đã bị hư hại, bị sập một phần. Vụ nổ cũng khiến 7 thùng nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng đang chạy song song với phần cầu đường bộ bốc cháy, buộc giới chức Nga phải đình chỉ hoạt động trên cầu Crimea. Không có người bị thương trong sự việc và giới chức đã chuẩn bị triển khai dịch vụ phà vượt biển trong lúc đánh giá thiệt hại trên cầu.

Dự án cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga, bắc qua eo biển giữa Biển Đen và Biển Azov. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ô tô và tàu hoả qua lại. Cây cầu được sử dụng chủ yếu cho giao thông dân sự.

Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch - cây cầu vượt biển dài nhất châu Âu, nối bán đảo Crimea với lục địa Nga. Ảnh: Tass

Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch - cây cầu vượt biển dài nhất châu Âu, nối bán đảo Crimea với lục địa Nga. Ảnh: Tass

Sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam Ukraine.

Chính vì vậy, trong suốt hơn 8 tháng chiến sự xảy ra, cầu Crimea từ lâu là mục tiêu rất hấp dẫn với quân đội Ukraine. Không ít lần, giới chức Ukraine đã đưa ra lời đe doạ rằng, quân đội nước này sẽ tấn công cầu Crimea. Hồi tháng 8, khi giải thích lý do tại sao Kiev muốn tấn công cầu Crimea, ông Mikhail Podolyak – cố vấn của Tổng thống Ukraine nhận định, đây là một công trình bất hợp pháp và là cửa ngõ chính cung cấp hậu cần cho quân đội Nga ở Crimea. Tại thời điểm đó, ông Podolyak còn cho biết, sẽ có nhiều cuộc tấn công như vậy hơn trong “2-3 tháng tới”.

Và nay, khi sự việc cầu Crimea bị đánh bom, ông Mikhail Podolyak đã đưa ra bình luận rằng: “Vụ nổ cầu Crimea chỉ là sự khởi đầu”.

Cận cảnh vụ nổ trên cầu Crimea. Ảnh: CNN

Cận cảnh vụ nổ trên cầu Crimea. Ảnh: CNN

Một cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống Ukraine là Alexei Arestovich cũng đã từng tuyên bố, Ukraine sẽ tấn công cầu Crimea vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, ông Arestovich thừa nhận, các vũ khí mà quân đội Ukraine đang sở hữu về mặt kỹ thuật không có khả năng tiếp cận cây cầu chiến lược, và việc gây ra thiệt hại đáng kể cho cây cầu là một nhiệm vụ khó khăn, ngay cả khi có vũ khí đủ tầm, vì một trong số 595 trụ cầu sẽ cần bị phá huỷ. Ông tuyên bố, cây cầu được chế tạo theo cách mà cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh sập.

Trước đó, nghị sĩ Ukraine Alexei Goncharenko viết trên Telegram rằng, Kiev đã thảo luận về kế hoạch tấn công cầu Crimea với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6 vừa qua. Phía Kiev cũng tuyên bố rằng, quân đội Ukraine có thể tấn công cây cầu huyết mạch của Nga, nếu đạt khả năng kỹ thuật cần thiết.

Cầu Crimea có 595 trụ cầu, được chế tạo theo cách mà cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh sập. Ảnh: Wikipedia

Cầu Crimea có 595 trụ cầu, được chế tạo theo cách mà cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh sập. Ảnh: Wikipedia

Các quan chức Crimea và Nga đã nhiều lần cảnh báo, việc tấn công cầu Crimea không khác gì một hành động khủng bố. Điện Kremlin khẳng định tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện để bảo vệ sự an toàn của cây cầu này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào giữa tháng 6 rằng, Moskva “đã biết và lưu ý” về các mối đe doạ từ Kiev. Ông Peskov nói rằng an ninh của cầu Crimea và toàn bộ bán đảo được đảm bảo bằng các biện pháp ngăn chặn do lực lượng vũ trang Nga thực hiện.

Đỉnh điểm về việc đưa ra cảnh báo răn đe nếu vượt qua lằn ranh đỏ của Nga, là vào tháng 7/2022, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho rằng, không thể bị xem nhẹ như các lần trước nữa, bởi nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ông Medvedev đã sử dụng cụm từ “mối đe dọa có hệ thống” đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Crimea, và đây là một trong các lý do mà học thuyết quân sự Nga cho phép kích hoạt vũ khí hạt nhân của nước này.

Sẽ có một ngày tận thế, rất nhanh và cứng rắn, nếu các lực lượng Ukraine dám tấn công vào Crimea. Phản ứng này hoàn toàn hợp pháp đối với một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phát biểu với các cựu chiến binh tại thành phố Volgorad (Nga) hồi tháng 7/2022

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstatin Kosachev ngày 15/8 tuyên bố, Moskva sẽ không để bất kỳ ai có thể phá huỷ cây cầu Crimea. Khi bình luận về cảnh báo tấn công cây cầu quan trọng của giới chính trị gia Ukraine, ông Kosachev phát biểu trên đài Russia-24 rằng: “Chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho phép cầu Crimea bị tấn công trong bất kỳ trường hợp nào. Chúng tôi đã tính toán một số rủi ro nhất định trong quá trình xây dựng, kể cả mối đe doạ từ các cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào cây cầu này”.

Ông Kosachev lưu ý rằng bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào cầu Crimea chắc chắn sẽ liên quan đến vũ khí nước ngoài cung cấp cho Kiev, bởi “các vũ khí mà quân đội Ukraine đang sở hữu về mặt kỹ thuật không có khả năng tiếp cận cây cầu chiến lược của Nga.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Ukraine không có vũ khí hiệu quả để tung đòn tập kích địa điểm này. Cây cầu nằm cách xa lãnh thổ Ukraine, khiến phương án tấn công khả dĩ nhất là bằng đường không. Tuy nhiên, các tổ hợp phòng không S-300 và S-400 tại Crimea có thể ngăn cản máy bay Ukraine tiếp cận mục tiêu để không kích.

“Đau đầu” suy luận những tính toán của Tổng thống Putin

Giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần quyết định sử dụng đến tuyên bố hạt nhân. Trong tuyên bố đầu tiên về cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng, Tổng thống Putin nhấn mạnh:

Bất cứ ai cố gắng cản đường chúng ta, chứ chưa nói đến việc tạo ra các mối đe dọa cho đất nước và nhân dân Nga, phải hiểu rằng phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức, và sẽ dẫn đến những hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Những tuyên bố cứng rắn mới nhất của Tổng thống Nga Putin đang khiến giới phân tích chiến lược quốc tế “rối như tơ vò”, trăn trở về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Vậy liệu rằng Tổng thống Nga Putin có nhấn nút hạt nhân? Giới quan sát về Điện Kremlin đang theo dõi sát sao, cố gắng tìm hiểu xem liệu những lời đe dọa hạt nhân của nhà lãnh đạo Nga là có cơ sở hay chỉ là “trò bịp”. Hiện tại, các nhà phân tích thận trọng cho rằng, khả năng Tổng thống Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân dường như vẫn còn thấp. Cơ quan tình báo Mỹ CIA cho biết họ chưa thấy dấu hiệu Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về nguy cơ “Ngày tận thế” của thế giới, kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông Biden khẳng định Tổng thống Putin “không nói đùa khi cảnh báo sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine”.

Tổng thống Mỹ Joe BIden cảnh báo về "Ngày tận thế" liên quan đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe BIden cảnh báo về "Ngày tận thế" liên quan đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng đưa ra cảnh báo về “hậu quả thảm khốc đối với Nga”, nếu Tổng thống Putin sử dụng hạt nhân. Nhưng liệu điều này có nằm trong tay của ông Putin hay không thì không ai nắm chắc được. Giới quan sát lo lắng thừa nhận rằng, họ không thể chắc chắn về những gì Tổng thống Putin tính toán. Ngay cả với các cơ quan tình báo phương Tây cùng hệ thống vệ tinh do thám tinh xảo, cũng chưa thể xác định được, liệu Tổng thống Putin chỉ đang răn đe hay thực sự có ý định phá vỡ những điều cấm kỵ về hạt nhân. Hiện, Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn.

Giới quan sát vẫn hy vọng rằng, với sức mạnh huỷ diệt của vũ khí hạt nhân, mà thảm hoạ Hiroshima và Nagasaki là một bài học đắt giá, sẽ ngăn cản Nga gọi “thần hạt nhân” ra khỏi “chiếc đèn”. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của phương tây và NATO luôn đặt liên minh trong trạng thái “báo động đỏ” để ứng phó kịp thời trước những tính toán của Tổng thống Putin.

Cảnh hoang tàn của Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) sau khi Mỹ rải thảm bom hạt nhân vào năm 1945. Ảnh: Internet

Cảnh hoang tàn của Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) sau khi Mỹ rải thảm bom hạt nhân vào năm 1945. Ảnh: Internet

Khi đối mặt với khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, câu hỏi đầu tiên mà NATO cần trả lời là, liệu cuối cùng hành động đó tạo nên lằn ranh đỏ thực sự đối với phương Tây hay không? Nói cách khác, liệu một cuộc tấn công hạt nhân của Nga vào Ukraine, có kích hoạt sự thay đổi chiến thuật của NATO, từ việc chỉ cung cấp vũ khí cho Kiev sang tham chiến trực tiếp hay không? Giới quan sát nhận định, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể khiến NATO sợ hãi, không vượt qua ranh giới đó, và có thể tìm cách buộc Ukraine phải nhượng bộ Nga. Nếu việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga không kích động NATO tham chiến trực tiếp, Nga có thể sẽ mở rộng quy mô hạt nhân để nhanh chóng đánh bại Ukraine.

Trong trường hợp NATO quyết định phản công nhân danh Ukraine, thì sẽ có nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra: liệu họ có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, và nếu có thì bằng cách nào. Phương án phổ biến nhất là một cuộc phản công hạt nhân “ăn miếng, trả miếng”, tiêu diệt các mục tiêu của Nga tương xứng với những mục tiêu mà Nga đã nhắm vào. Đây là phản ứng theo bản năng. Tuy nhiên, kịch bản này ít có khả năng xảy ra, vì nó dẫn đến các cuộc tấn công qua lại, trong đó không bên nào bỏ cuộc. Và cuối cùng, cả 2 bên đều bị tàn phá nghiêm trọng.

Một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga trên xe chở diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP
Một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga trên xe chở diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP

Giới quan sát cho rằng, hiện tại, vũ khí hạt nhân tầm xa mà Nga có thể sử dụng trong cuộc xung đột trực tiếp đã sẵn sàng chiến đấu. Nhưng kho dự trữ đầu đạn có tầm bắn ngắn hơn – cái được gọi là vũ khí chiến thuật mà Nga có thể muốn sử dụng ở Ukraine, thì không. Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về vũ khí hạt nhân tại cơ quan nghiên cứu giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc ở Geneva cho rằng: “Tất cả những vũ khí đó đang được cất giữ. Bạn cần phải đưa chúng ra khỏi boongke, chất chúng lên xe tải, và sau đó kết hợp chúng với tên lửa hoặc các hệ thống phân phối khác”.

Nga chưa công bố toàn bộ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật, và khả năng của chúng. Tổng thống Putin có thể ra lệnh chuẩn bị cho một lượng vũ khí nhỏ hơn, và sẵn sàng tung ra sử dụng một cách bất ngờ. Tuy nhiên, việc công khai đưa các loại vũ khí hạt nhân ra khỏi kho cũng là một chiến thuật mà Tổng thống Putin có thể sử dụng để gây áp lực lên Ukraine, mà không cần sử dụng đến nước cờ cuối cùng.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.