Nguy cơ thiếu hụt cán bộ chuyên trách cơ sở
Vất vả vì công việc, luôn phải “gồng mình” vượt qua khó khăn bởi đồng lương phụ cấp eo hẹp, mòn mỏi chờ ngày được vào biên chế, nhiều nơi, cán bộ chuyên trách không đủ niềm tin đã xin nghỉ việc. Và nguy cơ thiếu hụt cán bộ chuyên trách dân số xã đang hiện hữu nếu không có một quyết sách kịp thời.
(Baonghean) Vất vả vì công việc, luôn phải “gồng mình” vượt qua khó khăn bởi đồng lương phụ cấp eo hẹp, mòn mỏi chờ ngày được vào biên chế, nhiều nơi, cán bộ chuyên trách không đủ niềm tin đã xin nghỉ việc. Và nguy cơ thiếu hụt cán bộ chuyên trách dân số xã đang hiện hữu nếu không có một quyết sách kịp thời.
10 năm “đến từng ngõ, gõ từng nhà…”, lặn lội hết khắp bản làng xã Đôn Phục (Con Cuông) tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Với người dân ở xã đặc biệt khó khăn này, nói một lần, hai lần họ vẫn chưa chuyển đổi nhận thức, phải kiên trì, nhẫn nại theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Phải đến tận nhà, hay cùng lên nương, lên rẫy, phải tranh thủ tỉ tê, nhỏ to tâm sự ngay tại những cuộc họp xóm, sinh hoạt phụ nữ... Vào mùa chiến dịch, tần suất công việc tăng gấp đôi, gấp ba.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Thanh Đồng (Thanh Chương) phát tờ rơi truyền thông dân số.
Vất vả, khó khăn, áp lực nhiều, nhưng số tiền phụ cấp nhận được hàng tháng lại quá bọt bèo chưa đầy 550 ngàn đồng/tháng đối với cán bộ chuyên trách miền núi cao và chưa đầy 350 ngàn đồng/tháng đối với cán bộ chuyên trách vùng đồng bằng. Với từng đó phụ cấp hàng tháng, riêng tiền xăng xe họp hành chưa đủ nói gì đến chuyện nuôi sống bản thân. Biết bao lần bỏ cuộc, bạn bè, gia đình cũng khuyên “báu gì mà ôm lấy việc “vác tù và” ấy… Nhưng vì yêu nghề, vì hy vọng vào một ngày nào đó được vào biên chế, trở thành công chức Nhà nước nên đành bám trụ. Mòn mỏi đợi chờ, đề án tuyển dụng vẫn nằm trên giấy và đành ngậm ngùi “đứt gánh giữa đường” và chuyển sang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Đó là tâm tư của chị Vi Thị Bằng - nguyên cán bộ chuyên trách dân số xã Đôn Phục cũng là nỗi niềm của hầu hết chuyên trách dân số cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Trung tâm dân số huyện Con Cuông cho biết: “Những năm qua, công tác dân số ở huyện miền núi Con Cuông có những biến chuyển tích cực. Có được kết quả ấy là nhờ một phần công sức không nhỏ là của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Nếu không có sự nhiệt tình, cần mẫn, kiên trì của họ thì việc thực hiện các chính sách dân số ở địa phương khó lòng đạt được.
Vậy nhưng, phụ cấp quá ít ỏi, bất cập trong chế độ chính sách đã khiến không ít người nghỉ việc giữa chừng. Chờ đợi quá lâu để được vào biên chế, hiện một số cán bộ chuyên trách đã trong tư thế sẵn sàng bỏ việc bất cứ lúc nào... khiến chúng tôi hết sức lo lắng”. Lo lắng của Giám đốc Trung tâm dân số Con Cuông không phải là thừa khi trên thực tế, ở một số địa phương, nhiều cán bộ chuyên trách dân số đã xin nghỉ việc. Chỉ tính riêng năm 2011, toàn tỉnh có 42 cán bộ chuyên trách dân số xã nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác và từ năm 2008 đến nay con số đó đã lên đến 202 người.
Một số cán bộ chuyên trách nghỉ việc, không chỉ gây khó khăn cho công tác DS-KHHGĐ ở địa phương mà còn tạo tâm lý dao động cho đội ngũ này ở cơ sở. Và sự thiếu hụt này không thể một sớm một chiều có thể bù đắp được. Việc tìm người khác thay thế không phải là chuyện dễ dàng, người mới tiếp cận thiếu kinh nghiệm tuyên truyền sẽ là “rào cản” đối với công tác dân số ở cơ sở... Áp lực công việc, mòn mỏi đợi chờ, giờ đây nhiều cán bộ chuyên trách đang ở trong tình trạng “đi cũng dở, ở không xong”.
Chị Bùi Thị Thúy Dung - cán bộ chuyên trách dân số xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) làm công tác dân số từ năm 2005, đảm nhận “hai vai”: cán bộ chuyên trách dân số xã và thường vụ phụ nữ xã nhưng mức phụ cấp hàng tháng chị nhận được vẫn chưa nổi 1 triệu đồng. Năm 2008, khi nghe tin cán bộ chuyên trách dân số xã được tuyển dụng vào biên chế, chị đã vay mượn, xoay xở để học thêm Đại học Luật, chuẩn hóa bằng cấp. Nhưng đến nay, giấc mơ vào biên chế của chị có nguy cơ sụp đổ khi năm nay, chị đã bước sang tuổi 40 (theo qui định viên chức được tuyển dụng lần đầu không quá 35 tuổi).
Trong tổng số 480 cán bộ chuyên trách dân số xã hiện nay, có 450 người đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về bằng cấp, trong đó số người ở độ tuổi 35 - 40 có 113 người và 59 người có độ tuổi trên 40. Việc chậm thực hiện chế độ, chính sách cho chuyên trách theo Thông tư 05 đã khiến cho số người nằm trong ngưỡng “nguy hiểm” về độ tuổi rơi vào tình cảnh bất an. Trong bối cảnh hiện nay, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta đang đặt ra nhiều thách thức như: Chênh lệch giới tính khi sinh, già hóa dân số, chất lượng dân số… Sự biến động trong đội ngũ cán bộ chuyên trách và nguy cơ thiếu hụt cán bộ dân số cơ sở sẽ gây ra những hệ lụy trong công tác dân số hiện nay.
Duy Nam