Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt: Bài học cho những kẻ ngông cuồng, ảo tưởng
(Baonghean.vn) - Vụ việc Nguyễn Năng Tĩnh (giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An) bị bắt tạm giam vì đã có hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, là bài học, sự cảnh tỉnh cho những kẻ ngông cuồng, ảo tưởng trên không gian mạng.
Là một giảng viên, đáng lẽ ra Nguyễn Năng Tĩnh phải thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của một người thầy giáo, góp sức vào sự nghiệp trồng người, thì Tĩnh lại đi ngược lại với công việc của mình đang làm, bỏ ngoài tai những lời khuyên của các đồng nghiệp, sự nhắc nhở, cảnh cáo của các cơ quan chức năng.
Lợi dụng cái gọi là “tự do ngôn luận”, trên trang Facebook cá nhân của mình, Nguyễn Năng Tĩnh đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các cơ quan chức năng lấy lời khai của bị can Nguyễn Năng Tĩnh sáng 30/5. |
Cũng trên trang facebook của mình, Nguyễn Năng Tĩnh còn đăng các hình ảnh “khoe” mình có mối quan hệ với những phần tử bất mãn, cực đoan và các thành viên phản động. “Đi với ma thì mặc áo giấy”, từ chỗ bày tỏ “ý kiến bất đồng”, Nguyễn Năng Tĩnh đã có hoạt động móc nối, lôi kéo và chịu sự tác động của một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước, phát tán, tuyên truyền các thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam bị can Nguyễn Năng Tĩnh đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cũng là lời cảnh tỉnh đến các đối tượng khác đang có âm mưu, hoạt động chống Nhà nước, hoạt động đi ngược lại lợi ích và truyền thống dân tộc.
Đây cũng là bài học cho “cư dân mạng”, đặc biệt là một số ít cán bộ, công chức thường thiếu cảnh giác với những thông tin xấu độc, không được kiểm chứng để chia sẻ cũng như bấm nút yêu thích bừa bãi.
Hàng ngày, trên các trang facebook, trong vô số thông tin được đăng tải, chúng ta vẫn thấy đâu đó những “ý kiến”, “quan điểm” có góc nhìn thiếu thiện cảm, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, công nhân viên chức, và cũng không ít người đã vội vàng thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share), các “ý kiến”, “quan điểm” trái chiều đó, theo kiểu “mình cũng đồng cảm”, “mình cũng có chính kiến”, mà không biết rằng, chính họ đã vi phạm vào những quy định của các cơ quan, tổ chức nơi mình đang công tác; và xa hơn nữa là vi phạm pháp luật và tiếp tay cho các phần tử phản động.
(Baonghean.vn) - Tổ chức phản động là tập hợp nhóm người có tư tưởng phản động, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng dùng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội để tuyên truyền, công kích, lôi kéo người dân tham gia, các hội, nhóm trá hình.Danh sách một số hội, nhóm, tổ chức phản động có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam
Trong thực tế, trên không gian mạng, Nhà nước ta đã có những quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Theo đó, công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội.
Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật; quy định rõ mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ công dân; “không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Tự do ngôn luận không thể là tự do công kích, bịa đặt, xuyên tạc, làm mất ổn định chính trị, gây ra nguy cơ cho an ninh quốc gia, xâm phạm đến quyền tự do sống bình yên của mọi người. Do đó, việc bắt tạm giam Nguyễn Năng Tĩnh để xử lý theo quy định của pháp luật là việc phải làm ngay!
Một phiên tòa xét xử các đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Ảnh minh họa: P.V |
Rất mong từ bài học của Nguyễn Năng Tĩnh sẽ cảnh tỉnh những người đang “vô tình hay cố ý” có những việc làm, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng! Bởi cuối cùng, những kẻ ngông cuồng, ảo vọng quyền lực, muốn làm “người hùng”, “thể hiện cái tôi”, “chính kiến”... trên các trang mạng xã hội, thông qua việc kích động, lôi kéo người dân chống phá Nhà nước, gây rối trật tự, hạ thấp uy tín của cơ quan công quyền… cũng phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.
(Baonghean.vn) - Nguyễn Năng Tĩnh bị khởi tố để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Năng Tĩnh về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam
6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng
Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Với 7 chương, 43 điều, luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 8 Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng.
Thứ nhất, sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Thứ hai, thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thứ ba, sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Thứ tư, chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
Thứ năm, lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Thứ sáu, hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.