Nguyên nhân khiến tháp Pisa nghiêng

11/01/2016 21:14

Tháp nghiêng Pisa, công trình nghiêng nổi tiếng nhất thế giới, là kết quả từ sự vô ý cũng như thiếu sót trong khâu lên kế hoạch của các kỹ sư.

 Tháp nghiêng Pisa là công trình nghiêng nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: meros.
Tháp nghiêng Pisa là công trình nghiêng nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: meros.

Theo Ancient Origins, tháp Pisa được thiết kế làm tháp chuông bên cạnh nhà thờ Pisa, trong quảng trường Piazza del Miracoli (Quảng trường màu nhiệm). Công trình này là một phần trong dự án xây dựng tại Piazza del Miracoli, Pisa, Italy. Ngoài tháp chuông và nhà thờ, các kỹ sư còn dự định xây một nhà rửa tội và nghĩa trang.

Tháp Pisa là công trình thứ ba được xây dựng trong dự án này, nhưng nó lại được hoàn thành sau cùng. Việc xây dựng bắt đầu năm 1173. Kiến trúc sư đảm nhiệm dự án là Bonanno Pisano và Gherardo di Gherardo. Tới năm 1178, ba trong số 8 tầng của tòa tháp được xây xong. Nhưng sau khi hoàn thành tầng thứ ba, tòa tháp mới bắt đầu nghiêng về phía bắc.

Một nguyên nhân dẫn tới việc tòa tháp bị nghiêng là do đặc điểm địa lý của chính thành phố Pisa. Tên gọi thành phố xuất hiện vào năm 600 trước Công nguyên, từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "vùng đất lầy lội". Do đó, nền đất mềm với thành phần chính là bùn, cát và đất sét, được cho là thủ phạm dẫn tới độ nghiêng của tháp Pisa.

Nhiều tòa nhà khác tại Pisa cũng bị nghiêng do được xây trên nền đất mềm, trong đó có nhà thờ San Nicola từ thế kỷ 12 ở phía nam tháp nghiêng và nhà thờ San Michele degli Scalzi ở phía đông tòa tháp.

Bên cạnh đó, móng tháp được làm từ hỗn hợp đất sét đặc và sâu khoảng ba mét. Nền móng này không đủ cứng và sâu để đỡ trọng lượng của cả tòa tháp. Hai yếu tố này kết hợp lại đã dẫn tới việc tháp Pisa bị nghiêng.

Các thợ xây dựng phát hiện việc tháp bị nghiêng, nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn quá trình đó. Họ làm các cột trụ và mái vòm ở phía bị nghiêng cao hơn để tiếp tục xây lên tầng thứ tư. Tuy nhiên, việc xây dựng tháp tạm ngừng gần một thế kỷ do Pisa liên tục có chiến tranh với các thành phố khác.

Vào năm 1272, công trình tiếp tục được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Giovanni di Simone. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Pisa với Genoa năm 1284 khiến việc xây dựng tòa tháp phải ngừng lại. Khi đó, ba tầng tháp được xây thêm. Điều này làm trọng tâm của tháp thay đổi, dẫn đến tháp nghiêng theo chiều ngược lại. Năm 1319, tầng thứ 7, nơi đặt chuông, được khởi công xây dựng. Đây cũng là tầng cao nhất của tháp và hoàn thành vào năm 1372.

Ban đầu, độ nghiêng của Tháp Pisa chỉ là 0,2 độ. Qua nhiều thế kỷ, con số này lên tới 5,5 độ vào năm 1990. Chênh lệch mặt phẳng giữa đỉnh tháp và chân tháp là 4,6 m. Do đó, trong những năm tiếp theo, một dự án được triển khai để ổn định tòa tháp này.

Nền đất bên dưới tháp được san phẳng, các thiết bị neo giữ cũng được lắp đặt. Tòa tháp trở nên chắc chắn hơn, nhưng vẫn tiếp tục nghiêng dần. Đây không phải lần đầu nhà chức trách tìm cách ngăn chặn việc tháp bị nghiêng. Năm 1934, nhà độc tài Mussolini từng cố gắng làm điều đó, nhưng nỗ lực phản tác dụng và làm tăng độ nghiêng của tháp.

Năm 2008, nỗ lực thứ hai giúp tòa tháp thẳng hơn 48 cm so với trước. Đây là lần đầu tiên tòa tháp ngừng dịch chuyển trong vòng 800 năm. Các chuyên gia ước tính tháp nghiêng Pisa sẽ ổn định trong vòng ít nhất là 200 năm nữa.

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nguyên nhân khiến tháp Pisa nghiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO