Nguyên nhân và cách xử lý xe ô tô bị nổ lốp
(Baonghean.vn) - Trời càng nắng nóng, nguy cơ nổ lốp xe ô tô càng cao, gây mất cân bằng xe và dẫn đến tai nạn giao thông nếu như không xử lý tình huống đúng cách.
Khi đang vận hành trên đường rủi ro do lốp xe nổ bất ngờ luôn rình rập. Vậy, phải làm gì để hạn chế tình huống này xảy ra và xử lý ra sao khi lốp xe bất ngờ phát nổ ở tốc độ cao?
Trước tiên, cần xác định nguyên nhân dẫn tới nổ lốp, để có thể hạn chế tối đa tình huống xấu nhất có thể xảy ra, việc nổ lốp bất ngờ trên đường do 4 nguyên nhân:
Lốp thiếu hơi
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nổ lốp, theo nguyên lý hoạt động của xe, áp suất không khí trong lốp có nhiệm vụ nâng toàn bộ trọng lượng của xe và trọng lượng của hành khách, hành lý. Lốp thiếu hơi đồng nghĩa với việc vỏ xe phải gánh thêm “trách nhiệm” dẫn đến các thành phần cấu tạo của lốp như dây thép, cao su, gai lốp và tanh lốp sẽ phải hoạt động quá công suất.
Ngoài ra khi thiếu hơi, lốp sẽ không được làm mát đủ, cộng thêm diện tích ma sát giữa lốp với mặt đường gia tăng nên gây ra tình trạng quá nhiệt và phát nổ.
Để hạn chế việc bị thiếu hơi, bạn nên kiểm tra thường xuyên bánh xe thông qua đồng hồ đo áp suất cầm tay hoặc bạn có thể lắp thêm bộ cảm biến áp suất lốp để có thể quan sát liên tục hơi trong vỏ xe. Khi bơm xe, bạn cũng cần tuân thủ theo các thông số về áp suất, thường được dán phía sau cửa tài xế.
Quá tải
Đây là “vấn nạn” muôn thuở của các xe tải. Việc chở quá tải trọng vô tìnhđặt lốp xe vào tình trạng “giới hạn tải trọng cực đại”, khi đó, nhiệt sinh ra trong quá trình ma sát với mặt đường và việc phải đi qua các đoạn đường lồi lõm sẽ khiến sức chịu đựng của vỏ đi quá giới hạn, dẫn đến tình huống nổ lốp là điều khó tránh khỏi.
Rơi ổ gà
Đây là thứ sẽ “giết” vỏ xe ngay lập tức, trường hợp nặng nó có thể phá hủy luôn cả mâm. Rơi xuống ổ gà khi vận tốc thấp sẽ chỉ khiến bạn khó chịu nhưng ở vận tốc cao, sức ép từ mặt đường sẽ làm bể vỏ, cấn nứt mâm và trầm trọng hơn là gãy giảm sốc. Nếu bạn đang đi xe thể thao với mâm kích thước lớn, đồng nghĩa với việc độ dày thành vỏ sẽ rất mỏng nên chỉ cần cấn những gờ nhỏ hoặc đá ở tốc độ cao, rất có thể vỏ sẽ bị nổ ngay lập tức.
Vì vậy, không nên đi tốc độ vừa phải nếu bạn không quen đường và khi tầm nhìn bị hạn chế, các hố sẽ rất khó nhận biết ở khoảng cách xa đặc biệt khi bạn di chuyển quá nhanh.
Lốp quá cũ
Theo khuyến cáo các nhà sản xuất, nên thay lốp sau 50.000 km và tùy điều kiện đường sá, nếu thường xuyên đi đường xấu thì nên thay sau 40.000km hoặc không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất bất kể lốp có đi ít hơn khuyến cáo.
Khi để lốp quá cũ, lốp sẽ mòn đến điểm giới hạn và khi di chuyển tốc độ cao, các tác nhân như nhiệt độ, áp suất, sức chịu tải sẽ phá hủy lốp xe.
Cách xử lý khi xe bị nổ lốp
Để xác định nổ lốp, chỉ cần nghe 3 âm thanh sau đây: Đầu tiên là tiếng nổ rất to, do vỏ xe bị áp suất phá hủy, sau đó là tiếng xịt rất mạnh của hơi thoát ra ngoài và cuối cùng là tiếng “phịch phịch” của vỏ cao su cọ sát với mặt đường.
Trường hợp khác nếu lốp bị “thổi bay” hoàn toàn, sẽ nghe được tiếng kim loại (mâm xe) ma sát xuống đường. Vậy chúng ta phải thao tác như thế nào để thoát khỏi việc bị mất lái hoặc đâm vào xe khác.
Khi phát hiện lốp xe có dấu hiệu bị nổ và xe đang chạy tốc độ khá nhanh, người lái cần giữ sự bình tĩnh để có thể kịp thời xử lý bước tiếp theo. Một số chủ xe gặp tình huống thiếu may mắn này sẽ dễ dẫn tới sự hoảng loạn, mất kiểm soát tay lái và thậm chí gặp nguy hiểm vì vô tình đạp nhầm chân ga hoặc phanh gấp.
- Tránh phanh gấp: Khi nhận biết lốp xe bị nổ thì bước đầu tiên cần phải làm là rời ngay chân ga và rà nhẹ chân phanh, đặc biệt là tránh phanh gấp hoặc đạp mạnh chân phanh, thậm chí có cả ABS. Đồng thời, người lái cần giữ chắc tay lái (vô lăng) và lái ngược lại hướng xe bị trôi đi, nếu trong khu vực có dân cư thì phải quan sát hướng an toàn nhất nhằm tránh xảy ra va chạm.
Trong trường hợp này, tốt nhất là cố gắng không đạp phanh, lúc này hãy giữ thẳng và chặt vô-lăng để các hệ thống an toàn trên xe như cân bằng điện tử ESP, phân phối lực phanh điện tử EBD can thiệp và xử lý. Nếu bạn cố thao tác thêm một số động tác khác sẽ khiến bộ điều khiển trung tâm ECU khó xử lý tình huống.
-Không được rời chân ga đột ngột: Bởi khi đó xe chuyển trọng lượng từ bánh sau lên bánh trước và dẫn tới mất kiểm soát. Sau một vài giây chao đảo, xe sẽ lấy lại được thăng bằng và người lái có thể điều khiển xe.
- Kiểm soát tốc độ: Là một thao tác hết sức quan trọng trong việc xử lý tình huống bị nổ lốp bất ngờ trên đường, lúc này thao tác cơ bản đầu tiên đối với tài xế là rà chân phanh để giảm dần tốc độ của xe. Trong một số trường hợp do quán tính khiến cho xe vẫn chuyển động trượt dài về phía trước, lúc này người lái cần chủ động giữ tốc độ và di chuyển đều, tránh tình trạng phanh gấp có thể khiến xe bị nghiêng và lật nhào.
Bình tĩnh, giữ chặt tay lái bằng cả hai tay ở ví trí chuẩn để tránh bị mất lái (tay trái nắm vào vị trí hướng 10h và tay phải nắm vào vị trí hướng 2h). Sau đó giảm tốc độ từ từ và đạp phanh cho xe dừng lại hẳn khi đã kiểm soát được hướng lái.
- Chuyển hướng và đưa xe vào lề đường: Khi kiểm soát được tốc độ, việc tiếp theo là nhanh chóng di chuyển xe vào khu vực an toàn (thường là lề đường) để kiểm tra tình trạng lốp xe. Để đảm bảo an toàn, hãy bật tín hiệu xin đường hoặc sử dụng tới hệ thống đèn pha nhấp nháy khi trời quá tối hoặc thiếu sáng.
Trong trường hợp lốp xe nổ gây thủng nghiêm trọng gần như khó khăn di chuyển thì cách xử lý lúc này là dừng hẳn xe ở một vị trí trên đường, đồng thời tạo vật ra hiệu (nhánh cây bên đường chẳng hạn) để cảnh báo tới các phương tiện khác.
Để đảm bảo quá trình vận hành xe được an toàn
Lốp dùng cho bánh trước phải có chất lượng tốt nhất.
Hai lốp này cùng một kích thước và mòn đều nhau, lắp đúng chiều hoa, răng của nó. Nếu thấy gai mòn không đều nhau thì phải đi cân chỉnh tay lái hoặc đảo lốp. Khi đi trên đường, nếu phát hiện một lốp trước hỏng thì không nên dùng lốp sơ cua để thay thế mà phải chọn chiếc tốt nhất trong xe mình, dù phải tháo từ bánh sau.
Luôn bơm lốp đúng áp suất quy định; trang bị một chiếc đồng hồ để thỉnh thoảng đo lại áp suất lốp.
Khi mua lốp mới nên chú ý đọc ngày tháng sản xuất trên lốp. Lốp tuy mới nhưng lưu kho hơn 5 năm sẽ bị lão hóa. Khi thay lốp mới, tài xế nên ghi chép lại thời điểm và chỉ số km ở đồng hồ. Lốp dù có chất lượng cao cũng không nên dùng quá 80.000 km đối với xe tải và 40.000 km đối với xe du lịch.
Làm chủ tốc độ, kiểm soát được mặt đường để tránh cán phải vật cứng, sắc nhọn.
Giữ khoảng cách an toàn, khi không muốn vượt thì đừng bám sát xe trước quá, hãy giữ khoảng cách khi đã đọc được biển số xe đó.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|