Nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn

27/06/2014 17:47

(Baonghean.vn) - Câu hỏi 33. Nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn được quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 như thế nào?

Trả lời: Tại Điều 15, Mục 2, Phần II, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau:

"Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thóa thuận ngược lại...". Hay tại Điều 74, Phần V Công ước quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau: "Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng"... thường được gọi là theo "nguyên tắc công bằng".

Ngoài ra, Công ước của LHQ về Luật Biên năm 1982 còn quy định về các giải pháp tạm thời khi các bên có liên quan đàm phán phân định các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn, nhưng chưa đạt được giải pháp cuối cùng. Điểm 3, Điều 74 và Điểm 3, Điều 83 của Công ước quy định rõ, trong khi chờ ký kết thỏa thuận, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.

Thực tiễn, Việt Nam đã từng hoan nghênh và chủ động đưa ra giải pháp tạm thời đó, như thỏa thuận hợp tác khai thác chung khu vực 2800 km2 giữa Việt Nam và Malaysia, giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, hay như trong đàm phán giữa Việt Nam với Indonesia đang tiến hành và Việt Nam đã chủ động đề xuất hợp tác khai thác chung trên các vùng chồng lấn. Trong vịnh Bắc Bộ, mặc dù đã phân giới rõ ràng, Việt Nam vẫn sẵn sàng ký hiệp định đánh cá chung với Trung Quốc tạo điều kiện cho đôi bên giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho dân cư đôi bên từ trước đến nay vẫn tồn tại.

Gần đây, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc mỏ dầu vắt ngang qua đường biên giới trên vịnh Bắc Bộ, đó là những thực tiễn có ý nghĩa.

Rõ ràng là Việt Nam không từ chối các giải pháp tạm thời trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm "gác tranh chấp cùng hợp tác" do Trung Quốc đưa ra dựa trên yêu sách đường biên giới biển chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, chẳng dựa trên cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, để tạo ra "vùng chồng lấn" nhằm tìm mọi cách thực hiện chủ trương "gác tranh chấp cùng khai thác" trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam

Còn nữa

Mới nhất

x
Nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO