Nguyễn Thái Học: Bình lặng một con đường
(Baonghean) - Đôi khi không cần nhiều những dấu ấn con người hay sự vật, hoặc thời gian tuổi phố, thì phố ấy vẫn dễ được nhớ tên. Là bởi có thể phố đã sớm trở thành một trục đường quan trọng nối mấy phía phố phường và hai bên mặt phố có nét riêng với nhịp sống chầm chậm mặc cho đây đó dồn nén những khát khao của đô thị loại 1. Đó là phố Nguyễn Thái Học, Thành phố Vinh…
Đã vãn Giêng, những cây bàng nao nao lá đỏ. Trên vỉa hè, chiều chiều những bước chân thả bộ của mấy cụ già tóc bạc, như phụ họa cho một nhịp phố chầm chậm hiếm thấy. Đường Nguyễn Thái Học dài 1 cây số, nối đường Lê Hồng Phong từ phía Đông lên tuyến Trần Hưng Đạo – Trường Chinh phía Tây, trước đây nằm trong ranh giới nội thành của đô thị Vinh cũ. Hình thành cùng thời gian và đóng vai trò huyết mạch nội đô cùng với các tuyến Trần Phú, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Lê Lợi, Phan Chu Trinh… nhưng lạ là phố Nguyễn Thái Học cho đến giờ vẫn chưa có được nét chuyên doanh như các phố khác.
Phố có mặt Nam thuộc đất các phường Quang Trung, Đội Cung; mặt Bắc thuộc đất phường Lê Lợi. Hơn vài thập kỷ trước, hai bên phố còn lộ rõ những đất màu, ruộng nước ướt rượt gió đông và cát trắng chang mùa nắng hạ. Đầu những con ngõ nhỏ xuyên vào các khu tập thể, khu dân cư thưa thớt hầu như đều có những quán nước nhỏ bán chè xanh, kẹo lạc; vườn nhà dân khi đó còn phi lao, chuối và tre pheo với lấp ló chuồng lợn, chuồng gà đậm cảnh làng quê. Ngày chưa xa ấy, người cư ngụ ở phố này phần lớn là dân lao động, hầu như luôn phải có mặt ở công xưởng, nhà máy, hoặc tụ về các khu bến xe, ga tàu chạy xích lô, bốc vác… nên cảnh phố có phần quạnh vắng, nặng vẻ lam lũ.
Gần hơn chút về sau này, phố được nhớ đến một phần nhờ phía mặt Nam mọc lên ngôi nhà lớn ốp đá rửa hai tầng đầu tiên của một tư nhân ở thành phố - nhà của một ông chủ đại lý sơn; và chỗ siêu thị Maximark bây giờ là nhà của ông chủ hãng ắc-quy H.P nổi tiếng một thời. Không hiểu sao, cả hai nhà ấy sau đều phá sản. Trong khi, quán cơm bình dân biển hiệu “bà Căn” phía mặt Bắc phố thì cứ bền bỉ từ lè tè cấp bốn cũ kỹ nay đã lên tầng khang trang nhưng tưởng như tứ mùa, năm này qua năm khác, nhà hàng này mỗi ngày chỉ phục vụ chừng ấy khách và vẫn là những khuôn mặt khách cũ ấy…
Mươi lăm năm trước, khi chưa mở đường Lý Thường Kiệt (chạy từ Bến xe Vinh lên ngã ba Bãi than cũ ở Đông Vĩnh), thì đường Nguyễn Thái Học gánh nặng phần lưu thông quan trọng cho dễ cả một phần ba dân cư phía Nam phường Lê Lợi. Cùng với kiến thiết làm khang trang lên mặt phố, thì đường Nguyễn Thái Học gần như nhộn hơn về đêm nhờ các hàng xáo vịt bánh mướt đầu phía Tây phố, nấu lấy vị cay làm nét ẩm thực chủ đạo, nhưng quả đã trở thành món ngon của ẩm thực bình dân một thời của Vinh vậy.
Sau đó là nhà hàng lẩu trưng biển “bà Xoan” khai trương (gần phía nhà hàng cơm bà Căn) phất lên nhanh để nay thương hiệu “lẩu bà Xoan” đã mở ra ở nhiều phố khác. Có lẽ nói đến phát triển dịch vụ thì hàng ẩm thực ở phố Nguyễn Thái Học là dễ “vượng” hơn cả, như các hàng cơm tám, gà Thượng Hải, lẩu rau rừng… đều phất lên từ đây và khi đã hút khách, quán cũ chật chội đều mang thương hiệu đi mở mới nơi khác khang trang hơn!
Những cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: H.T |
Nhưng, dấu ấn phố mới thực sự khang trang, hiện đại ở đường Nguyễn Thái Học phải kể bắt đầu từ khi siêu thị Maximark – siêu thị hiện đại đầu tiên của Vinh - được xây dựng. Loại hình dịch vụ mới mẻ, văn minh ấy một thời từng hút người phố đến nỗi trẻ con được cho đến Maximark Nguyễn Thái Học là như một phần thưởng lớn cho thành tích học tập, chăm ngoan; lớp trẻ yêu nhau dẫn nhau vào Maximark cứ coi như là một sự quan tâm, chăm sóc nhau chu đáo có phần lãng mạn; và các mẹ, các chị thì hễ rảnh là lao đến siêu thị ấy, đôi khi chỉ để mê mẩn ngắm nghía cho thỏa mà thôi. Bây giờ thành phố đã mọc lên nhiều siêu thị làm nhãng đi cái đông đúc trước kia của Maximark Nguyễn Thái Học, nhưng có thể nói siêu thị này đã làm nên “dấu ấn siêu thị” đối với người Vinh vậy.
Sau siêu thị Maximark, đường Nguyễn Thái Học được nhắc tới nhiều nhờ mặt Nam mọc lên khu chung cư Đội Cung, là khu chung cư đô thị mới thứ hai được xây dựng sau chung cư Nguyễn Sỹ Sách ở Hưng Dũng, từng làm chấn động tới “thời tiết” bất động sản ở Vinh. Mặc dù các khu nhà tập thể Quang Trung đã đông đúc trước đó hàng mấy chục năm, nhưng có lẽ khái niệm “ở chung cư” với các tiêu chí của nó bắt đầu hình thành trong tư duy của người Vinh từ khi các chung cư Nguyễn Sỹ Sách và Đội Cung ra đời. Nhưng cả khi khối chung cư nằm bám mặt đường như thế, mà mặt tiền vẫn không có cái sôi động, nhộn nhịp biển hiệu dịch vụ thường thấy như ở các chung cư bám mặt phố chính khác được xây dựng sau này.
Dường như cái âm hưởng có phần bình lặng ấy là từ lan tỏa của nhịp phố chậm ngay cả còn rất nhiều nhà dân bám mặt đường vẫn không cho thuê hay tự mở dịch vụ buôn bán. Phố không trở thành chuyên doanh, khá phong phú nhiều loại hình dịch vụ dù không có cái quy mô lớn nhưng cũng đủ để trong đó có một vài thương hiệu thiện cảm của nhà hàng may mặc, hiệu cắt tóc, cà phê… Gần đây, khi Trường Đại học Công nghiệp Vinh được xây dựng đã cùng với chung cư Đội Cung, Công ty CP Đầu tư Phát triển miền Trung tạo ra một quãng dài thoáng đãng mặt Nam phố, thì phía mặt Bắc đối diện, trước Trung tâm Chỉnh hình – phục hồi chức năng Vinh kéo lên các nhà tập thể cấp 4 cũ kỹ sót lại từ thời bao cấp, là cả một quãng vỉa hè rộng rãi, cũng chỉ để mỗi khi chiều xuống, vài ba hàng nước chè rải bàn ghế phục vụ sinh viên mà thôi.
Những dịch vụ mở ra, gầy dựng được thượng hiệu lại đi tìm mở nơi khác nhộn nhịp hơn; những kiến thiết khang trang, hiện đại mọc lên nhưng vẫn một nét bình lặng riêng có; và, cư dân của phố người cũ người mới dường như đều một vẻ nhàn tản, thân thiện... tất cả làm nên một nhịp phố chầm chậm đến bất ngờ của đường Nguyễn Thái Học, khiến phố trở nên thân thương hơn đối với cư dân phố và là ấn tượng đầy thiện cảm đối với khách lại qua để dễ nhớ một tên đường.
Nguyễn Thái Học sinh năm 1902, tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1921 ông thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 1925 - 1927 ông ghi danh học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương; ông đã nhiều lần cùng một số sinh viên khác gửi thư yêu cầu Toàn quyền Đông Dương thi hành một số cải cách tiến bộ ở Việt Nam nhưng không được đáp ứng… Tháng 12/1927, ông trở thành người lãnh đạo tối cao của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 9/2/1929 tại chợ Hôm (Hà Nội) xảy ra vụ trùm mộ phu Ba-danh bị đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ám sát, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và lùng bắt gắt gao những đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong bối cảnh đó, tháng 2/1930 Nguyễn Thái Học và lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng đã quyết định tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái với chủ trương bạo động. Lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ được tỉnh lỵ Yên Bái trong 2 ngày, sau đó bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương). Ngày 17/6/1930, ông cùng với 10 đảng viên khác của Việt Nam Quốc dân Đảng bị xử tử tại pháp trường Yên Bái. Tên ông hiện nay được đặt tên đường ở nhiều đô thị trên cả nước. |
Đình Sâm