Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn mạnh mẽ cải cách và quyết tâm hội nhập
Gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ (1997 - 2006), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhìn nhận với vai trò người có tư tưởng cải cách, hội nhập. Trong tâm thức của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn được đánh giá cao, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.
Xin trích đăng bài phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về cảm nhận của ông đối với vị Thủ tướng được mệnh danh: Nói ít hơn làm.
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng ở Hoa Kỳ. |
Thưa ông, là người từng sát cánh cùng nhiều chuyên gia, học giả giúp đỡ nguyênThủ tướng Phan Văn Khải những ngày đầu khi Chính phủ của Thủ tướng Khải mới nhậm chức, xin ông cho biết những cảm nghĩ về nguyên Thủ tướng?
- Điều tôi nhớ nhất là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khá gần gũi với giới chuyên môn và lãnh đạo có chuyên môn. Ông Khải từng học kinh tế tại Liên Xô, đã từng kinh qua các chức vụ ở Vụ Tổng hợp ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, làm Trưởng phòng và sau đó đi vào Nam làm ở Ban Kinh tế trung ương Cục, Chủ tịch Ủy ban UBND TP.HCM, sau đó ra Hà Nội ông làm Phó Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), rồi Thủ tướng sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt rời nhiệm sở.
Kể từ khi ông Khải lên, khá nhiều thử thách đặt ra cho ông. Tháng 9/1997, lúc đó Khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, các nước Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước châu Á chịu tổn thất nặng nề. Chính phủ của Thủ tướng Khải có công chèo chống và đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng như: khống chế lạm phát, chính sách tài khóa, tín dụng rất hợp lý...
Những biện pháp tạm thời và có chiều sâu sau này giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù tăng trưởng thấp 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng tai hại như các nước khác như Hàn Quốc và Thái Lan.
Thành tựu về kinh tế của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhiều người nhắc đến chính là ban hành được Luật Doanh nghiệp năm 1999, là cơ sở, nền tảng cho sửa đổi các chính sách kinh tế sau này, ông đánh giá như thế nào về chính sách điều hành kinh tế của nguyên Thủ tướng?
- Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. Chính ông trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và chính ông đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội.
Tuy nhiên, đến khi Luật được thông qua, các bộ và địa phương không thực hiện vì nhiều nơi bị cắt bỏ quyền lực, dẫn đến chậm trễ, chây ỳ.
Tôi thấy rằng, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, lần đầu tiên có một sắc luật của Việt Nam đã tự tước bỏ quyền lực của Chủ tịch các tỉnh. Trong đó có chữ ký của Chủ tịch tỉnh thì doanh nghiệp mới được phép thành lập. Thay vào các quy định ràng buộc, Luật cho phép người dân được quyền tự làm những việc gì mà Nhà nước không cấm.
Đây chỉ là một trong những ví dụ thôi, còn có khá nhiều quyền lực, thói quen cũ bị cắt bỏ. Thực sự, quá trình loại bỏ những vấn đề này rất khó khăn, đối mặt với rất nhiều áp lực, phản đối của giới chủ tịch tỉnh, thậm chí lãnh đạo các đơn vị bộ, ngành.
Kế thừa những quan điểm điều hành kinh tế quyết liệt từ thời Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã lãnh đạo kinh tế đất nước được xem là "trong ấm, ngoài êm" như việc phát triển Tổ tư vấn Kinh tế thành Ban Nghiên cứu hay chủ động đề xuất ký hợp tác thương mại với Mỹ, ông có nhìn nhận gì về vấn đề này?
- Ngày ấy, sau khi có Luật Doanh nghiệp, lần đầu tiên Thủ tướng lập Tổ công tác của Chính phủ về triển khai Luật và giảm các giấy phép con, trong đó ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, tôi là Tổ phó, các ông Uông Chu Lưu, Phạm Viết Muôn... là thành viên.
Chúng tôi làm việc, xem xét phát hiện rất nhiều quy định hạn chế quyền của doanh nghiệp như: đánh máy chữ cũng 3 tháng phải xin phép 1 lần; nhặt giấy vụn, vẽ tranh truyền thần phải xin phép; doanh nghiệp tư nhân không được đóng sà lan 20 tấn...
Chúng tôi đã phát hiện gần 600 giấy phép con và trình lên Thủ tướng, Ông Khải sau đó đã ký lệnh bãi bỏ 286 giấy phép con (gần 1 nửa giấy phép con) và làm cho kinh tế tư nhân bùng lên sau này.
Chính Thủ tướng Khải trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký chính thức năm 2001 và Thủ tướng Khải cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống Bush tại Nhà trắng vào năm 2005, mở ra triển vọng hợp tác rộng và mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Dưới sự lãnh đạo Chính phủ của Thủ tướng Khải, nền kinh tế Việt Nam không những tăng trưởng cao mà còn ổn định. Ông cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Các quan điểm và di sản này đã để lại di sản cho thế hệ lãnh đạo sau này.
Còn về hoạt động của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng lúc ấy thì sao thưa ông. Người ta được biết đây là một trong những "bộ máy" giúp việc rất hiệu quả cho Thủ tướng điều tiết kinh tế cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn?
- Ông Khải là người rất tôn trọng và am hiểu ý kiến của các chuyên gia kinh tế của mình. Ngay từ khi ông lên làm Phó Thủ tướng dưới Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã rất quan tâm đến di sản của Thủ tướng Kiệt để lại là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và ông cũng khá sát sao với các chuyên gia kinh tế.
Sau khi lên làm Thủ tướng, ông Khải nâng Tổ tư vấn lên làm Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, làm việc tại số 10 Lê Hồng Phong. Là người Thủ tướng rất am hiểu và tôn trọng ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là tiếng nói ngược đối với các chính sách hoặc quan điểm kinh tế.
Ngay cả những văn bản mà Phó Thủ tướng Thường trực đệ trình lên Thủ tướng đề nghị ký ban hành nhưng sau đó Thủ tướng vẫn cẩn trọng gửi văn bản đó đề nghị Ban Nghiên cứu xem, 6 rưỡi sáng hôm sau đưa lại cho Thủ tướng.
Chúng tôi cùng đội chuyên gia làm việc, chữa đỏ văn bản đó rồi thuyết minh ra 3 trang A4 có Trưởng và Phó ban ký gửi sang cho Thủ tướng Khải kiểm tra và Thủ tướng yêu cầu sửa lại. Những việc nhỏ nhưng áp lực điều hành lúc này rất căng thẳng nhưng Thủ tướng đã vượt qua.
Ngay cả việc trước đây họ đưa kiến nghị xây dựng đường Quốc lộ 1A thành đường BOT có thu phí. Nhưng lúc đó, chính Thủ tướng Phan Văn Khải đã bác bỏ ngay đề xuất trên và yêu cầu làm BOT phải làm ở đường mới, chứ không thể làm đường độc đạo được. Nguyên tắc ấy đã được nêu lên từ thời Thủ tướng Khải.
Tôi nhớ có lần anh em Ban Nghiên cứu chúng tôi có bữa ăn trưa tại Lê Hồng Phong, có cả tiến sĩ Vũ Quang Việt ở nước ngoài về gặp mặt. Bất ngờ hôm đó Thủ tướng Khải tham dự với toàn bộ anh em. Lúc đó, anh ấy (Thủ tướng Phan Văn Khải) nói rất thẳng thắn về những khó khăn của mình khi những ý kiến mà chuyên gia kiến nghị nhưng khi Thủ tướng đưa ra cấp cao hơn đã không nhận được đồng thuận..
Có thể nói, lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải như một người Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này.
Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!