Nguyễn Văn Tý: Người đi, dư âm và khúc tâm tình còn mãi

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi âm nhạc. Ông sinh năm Giáp Tý (1924) tại Vinh (Nghệ An), vùng đất của những câu ca điệu ví, trong gia đình truyền thống âm nhạc, lại được một linh mục người Tây Ban Nha dạy nhạc lý từ nhỏ. Khi làm ca sĩ ở phòng trà Moongate (Vinh) ông may mắn gặp một nhạc sĩ người Thượng Hải dạy đánh đàn Hạ uy di theo phong cách Mỹ. Đến khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông được các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên dìu dắt… Có lẽ, vì nhiều mối lương duyên đẹp với âm nhạc như thế mà trong âm nhạc của Nguyễn Văn Tý vừa có sự ngọt ngào của những âm hưởng dân ca, vừa đầy màu sắc tươi mới và đậm cá tính sáng tạo.

Lại nhắc về nhạc sĩ ở thế hệ ông, vốn được coi là lớp nghệ sĩ vàng ròng của âm nhạc Việt Nam với dòng nhạc Tiền chiến. Nguyễn Văn Tý chỉ có duy nhất một bài: Dư âm. Tác phẩm đầu tay của ông là bài hát Ai xây chiến lũy được viết 1949, chỉ một năm sau đó, Dư âm ra đời và ghi danh chàng trai trẻ 26 tuổi Nguyễn Văn Tý vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Cho đến nay – gần 70 năm – và cả mai sau, dư âm của bài hát ấy chắc chắn còn lại mãi giá trị của nó cùng với những bài hát “vàng ròng” bất hủ của dòng nhạc tiền chiến, tân nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ấn tượng của ông trong rất nhiều ca sĩ là sự chỉn chu, nghiêm túc với nghề. Bản thân người viết bài từng có kỷ niệm nhỏ với bài học ý nghĩa từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Khi tôi vẫn còn là sinh viên thực tập ở một tòa soạn báo, đến nhà ông viết bài, gặp ngay lúc nhạc sĩ đang còng lưng rị mọ… sửa từng nốt nhạc. Đêm hôm ấy, ông có một chương trình đêm nhạc nhân dịp cuối năm ở khách sạn nổi tiếng. Ban tổ chức chuyển đến ông mấy trăm cuốn nhạc tuyển tập ca khúc Nguyễn Văn Tý để xem lại lần cuối trước khi phát tặng khách mời, không may có một số sai sót không đáng kể trong phần nhạc. Nhìn nhạc sĩ tuổi đã quá cổ lai hy từ rất lâu vẫn tỉ mẩn, dò dẫm từng cuốn sách để sửa. Nhìn thương quá, tôi nói với ông rằng, có khi người ta không để ý đâu bác. Ông nói: Không được, là nhạc sĩ phải tôn trọng từng nốt nhạc của mình, không để in sai được. Không được dễ dãi dù chỉ là việc in sai một, hai nốt nhạc. Anh không tôn trọng thì ai tôn trọng nhạc anh?”.

NSND Thu Hiền sẻ chia, nhạc của Nguyễn Văn Tý bay lên từ phân gio, bùn đất đồng ruộng, mang những vị ngọt thơm của nếp mới, gạo mới, của vị khói đốt đồng. Kể cả khi ông viết tình khúc đôi lứa, thì những giai điệu ấy cũng như những sợi tơ rút ruột mà ra, chân thành đến mê hoặc lòng người chứ không bay bổng dù vẫn là tiếng đàn, là gió, là trăng đi nữa… Điều này làm nên cá tính âm nhạc Nguyễn Văn Tý, khác với nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ ông, ca từ luôn bóng bẩy, chau chuốt.

NSND Thu Hiền kể, lần đầu gặp Nguyễn Văn Tý là khi chị hát bài Khúc tâm tình người Hà Tĩnh. Dù bài hát này, trước đó có chị Hương Loan đã hát trên sóng phát thanh vào năm 1974. Hôm thu thanh, nhạc sĩ đến nghe, ông nói: Để tao qua nghe thử con bé này hát thế nào. Rồi chỉ khi tôi hát mấy chữ đầu tiên: “Chư đi mô…” ông đã thốt lên: “Được, con bé này hát được. Sao mày lại hát được đúng chất giọng vậy?”. Tôi chia sẻ với bác, cháu đã ở xứ Nghệ, đi khắp dải miền Trung bao năm chiến tranh rồi… Sau đó, từ 1975 bài hát được thường xuyên phát sóng Phát Thanh. Đến Người đi xây hồ Kẻ Gỗ thì tôi được chọn là người đầu tiên hát cùng anh Kiều Hưng.

Tôi có mối tình đầu thật ngọt ngào với người xứ Nghệ, có những tháng năm hành quân suốt thời niên thiếu thời tuổi trẻ trên đường 7, ở Cây Chanh, Con Cuông, đi qua Truông Bồn, Đồng Lộc còn nghe mùi pháo súng, cảm nhận được cả mồ hôi, nước mắt, máu và thịt xương của các anh chị đổ xuống. Có những thời khắc mà lằn ranh sống và chết rất gần nhau. Tôi còn nhớ cả kỷ niệm nhỏ như có lần đi qua đồi cọ Hương Sơn, trời lạnh tê tái, nhìn lên là những tán cọ chen nhau thật đẹp. Tôi 16 tuổi, bé xíu nhất đoàn nên đi đầu, bất chợt gặp ánh mắt của một cậu bé nhà nghèo xứ Nghệ. Đôi mắt thật đẹp, sáng trong dù làn da em trắng bệch vì rét. Tôi liền cởi áo khoác của mình tặng em mặc, trùm áo mưa cho bớt lạnh rồi tiếp tục hành quân. Và kỷ niệm khi chân ngập bùn đến đầu gối lội ra hồ Kẻ Gỗ hát cho những anh em công trường nghe ca khúc này… Những ân tình ấy giúp tôi đồng cảm với âm nhạc của bác, mỗi khi cất tiếng hát lại như cất lên tiếng lòng, về vùng đất có những kỷ niệm và con người mà tôi khắc mãi trong tim.

“Còn với Dáng đứng Bến Tre, khi hát, tôi mang tâm trạng của người phụ nữ đã có những tháng năm đóng góp trong kháng chiến, nên cũng thấy thật gần gũi với những người phụ nữ tóc dài, những dáng hình “tóc ai dài làm nên dáng đứng Bến Tre”, làm nên lịch sử. Tôi đặc biệt yêu quý và thần tượng nữ tướng Nguyễn Thị Định và được bà dành nhiều tình cảm nên dù chưa đến xứ dừa khi hát bài này lần đầu, vẫn có những cảm xúc sâu sắc để cất lên tiếng hát về vùng đất Đồng Khởi vất vả anh hùng. Âm nhạc của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý khắc ghi trọn vẹn những ân tình của tôi với những miền đất, con người tôi yêu”.

NSND Thu Hiền chia sẻ, suốt đêm qua chị thao thức và chia sẻ với chồng mình ý tưởng sẽ bàn với NSND Quang Vinh, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức đêm nhạc Nguyễn Văn Tý. Đêm nhạc sẽ mời những học trò Sao Mai của chị, bạn bè chị là những người con vùng đất xứ Nghệ như NSƯT Tố Nga, Phạm Phương Thảo… để cùng hát về người nghệ sĩ tài hoa này. Đây có thể xem là nghĩa cử cuối cùng chị có thể làm với người nhạc sĩ kính yêu nên chị rất đau đáu.

Ca sĩ Ánh Tuyết vẫn nhớ mãi kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong chương trình kỷ niệm 35 năm ca hát của chị ở Cung Lao Động (quận 1). Khi chị thể hiện bài hát Mẹ yêu con được nửa bài, ông đã lên sân khấu, cầm mic và nói: “Đây mới đúng là hát ru con”. Ấn tượng của chị về ông là người luôn gần gũi và dành cho hậu bối những lời động viên to lớn. Trong ấn tượng của ca sĩ Ánh Tuyết vẫn giữ hình ảnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trung niên là người rất phong độ và khéo ăn nói. Ông có thể nói về lịch sử âm nhạc Việt Nam cả buổi mà không thấy chán. Ông cũng là một trong số hiếm những nhạc sĩ viết các bài tỉnh ca theo “đơn đặt hàng” mà vẫn đậm giá trị nghệ thuật. Theo chị, “Ông là một trong số cây đa, cây đề hiếm hoi của nhạc Việt ngang tầm với Phạm Duy, Văn Cao về trình độ âm nhạc, kiến thức…”.

Với Nguyễn Văn Tý, có thể xem âm nhạc là tình yêu bất tử với ông. Dù cuộc đời ông có những thăng trầm, nếm trải nhiều đổi thay cay đắng của lòng người, của thân phận; có những tháng năm sống khổ hạnh trong đói nghèo khi chủ yếu sống với tiền tác quyền… thì âm nhạc vẫn luôn là nguồn nhựa sống ấm áp để người nghệ sĩ ấy nương mình vào.

Và có lẽ vì thế, cho đến cùng, khi khép lại một hành trình đời người, nhớ về Nguyễn Văn Tý, chẳng còn gì đẹp hơn ngoài âm nhạc với những dư âm và khúc tâm tình người nghệ sĩ rút ruột tặng đời, tặng người.