Nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Tiên: Một đời tận hiến

Mai Hoa 19/06/2023 19:30

(Baonghean.vn) - Hơn 80 tuổi đời và tròn 60 tuổi Đảng, nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Tiên vẫn luôn trăn trở với nghề, dõi theo sự phát triển của báo chí trong xu thế hội nhập.

MỘT ĐỜI CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP BÁO CHÍ

Tháng Năm vừa qua, trong đợt xét tặng Huy hiệu Đảng dịp 19/5/2023, ông Nguyễn Thanh Tiên - nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Đây là niềm vinh dự, khẳng định sự ghi nhận, tri ân của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp, trọn một đời đi theo Đảng, vì sự nghiệp cách mạng của ông; cũng là dịp ông nhìn lại quá trình phấn đấu rèn luyện của mình suốt chặng đường đi theo Đảng.

Trải qua quá trình tham gia công tác thông tin tuyên truyền của Đảng, với nhiều vị trí khác nhau, năm 1987, do yêu cầu công tác tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Thanh Tiên được BTV Tỉnh uỷ điều động về giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh - chính thức bước vào “con đường” làm báo chuyên nghiệp. Theo ông Tiên, từ cán bộ tuyên huấn - nghề “nói” chuyển sang nghề “viết” là bước ngoặt trong cuộc đời ông, đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi bản thân phải thật sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi không ngừng từ chính bạn bè, đồng nghiệp.

Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng (thứ nhất phải sang) làm việc với Báo Nghệ An (ông Nguyễn Thanh Tiên - Phó Tổng Biên tập ngồi thứ tư trái sang). Ảnh tư liệu: Lan Xuân

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ông tiếp tục đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Và từ năm 1993 được bổ nhiệm Tổng Biên tập (1993 đến 2000), làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An (giai đoạn 1994 - 2004). Với 13 năm làm công tác quản lý cơ quan báo chí và 10 năm làm công tác Hội, những ý tưởng, quyết định “chưa có tiền lệ” của ông và Ban Biên tập Báo Nghệ Tĩnh, Báo Nghệ An, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Nghệ An đã đặt nền móng cho Báo Nghệ An nói riêng và báo chí Nghệ An phát triển, nhất là trong việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm báo.

Nhớ lại thời điểm tách tỉnh, để đảm bảo có đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, cộng tác viên làm báo giỏi, ông Nguyễn Thanh Tiên đã cùng Ban Biên tập Báo Nghệ An đặt vấn đề với lãnh đạo Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa khoá đào tạo đại học tại chức về tỉnh đầu tiên. Đó là lớp đại học tại chức báo chí khóa 1 (1992 - 1995) với 48 người theo học; sau đó mở tiếp khóa 1996 - 2000 và hoạt động này được duy trì đến nay. Lớp tại chức báo chí tại Nghệ An được tổ chức đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, cán bộ quản lý “tay ngang”, trái ngành, trái nghề mà chính ông Nguyễn Thanh Tiên cũng tham gia khoá học đầu tiên. Ông Tiên chia sẻ, cơ quan báo là cơ quan chính trị, là công cụ tư tưởng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà; cơ quan báo là cơ quan văn hoá; là cơ quan ngoại giao, nơi tiếp cận bạn đọc, cán bộ các cấp và bạn bè đồng nghiệp trong cả nước. Vì vậy, với tư cách là lãnh đạo quản lý tờ báo, ông luôn chú trọng rèn cán bộ, phóng viên thực hiện đúng phong cách làm báo là làm chính trị, làm văn hoá, làm ngoại giao.

Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tiên tại Hội báo Xuân toàn quốc Xuân Bính Tý 1996 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bản thân ông cũng đặt ra 3 tiêu chí để rèn luyện, phấn đấu trở thành vừa là nhà chính trị, vừa là nhà quản lý, vừa là nhà báo. Chính điều đó mà cho đến hôm nay, ở nhiều tỉnh, nhiều bạn bè vẫn nhắc đến nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Tiên, một con người hào sảng, trách nhiệm, nghĩa tình.

Trong dòng lưu bút đề tựa vào cuốn sách tập hợp các bài viết của ông Hà Văn Tải tặng nhà báo Nguyễn Thanh Tiên đã viết: “Đồng chí Nguyễn Thanh Tiên - nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An, vừa là bạn thân, vừa là cộng sự, cao hơn cả là một cán bộ hết mực trung thành với cách mạng, đặc biệt rất thuỷ chung với bạn bầu”.

Và trong những câu chuyện nghề “quản lý”, ông luôn là người sâu sát: cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với phóng viên trong những việc - địa bàn khó, phức tạp, nhạy cảm. Ngày đó, với quan điểm, báo chí phải chủ động đi trước, dẫn đường, Báo Nghệ An đã thực hiện các tuyến bài nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chứ không phải đi sau trong nhiều chủ trương mới của tỉnh. Ví như khi chuẩn bị xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, ông đích thân cùng các nhà báo Tô Quốc Bảo, Lê Quý Kỳ ra Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn để tìm hiểu và viết về kinh nghiệm làm xi măng nơi đây. Hay khi có chủ trương xây dựng Nhà máy Mía đường Quỳ Hợp của tỉnh, ông và các nhà báo tiếp tục đi Nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hoá) tìm hiểu quá trình xây dựng nhà máy, làm vùng nguyên liệu, chính sách cho nông dân vùng nguyên liệu để tuyên truyền. Hay đi tỉnh Thái Bình - địa phương làm lưới điện nông thôn khá nhất để tuyên truyền, định hướng, gợi mở cho tỉnh... Chính cách làm này khẳng định vai trò đồng hành của Báo Nghệ An với tỉnh trong hoạch định, triển khai các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Thông qua đó cũng góp phần làm nên tên tuổi hai nhà báo Tô Quốc Bảo, Lê Quý Kỳ và một số nhà báo trong lòng bạn đọc thời kỳ ông làm quản lý.

Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tiên trao đổi với biên tập viên, họa sĩ (năm 1999). Ảnh tư liệu

Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, ông Nguyễn Thanh Tiên là người sáng lập ra Giải Báo chí của Hội Nhà báo Nghệ An và được nâng thành Giải Báo chí Nghệ An hiện nay. Ông cũng là người chủ động, sáng tạo trong phối hợp với một số ngành cấp tỉnh tổ chức các cuộc thi viết về các chuyên đề, vừa “luyện quân”, vừa đẩy mạnh tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm, tạo hiệu ứng lan toả tích cực. Như phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi viết: “Thanh niên Nghệ An làm theo lời Bác”; phối hợp với ngành Giao thông Vận tải viết về “An toàn giao thông”; phối hợp với ngành Dân số viết về “Dân số và Kế hoạch hoá gia đình”... Ngoài ra, hàng năm, Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức các lớp bồi dưỡng thông tin viên, cộng tác viên theo từng chuyên đề để mời các nhà báo Trung ương có kinh nghiệm về truyền đạt, như nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Hồng Phương, nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo Nguyễn Uyển, nhà báo Đức Lượng...

Đặc biệt, cách đây 27 năm, vào năm 1996, ông Nguyễn Thanh Tiên đã cùng với ông Nguyễn Hoàng Thụ khi đó là Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao và một số cán bộ của Báo Nghệ An sáng lập nên Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Giải đấu vừa bước qua mùa giải thứ 25 (giải phải dừng 2 năm do dịch Covid-19), trở thành giải bóng đá trẻ có tuổi đời lâu bậc nhất Việt Nam, nơi ươm mầm cho hàng trăm cầu thủ SLNA và phát hiện nhiều nhân tài cho bóng đá Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tiên tham dự Lễ khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An lần thứ 25 (hàng đầu, thứ 5 trái sang). Ảnh: Đức Anh

Có thể nói, với ông Nguyễn Thanh Tiên cả cuộc đời gắn bó với nghề báo, bởi thời điểm trước khi làm báo chuyên nghiệp vào giai đoạn 1987 - 2004, ông đã có 22 năm làm cộng tác viên tích cực của Báo Nghệ Tĩnh.

Hơn 80 tuổi đời nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Tiên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy hiệu 60 tuổi Đảng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam và nhiều bằng khen của các cấp.

"CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC”

Những ngày tháng 6, hướng tới kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi tìm đến nhà báo Nguyễn Thanh Tiên để nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề báo của ông. Dù nghỉ hưu 19 năm, nhưng ông vẫn luôn quan tâm và dõi theo bước phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí Nghệ An và Báo Nghệ An nói riêng.

Ông Nguyễn Thanh Tiên tham quan việc ứng dụng công nghệ thông tin ở Báo Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Nhà báo Nguyễn Thanh Tiên bày tỏ niềm vui mừng khi Báo Nghệ An đã, đang có sự đổi mới liên tục, đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo để đa dạng phương thức, hình thức chuyển tải thông tin đến được nhiều đối tượng người nghe, người xem và người đọc. Ông ví von, so sánh sự phát triển của Báo Nghệ An hôm nay: “Con hơn cha, nhà có phúc”.

Ông cũng cho rằng: Báo Nghệ An hiện có đội ngũ nhà báo trẻ được đào tạo bài bản, có tâm huyết, lăn xả, cống hiến với nghề. Nghệ An là “nôi” báo chí cách mạng, có truyền thống hiếu học và trình độ dân trí không ngừng được nâng cao. Bởi vậy, các nhà báo cũng phải luôn nỗ lực không ngừng nghỉ mới có tác phẩm báo chí có hiệu quả xã hội cao, vừa nhân lên những mặt tích cực, mặt tốt của xã hội, kiên quyết phê phán, đấu tranh với những tiêu cực, tệ nạn; lấy chính khí át tà khí.


Khi được hỏi ông có gửi gắm gì đối với các nhà báo hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tiên bày tỏ sự tâm đắc khi đọc mấy câu thơ của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Dinh (Báo Quảng Bình): “Nhà nông cày trên thửa ruộng/ Ta cày trên trang giấy mỗi đêm thâu/ Nhà nông sợ nắng nung, bão lũ/ Ta sợ lòng nông cạn chẳng đằm sâu”. Rồi ông chia sẻ: Nhà báo, trước hết phải có cái tâm, khen - chê phải có trách nhiệm; phải có con mắt tinh đời, có “ngón nghề”, bởi nếu không, cái không đáng khen lại khen, cái đáng chê lại không chê, chưa nói đến ảnh hưởng của cơ chế thị trường “phong bao, phong bì” làm cho nhà báo “bẻ queo” ngòi bút.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tiên cũng chia sẻ: Tư tưởng báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết cho ai? viết để làm gì? viết như thế nào?”. Đó là câu hỏi lớn mà trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo phải tự tìm câu trả lời cho chính mình. Muốn vậy thì phải bám sát thực tiễn cuộc sống, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân, nắm bắt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, để tạo ra các sản phẩm báo chí lan toả trong đời sống xã hội, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo cách mạng.

Ông Nguyễn Thanh Tiên trò chuyện với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tòa soạn Báo Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Tiên: Một đời tận hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO