Xây dựng Đảng

Nhà báo Lý Văn Sáu - Từ Nghệ An đến Paris & La Habana

Nguyễn Sĩ Đại 02/11/2024 14:55

Trong số các nhà báo cách mạng sinh ra từ quê hương xứ Nghệ, Lý Văn Sáu (1924-2012) là một nhà báo mang tầm cỡ quốc tế.

nhabaolyvansau-cover.png

Nguyễn Sĩ Đại • 31/10/2024

Trong số các nhà báo cách mạng sinh ra từ quê hương xứ Nghệ, Lý Văn Sáu (1924-2012) là một nhà báo mang tầm cỡ quốc tế.

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Bá Đàn. Cha ông là Cử nhân Nguyễn Trọng Thuần, sinh năm 1890, đỗ Cử nhân năm Ất Mão 1915, khi mới 22 tuổi. Ông Lý Văn Sáu từng viết về cha mình: “Ông là người xây nên nhà trường đầu tiên của làng tôi để dạy quốc ngữ. Ông dựng nên chợ đầu tiên của làng Yên Nhân trên bờ sông Hàn… Cha tôi thương người hoạn nạn, quý người đồng hương, đùm bọc bà con, dòng họ. Làm quan đồng lương không bao nhiêu nhưng trong nhà bao giờ cũng có một hai cụ đồ Nghệ sa cơ lỡ vận ở chơi hàng tháng, có bốn năm người họ hàng mà cha mẹ tôi nuôi ăn học, dạy nghề, túng thiếu không kêu ca. Với những người tù chính trị, ông tìm mọi cách giúp đỡ, làm nhẹ án và không bao giờ tra tấn họ”.

Lý Văn Sáu và Phan Ngọc (sau này là dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn hóa học hàng đầu), con cụ Phan Võ, vừa là anh em, vừa là bạn bè (cụ Phan Võ là anh ruột của bà Phan Thị Phu, mẹ Lý Văn Sáu) cùng hoạt động thanh niên, tham gia truyền bá quốc ngữ, tham gia Việt Minh trước năm 1945, tham gia giành chính quyền ở huyện nhà trong Cách mạng Tháng Tám. Chính lúc này, cha ông, tri huyện Vạn Ninh bị bắt giữ, di lý về Nha Trang.

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924-2012) - Nguồn qdnd.vn
Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924-2012). Nguồn: qdnd.vn

Là một người con hiếu thảo, không biết số phận cha mình thế nào, với hai chục bạc Đông Dương, ông lặn lội vào Khánh Hòa tìm cha. Sau hai tháng, trải qua nhiều gian nan, ông mới gặp cha trong nhà lao bèn sụp xuống khóc và lạy cha ba lạy. Người cha cúi xuống, đỡ con lên và nói: “Con vào gặp cha, cha mừng lắm. Không có con vào có lẽ cha khó sống nổi. Cha không có tội và không biết bị khép vào tội gì”! Người nông dân bình thường theo cách mạng là điều dễ hiểu. Người có hoàn cảnh như Lý Văn Sáu mà theo cách mạng là phải bằng nhận thức và giác ngộ rất cao.

Nam Bộ kháng chiến bùng lên (23/9/1945), Lý Văn Sáu tham gia kháng chiến ở Khánh Hòa. Mặt trận Nha Trang bị vỡ, nhân dân và nhiều cán bộ tản cư ra vùng tự do. Còn lại một số ít người lên cứ. Lý Văn Sáu thuộc số ít ấy cùng với Phạm Cự Hải - Phó Chủ tịch, Tôn Thất Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khánh Hòa. Ông được chỉ định làm Trưởng ty Thông tin tỉnh. Nhiệm vụ được giao lúc ấy là qua radio theo dõi, nắm bắt tình hình trong nước và thế giới, nắm bắt chỉ đạo của Trung ương qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1947, ông được kết nạp Đảng, và sử dụng bí danh là Đại Tây, vì suốt ngày đậy tai bằng cái tai nghe để nghe tin tức.

Người tiên phong trong xây dựng báo chí cách mạng

Báo Thắng ra đời, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân tỉnh Khánh Hòa, là tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Lý Văn Sáu được giao làm chủ bút (Tổng Biên tập). Báo ra đời tại chiến khu Hòn Dũ (huyện Khánh Vĩnh), in đá bằng mực sác-bô-ne, số đầu ra ngày 26/4/1947; mỗi tháng ra 2 - 3 số, mỗi số có 4 trang với khoảng 600 - 700 bản in nhưng đã có tiếng vang rất lớn. Vừa làm báo Thắng, ông Sáu còn kiêm chủ biên tờ báo địch vận mang tên Le Trait d’Union (Cái gạch nối).

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. Ảnh tư liệu

Năm 1949, Liên Khu V giao cho Lý Văn Sáu trực tiếp biên tập, giúp Giám đốc Nguyễn Văn Nguyễn điều hành Đài Tiếng nói Miền Nam (Bí danh Ban Tây Sơn). Ông Sáu với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cán bộ thời kháng chiến: Đang làm Trưởng ty, đi làm báo; đang làm Tổng Biên tập, đi làm biên tập viên.

Năm 1968 – 1973, ông là người phát ngôn của Mặt trận rồi Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri.

Tháng 9/1973 là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, văn hóa của Ban Miền Nam (Ban Thống nhất).

Tháng 5/1975: Phó Giám đốc thứ nhất Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Tháng 7/1977-1986: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương 1977-1980; Tổng Biên tập Đài TNVN 1980-1985.

Năm 1987 - 1991 là Phó Tổng Biên tập TTXVN và nghỉ hưu tại đây.

Cuộc đời Lý Văn Sáu là cuộc đời của một nhà báo - chiến sĩ, nhà ngoại giao cách mạng. Mỗi bước đời của ông đều gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của báo chí, với lịch sử nước nhà.

Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (ngồi thứ hai, từ phải sang) đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì tại lễ trao tặng năm 2008. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (ngồi thứ hai, từ phải sang) đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì tại lễ trao tặng năm 2008. Ảnh: Tư liệu

Nhân chứng của câu nói Phi-đen

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế điện tử ngày 1/12/2016, nhà báo Lý Văn Sáu kể:

“Có một kỉ niệm khó quên với tôi trong thời gian công tác ở Cu Ba, đó là lần tôi được trực tiếp chứng kiến câu nói của lãnh tụ Fidel tại cuộc mít tinh có sự tham dự của hơn một triệu người tại Quảng trường Cách mạng ở Thủ đô La Habana: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của chính mình”.

Khi Fidel vừa dứt câu tuyên bố mạnh mẽ ấy, cả quảng trường Cách mạng như vỡ òa bởi những tiếng hò reo và tràng pháo tay của những người tham dự…

Hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9-1973
Hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9/1973. Ảnh: Tư liệu

Ngay chiều hôm sau, lãnh tụ Fidel cho mời hai Trưởng đoàn đại biểu của miền Nam và miền Bắc Việt Nam tới gặp riêng. Tôi cũng được dự vì là phiên dịch cho hai đồng chí Trưởng đoàn. Fidel tiếp ba chúng tôi tại Cung Cách mạng. Cuộc gặp trở thành một sự kiện lịch sử mà giờ đây tôi trở thành nhân chứng sống duy nhất, và có lẽ rất ít người biết tới nội dung cuộc trò chuyện mà Fidel đã dành riêng cho chúng tôi chiều hôm ấy… Tại cuộc gặp, Fidel nói: “Hôm nay tôi gặp các đồng chí để giải thích vì sao tôi lại nói như vậy. Đó trước hết là vì tình đoàn kết vô điều kiện mà chúng tôi dành cho nhân dân Việt Nam và thể hiện quyết tâm của chúng tôi luôn luôn ủng hộ các đồng chí trong cuộc đấu tranh chống Mỹ… Chúng tôi sẵn sàng nhịn đói để nhân dân Việt Nam có gạo mà chiến đấu, thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình”.

Phát ngôn nổi tiếng ở Pa-ri

Thắng lợi của Hội nghị Pa-ri do thắng lợi ở chiến trường là quyết định. Nhưng những nhà ngoại giao theo Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Hội nghị Pa-ri bằng ngoại giao chính trường, ngoại giao nhân dân, ngoại giao báo chí đã góp phần rất to lớn vào kết quả của Hội nghị, vào việc làm cho thế giới hiểu Việt Nam, thúc đẩy phong trào biểu tình ủng hộ Việt Nam lan khắp thế giới và ngay tại sân nhà Mỹ. Nhà báo Hà Đăng, nguyên thành viên của đoàn miền Nam dự Hội nghị Pa-ri, lúc nào kể về sự kiện này cũng đầy hào hứng. Ông nhớ rất kỹ những câu trả lời của nhà báo - người phát ngôn Đoàn Mặt trận Lý Văn Sáu.

Đồng chí Lý Văn Sáu (thứ 2, phải sang) chứng kiến Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam
Đồng chí Lý Văn Sáu (thứ 2, phải sang) chứng kiến Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Ngay tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris ngày 25/1/1969, một nhà báo Mỹ trải ra một tấm bản đồ khá lớn và đặt câu hỏi hóc búa: “Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?”. Sau Mậu Thân, địch nống ra chiếm lại nhiều vùng giải phóng. Thực tế có nhiều vùng cài răng lược; nhiều vùng ban đêm là của Giải phóng, ban ngày của ngụy. Chính quyền, đồn bót của Mỹ ngụy có ở khắp nơi. Nếu trả lời cụ thể, sẽ lộ bí mật và chắc chắn đối phương sẽ đưa ra những chứng cớ để phản bác lại. Đây là cuộc họp báo đầu tiên, thành công hay thất bại rất quan trọng. Người trong hai đoàn ta rất lo lắng. Lý Văn Sáu điềm tĩnh xuất thần:

“Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ ném bom nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy”. Tiếng vỗ tay vang lên khắp phòng họp, hứng khởi nhất là tiếng vỗ tay của anh em mình vì đã vượt qua được một thách thức…

Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) tại Paris (Pháp). Ảnh Getty
Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) tại Paris (Pháp). Ảnh: Getty

Tại cuộc họp báo khác, một nhà báo Pháp hỏi: "Ông nghĩ gì về việc trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?". Lý Văn Sáu đáp: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước". Tiếng cười lại vang lên. Người ta không ngờ rằng, người cộng sản vô thần lại có thể thuộc Kinh thánh và vận dụng một cách humour (hài hước) theo kiểu Phương Tây. Hôm sau, tờ báo công giáo La Croix viết: "Người phát ngôn Việt Cộng cũng đang dùng ngụ ngôn trong Kinh Thánh". Tháng 3/1969, Mỹ đem bom B 52 rải thảm khu vực Trung ương Cục đóng nhưng không tiêu diệt được cơ quan đầu não của ta. Một nhà báo nước ngoài hỏi Lý Văn Sáu: “Trung ương Cục của ông biến đi đâu mà tài thế?” Ông trỏ vào tim mình nói: Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở trong lòng dân nên quân Mỹ không thể nào tìm bắt họ được. Có thể giờ này họ đang ở Sài Gòn!”.

Những câu đáp trả thể hiện một tư thế đĩnh đạc, một trình độ văn hóa cao như vậy của Lý Văn Sáu càng làm cho thế giới hiểu và khâm phục Việt Nam.

Đằm thắm tình yêu, giữ bền đạo nghĩa

Nguyễn Bá Đàn - Lý Văn Sáu với lòng hiếu thảo sâu sắc dành cho người cha thân sinh, đồng thời là một người chồng, người cha, người ông mực thước, thuỷ chung, đằm thắm.

Trên bước đường cách mạng, ông gặp được một người con gái Khánh Hòa nhan sắc, trung kiên cách mạng. Hai người làm đám cưới tại chiến khu cuối năm 1948. Ông Sáu viết trong hồi ký:

“Xứ trầm hương cho tôi hai của báu
Một con đường cách mạng
Một hòn Ngọc để yêu thương và chiếu sáng con đường!”

Vợ chồng ông Lý Văn Sáu cùng các con tại nơi sơ tán của Ban Thống nhất Trung ương ở Thạch Thất, Hà Tây, tháng 7-1967. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Vợ chồng ông Lý Văn Sáu cùng các con tại nơi sơ tán của Ban Thống nhất Trung ương ở Thạch Thất, Hà Tây, tháng 7-1967. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Cái quan định luận. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ về ông: “Bác Lý Văn Sáu là cán bộ ngoại giao tài ba của Đảng, người cán bộ mẫu mực, trong sáng, thủy chung”.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Trên quê hương Liên khu V, sự cống hiến, tấm lòng và ý chí của anh Lý Văn Sáu, một người anh lớn trong đội ngũ báo chí, văn nghệ Việt Nam, mãi còn đó với non sông, đồng bào đồng chí”.

Nhà báo Lý Văn Sáu - Từ Nghệ An đến Paris & La Habana
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO