Nhà giáo nghỉ hưu mòn mỏi chờ phụ cấp

16/11/2016 09:51

(Baonghean) - Qua gần 3 năm thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ – TTg về Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu, Nghệ An vẫn còn khoảng 3.000 người chưa thể giải quyết được do còn những vướng mắc của quy định.

Ông Lê Sỹ Lâm (khối 9, thị trấn Quỳ Hợp) là giáo viên có 32 năm phục vụ trong ngành Giáo dục. Trong đó có nhiều năm ông làm hiệu trưởng các trường thuộc vùng sâu vùng xa như Trường cấp II Châu Thành, cấp II Đồng Hợp, cấp II Văn Lợi, THCS Châu Sơn 2. Riêng trong giai đoạn từ năm 1984 - 2005 do đào tạo chưa đủ chuẩn (ông Lâm tốt nghiệp trung cấp sư phạm) nên từ Hiệu phó Trường THCS Châu Thái ông chuyển làm giáo viên và đến cuối năm 2005 ông bị xếp vào danh sách giáo viên dôi dư theo Nghị định 16 và UBND huyện Quỳ Hợp cho chờ nghỉ hưu.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Châu Bính (Quỳ Châu) - ảnh minh họa.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Châu Bính (Quỳ Châu) - ảnh minh họa.

Đến tháng 6/2006 ông có quyết định hưởng lương hưu. Với nhiều năm công tác làm trong ngành Giáo dục, nên khi có Quyết định 52, ông hy vọng mình sẽ được hỗ trợ tiền trợ cấp thâm niên. Tuy vậy, hiện tại ông vẫn chưa được hưởng vì trước khi nghỉ hưu ông không tham gia trực tiếp giảng dạy (ông bị gián đoạn 6 tháng).

Ông Lê Văn Phớt - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An: "Quyết định 52 ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với những giáo viên đã có nhiều năm cống hiến cho ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có khá nhiều vướng mắc dẫn đến thiệt thòi cho khoảng hơn 3.000 giáo viên đã nghỉ hưu. Trong khi đó, nguyên nhân là do khách quan và có tính đặc thù riêng của tỉnh Nghệ An".

Theo báo cáo của ngành BHXH, tỉnh Nghệ An hiện có hai nhóm đối tượng là giáo viên nhưng chưa được hưởng phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

Nhóm đối tượng thứ nhất là giáo viên đã được nghỉ việc theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB ngày 4/12/2002 và Quyết định số 86/2007/QĐ-UB ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (được nghỉ việc hưởng 80% đến 100% lương cơ bản, không được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi và nâng lương, được đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu), do vậy trong tiền lương đóng BHXH của những giáo viên này không có phụ cấp thâm niên nghề.

Mặt khác, số giáo viên này khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì đã không còn trực tiếp giảng dạy, vì vậy không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Nhóm đối tượng này có khoảng 1.600 người.

Nhóm đối tượng thứ hai là những giáo viên mầm non trước đây giảng dạy tại các trường công lập, tuy nhiên do chủ trương xã hội hóa giáo dục nên chuyển đổi mô hình các trường mầm non công lập sang hình thức bán công, vì vậy số giáo viên này nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục bán công nên cũng không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg. Nhóm đối tượng này có khoảng 1.500 người.

Theo bà Đậu Thị Hương Lan - Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay vướng mắc lớn nhất ở Nghệ An trong giải quyết chế độ tập trung chính vào đối tượng giáo viên mầm non ở các trường bán công đã về hưu hoặc đối tượng là giáo viên dôi dư nghỉ theo Quyết định 109 và 86 của UBND tỉnh.

Điều này nếu căn cứ theo Quyết định 52 là có cơ sở. Tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế ở Nghệ An lại quá thiệt thòi cho giáo viên. Bởi lẽ, như với giáo viên mầm non, trước đây các trường mầm non ở Nghệ An đều là các trường công lập. Sau đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng trẻ mầm non có nhu cầu đến trường lớn nên UBND tỉnh có chủ trương xã hội hóa giáo dục chuyển các trường mầm non ở công lập ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng thành các trường bán công với mô hình về cơ sở vật chất do chính quyền các cấp chịu trách nhiệm tu sửa, nâng cấp.

Về đội ngũ, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước, số còn lại giáo viên, nhân viên do UBND các xã phường và hiệu trưởng ký hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu học phí.

Riêng đối tượng giáo viên nghỉ chờ hưu theo Quyết định 109 và 86 phần lớn đã có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục đào tạo trong những thời điểm khó khăn sau khi đất nước thống nhất. Từ sau năm 2000, vì quy mô trường lớp giảm, một bộ phận giáo viên tuổi đã cao, hạn chế về năng lực chuyên môn, trình độ chưa đạt chuẩn theo như quy định nên được giải quyết nghỉ việc 80 - 100% lương cơ bản và tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Quyết - Trưởng phòng chế độ BHXH - BHXH Nghệ An cho biết: “Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, đầu năm 2014, BHXH tỉnh Nghệ An đã có công văn báo cáo BHXH Việt Nam và đề nghị hướng dẫn thực hiện giải quyết vướng mắc khi thực hiện chế độ trợ cấp.

Sau đó, BHXH Việt Nam đã có công văn trả lời nêu rõ: đối tượng là giáo viên nghỉ hưu khi đang giảng dạy tại các cơ sở bán công không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg; số giáo viên đã nghỉ việc theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB và Quyết định số 86/2007/QĐ-UB của UBND tỉnh Nghệ An là đặc thù riêng của tỉnh Nghệ An, nên hướng dẫn BHXH tỉnh Nghệ An đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An báo cáo UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An có công văn về việc vướng mắc thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg về trợ cấp phụ cấp thâm niên nhà giáo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ghi nhận thời gian làm giáo viên trực tiếp giảng dạy của các giáo viên nghỉ hưu (thuộc các đối tượng nêu trên) để làm cơ sở tính trợ cấp thâm niên theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, BHXH tỉnh Nghệ An rất mong nhận được những hướng dẫn cụ thể của cấp trên để có cơ sở nhằm giải quyết chế độ đối với số giáo viên nêu trên một cách hợp tình, hợp lý”.

Theo Quyết định 52/2013/QĐ - TTg, những giáo viên nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011 được hưởng trợ cấp thâm niên.

Điều 2 Quyết định 52/2013 quy định rõ: Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Mỹ Hà - Mai Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhà giáo nghỉ hưu mòn mỏi chờ phụ cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO